Không có những lùm xùm về chất lượng, giá thành vừa phải nên hàng Thái Lan đang ngày càng chiếm được cảm tình của người tiêu dùng. Tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội, các cửa hàng bán hàng Thái Lan đang có thế mạnh “áp đảo” khi được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn so với các mặt hàng cùng chủng loại nhưng được nhập về từ một số nước khác.
Trên cả nước, các cửa hàng bán hàng Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều. Tại Hà Nội, 2 năm trở lại đây đã có trào lưu mở shop hàng nhập khẩu từ Thái Lan. Đến nay những cửa hàng như thế đã mọc lên ở khắp mọi con phố, mọi khu dân cư. Tại TP. Hồ Chí Minh, số lượng các cửa hàng Thái nhiều hơn gấp nhiều lần.
Tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như Nguyễn An Ninh (Hoàng Mai), Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Thái Hà (Đống Đa), Giảng Võ,... có thể dễ dàng bắt gặp những cửa hàng bán hàng tiêu dùng Thái Lan bày bán đủ các mặt hàng từ quần áo, khăn mặt, dầu gội, mỹ phẩm,... Nhiều loại hàng hoá nếu nhập khẩu từ Thái Lan về đều có giá thành cao hơn bình quân từ 15 - 20% so với các loại cùng thương hiệu nếu sản xuất từ trong nước.
Chị Nguyễn Thu Ngân (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết chị quyết định chuyển sang sử dụng hàng Thái Lan vì so với các loại hàng hoá nhập khẩu khác, hàng Thái Lan có chất lượng khá tốt, giá thành phải chăng. “Nếu so với một số mặt hàng ngoại nhập từ Mỹ, Nhật, Hàn về thì hàng Thái Lan có giá thành rẻ hơn rất nhiều, chất lượng hàng hoá cũng tốt nên tôi và gia đình quyết định mua hàng Thái về dùng”, chị Ngân cho hay.
Không chỉ các thành phố lớn mà tại các địa phương, hàng Thái cũng ngày càng tung hoành. Người Việt dường như đã tìm lại cảm tình đã dành cho hàng Thái Lan cánh đây chừng 20 năm với các nhận xét như: chất lượng khá, mẫu mã khá ổn, giá hợp lý hơn hàng Việt và khỏi cần khỏi cần so sánh với hàng Tàu.
Thống kê mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, trong số các mặt hàng nhập khẩu (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan đang đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc.
Cụ thể, sản phẩm may mặc, đồ dùng gia dụng do Thái Lan sản xuất đã có mặt tại gần 9.000 chợ trên cả nước và chiếm ưu thế so với những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác. Đặc biệt, riêng hàng điện tử, điện lạnh đã chiếm đến 70% thị phần. Đáng chú ý, dù Việt Nam có thế mạnh về trái cây nhiệt đới, nhưng cũng bị hoa quả Thái Lan đánh bật khi chiếm tới 40% thị phần nội địa.
Thống kê mới nhất từ Bộ Công Thương cho thấy, trong số các mặt hàng
nhập khẩu (tính về số lượng), hàng xuất xứ từ Thái Lan
đang đứng thứ hai, chỉ sau hàng Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của PV Người Đưa Tin, xu thế chuyển sang dùng hàng Thái Lan “lên ngôi” ngoài lý do lo ngại chất lượng các loại hàng hoá của Trung Quốc trong thời gian gần đây mà còn do mẫu mã, chủng loại hàng Thái Lan cũng khá phong phú và đa dạng, giá thành lại rẻ hơn rất nhiều so với các loại hàng hoá nhập khẩu từ các quốc gia khác.
Hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan mỗi năm tổ chức hai lần mỗi năm ở Hà Nội luôn đông khách với hàng trăm gian hàng và cả chục ngàn lượt khách đến mua bán.
Ngày 15/1, tại Hà Nội, Hội chợ bán lẻ hàng Thái Lan (Made in Thailand Outlet 2015) đã khai mạc. Hội chợ lần này mang đến cho người tiêu dùng Việt Nam các sản phẩm Thái Lan chất lượng cao với các thương hiệu nổi tiếng, tập trung vào các mặt hàng như: Thực phẩm và đồ uống, hàng gia dụng, thiết bị điện, dệt may, trang sức Thái Lan; mỹ phẩm …
Tất cả sản phẩm trưng bày đều do các công ty Thái Lan mang sang hoặc là của các công ty nhập khẩu, phân phối hàng chính hãng Thái Lan tại Việt Nam. Hội chợ quy tụ 120 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp và dự kiến diễn ra đến hết ngày 18/1/2015 tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.
Người tiêu dùng Việt đến đây mua đủ thứ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày mà hàng Việt và hàng Tàu cũng bày bán nhan nhản, không hề hiếm, từ dầu gội, sữa tắm đến những thứ nhỏ nhất như cái tăm, giấy, muối ăn và cả hương đốt...
Với đà này, một chuyên gia phân phối đã phải thốt lên, có khi Tết này sẽ có người dùng toàn hàng Thái. Bánh kẹo, trái cây dùng để tiếp khách - hàng "Thái"; Thậm chí cả đồ thờ, hương nhang hàng Thái có hết. Không những thế hàng thực phẩm, gia vị dùng trong nấu ăn, cũng "Thái".
Không chỉ bùng nổ nhiều cửa hàng bán hàng tiêu dùng Thái Lan ngoài thực tế mà việc kinh doanh các mặt hàng gắn nhãn “Hàng Thái Lan” cũng nở rộ trên Internet. Chỉ cần vào một số trang tìm kiếm và gõ cụm từ “hàng Thái Lan” là ngay lập tức sẽ cho ra hàng triệu kết quả chỉ trong vài giây.
Với lợi thế lượng hàng hóa phong phú, chất lượng tốt, được người Việt ưa chuộng từ lâu; lại cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á, sắp bước vào giai đoạn mở cửa thị trường, giảm thuế theo cam kết gia nhập AFTA, hàng Thái Lan được cho là có cơ hội phát triển tốt tại Việt Nam.
Sự phủ sóng của hàng Thái Lan tạo thêm cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn, song lại đẩy DN Việt Nam trước nguy cơ mất phần lớn thị phần. Nếu hàng tiêu dùng Thái Lan có chất lượng cao và ổn định, thì ngược lại, điểm yếu nhất của hàng Việt Nam chính là chất lượng không ổn định, hay đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bà Đinh Thị Mỹ Loan, cảnh báo, chẳng bao lâu nữa, hàng Thái Lan sẽ thay thế hàng Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.
Theo bà Loan, đối sách quan trọng nhất để cạnh tranh với hàng nước ngoài nói chung, hàng Thái Lan nói riêng là DN Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, tổ chức hiệu quả các chuỗi phân phối.
Theo Nguoiduatin.vn