Hiện nay nhiều hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) ở TP.HCM và các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Long An đang phát triển mạnh mô hình nuôi heo, gà theo tiêu chuẩn VietGAP và một số chuẩn mới khác để đưa thịt sạch ra thị trường nhiều hơn.
Nguồn cung thịt sạch dồi dào
Bà Lê Ngọc Phượng, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn - Sagrifood (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), cho biết hiện nay 100% trang trại nuôi heo, gà của Sagrifood đều đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP. DN áp dụng chuỗi quy trình khép kín từ khâu sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi, giết mổ, chế biến và phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Xí nghiệp chăn nuôi heo đạt chuẩn quốc tế có tổng đàn gần 30.000 con, quy mô hơn 50 ha tại huyện Củ Chi, TP.HCM.
Bà Phượng chia sẻ: “Sản phẩm thịt cuối cùng được bảo quản và vận chuyển trong điều kiện nhiệt độ dưới 5oC trước khi đưa vào siêu thị và tủ đông lạnh của các điểm bán lẻ. Các khu vực xử lý nước thải, xử lý phân được thiết kế hiện đại, hợp vệ sinh nên không gây ô nhiễm môi trường”.
Người tiêu dùng chọn mua thịt hữu cơ tại một cửa hàng
thực phẩm ở quận 1, TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Tại Đồng Nai, HTX Sản xuất chế biến Đồng Hiệp cũng tập hợp được hơn 50 xã viên chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn sạch. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết HTX đang trình Sở Khoa học và Công nghệ của tỉnh để chứng nhận thịt heo sạch. HTX đã ký kết được với Công ty Vissan cung cấp 200-300 con heo/ngày. Khi ra thị trường, thịt heo của HTX được đóng gói trong bao bi có tên HTX Đồng Hiệp để người tiêu dùng dễ nhận diện.
Nhiều DN chăn nuôi khác lại chọn hướng nuôi mới nhằm cung cấp thịt sạch đến người tiêu dùng. Ông Lê Nguyễn Huy Tâm, nhà phân phối thịt heo hữu cơ của trang trại Bảo Châu (Hà Nội), cho biết ngoài ba cửa hàng riêng công ty còn phân phối thịt heo cho 12 cửa hàng nữa. Mỗi tuần một cửa hàng tại tp tiêu thụ khoảng 300 kg thịt heo hữu cơ. Với thịt hữu cơ, heo được nuôi theo phương pháp thủ công, nguồn thức ăn là các sản phẩm hữu cơ như đậu nành, bắp… ứng dụng công nghệ vi sinh vật EM của Nhật. Năm 2014, các mặt hàng rau, cá, trứng, thịt gà của trang trại này cũng được chứng nhận sản phẩm hữu cơ.
Đầu xuôi, đuôi chưa lọt
Nguồn cung cấp thịt sạch ngày càng dồi dào khi DN ngày càng chú trọng đến chất lượng, uy tín thương hiệu với người tiêu dùng. Thế nhưng hiện nay thịt sạch lại đang chật vật tìm đầu ra.
Ông Phạm Hữu Chí, Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong (Củ Chi - TP.HCM), cho hay các trang trại nuôi heo của HTX đều tham gia nuôi heo theo tiêu chuẩn sạch và đạt chuẩn VietGAP nhưng khi nuôi xong đành bán cho chợ đầu mối Hóc Môn. Đầu năm 2014, nhờ tác động của TP, HTX đã bán được thịt cho Vissan nhưng mấy tháng trở lại đây Vissan ngưng tiêu thụ hoặc tiêu thụ rất ít. Với 3.000 con heo thịt bán ra mỗi tháng thì phần lớn HTX vẫn phải bán cho thương lái với giá thị trường dù chi phí đầu tư nuôi theo chuẩn VietGAP tốn hơn cách nuôi thường.
“Thương lái lẫn người tiêu dùng đều không quan tâm đó là thịt heo VietGAP hay thịt heo không rõ nguồn gốc. họ chỉ quan tâm giá rẻ, thịt nhiều nạc là được. Ngay cả khi DN bán lẻ mua thịt VietGAP từ HTX họ cũng không ghi nhãn VietGAP lên sản phẩm. Lý do họ đưa ra là người tiêu dùng không quan tâm. Chính điều này đang giết dần các trang trại chăn nuôi VietGAP” - ông Chí buồn rầu.
Giá thịt sạch cao gấp ba lần thịt bình thường
Ghi nhận thị trường cho thấy hiện giá thịt heo sạch cao gấp ba lần so với thịt heo bình thường. Tại cửa hàng thịt heo hữu cơ đường Phạm Viết Chánh (quận 1), các loại thịt ba rọi, nạc, đùi từ 250.000 đến 255.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá này cũng không làm nhiều người e ngại vì muốn đảm bảo sức khỏe. Có nhiều người tiêu dùng ở các quận xa vẫn lặn lội qua địa chỉ này mua các loại thực phẩm hữu cơ. Giới tiêu dùng cho biết vì nghe nói thịt hay rau hữu cơ nuôi trồng theo kiểu tự nhiên không có thuốc, ăn ngon hơn nên họ mua dùng.
Tiểu thương không mặn mà
Về phía DN, dù lãnh đạo chính quyền tp, ban quản lý các chợ đã tạo điều kiện gặp gỡ tiểu thương để liên kết xây dựng các sạp bán thịt VietGAP nhưng tiểu thương không mặn mà tham gia. Tiểu thương thích “tiền trao cháo múc”, giá bán như giá thị trường, trong khi DN phải theo phương thức thanh toán chuyển khoản kèm nhiều điều kiện, tiêu chuẩn.
Bà LÊ NGỌC PHƯỢNG, Giám đốc Công ty Sagrifood
Pháp Luật TPHCM