Chả cá chứa urê
Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh và các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các chủ hàng, chủ cơ sở chế biến chả cá có chứa chất cấm, thông báo rộng rãi đến người dân biết.Trước đó, đoàn công tác liên ngành của tỉnh đã lấy bảy mẫu nguyên liệu và chả cá thành phẩm ở chợ trung tâm TP Tuy Hòa đưa đi kiểm nghiệm và xác định tất cả đều nhiễm chất cấm.
Các mẫu chả cá được kiểm tra đều có hàm lượng urê cao hơn mức cho phép.
Cụ thể, cả bảy mẫu đều chứa dư lượng urê với hàm lượng 15,0-47,6 mg/kg và có 5/7 mẫu chứa dư lượng chloramphenicol với hàm lượng 0,1-1,24 µg/kg. Cả hai chất này đều cấm sử dụng trong bảo quản và chế biến thủy sản thực phẩm. Trong đó, “chất chloramphenicol sử dụng nhiều sẽ gây ức chế hệ thống tủy xương, gây suy giảm bạch cầu, tiểu cầu, hồng cầu, làm thiếu máu, kích thích hệ thống tiêu hóa, gây kháng thuốc kháng sinh ở các loại vi khuẩn” – một bác sĩ của Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Phú Yên, cho biết thêm.
Không chỉ có vậy, tại chợ cá TP.Tuy Hòa – Phú Yên, tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất chế biến chả cá đã được nhiều báo chí phản ánh. Các loại cá mà những cơ sở ở đây dùng làm nguyên liệu chế biến chả cá thuộc cá thải loại, chỉ dùng cho việc chế biến thức ăn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, qua bàn tay “phù phép” bằng cách trộn hàn the vào thịt cá ươn bỗng trở nên dai, giòn hơn.
Lẩu hóa chất ở Sài Gòn
Để các nguyên liệu làm lẩu tươi ngon, nhiều nhà hàng ở Sài Gòn mua hải sản chết tại chợ, sau đó ngâm vào formaldehyde (chất bảo quản xác ướp) để giữ tươi lâu. Măng chua được ngân với hóa chất có giá 60.000 đồng/kg để nở ra ra và nặng cân hơn.
Nhìn nổi lẩu bắt mắt như thế này ai biết rằng chúng đã được tẩm hóa chất?
(ảnh minh họa)
Đối với các món phụ ăn kèm như gỏi, nướng, các nguyên liệu như ngó sen, nầm dê, chân gà, gân bò..., chủ hàng thường sử dụng các loại hóa chất tẩm ướp để tăng độ giòn, dai hoặc thêm vị thơm ngon. Ngó sen ướp trong hàn the 2 tiếng để tạo độ giòn, sau đó được nhúng qua đường và dấm hóa học để có thể dùng dần trong 1 tuần. Nầm dê vốn hiếm sẽ được thay thế bằng nầm heo, nầm bò bơm thêm chất tạo mùi và thuốc tẩy trắng. Chân gà sau khi dùng hóa chất rã đông cấp tốc sẽ được tẩy trắng đến tận xương, ướp muối ớt, nướng thơm bắt mắt và mang ra phục vụ thực khách bình dân.
Một lạng 'siêu chất' thành 10 lít nước mắm
Tìm đến hàng gia vị các chợ Tân Định (Q.1), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh)..., tiểu thương giới thiệu đủ loại gia vị tẩm ướp, ngâm tẩy, trong đó nhiều loại nhãn mác, xuất xứ rất mù mờ. Tôi cũng theo chân anh Bảy (một người kinh doanh thực phẩm ở H.Bình Chánh, TP.HCM) đến khu vực chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM) mua hương liệu pha chế nước mắm. Anh Bảy nói trước đây muốn làm nước mắm phải muối cá, lọc nước, chưng cất..., nay chỉ cần mua nước cốt này về pha với nước, muối có ngay nước mắm bán quán ăn, bỏ mối cho hàng quán, dễ kiếm lời. Đó là chất lỏng sền sệt có mùi nước mắm, giá bán lẻ 50.000 - 60.000 đồng/100 gr.
Theo anh Bảy, để pha chế cần nấu nước sôi pha muối, cho chất này vào có ngay nước mắm. “Liều lượng pha chế thì tùy. Muốn ngon pha đậm, bán giá cao, pha nhạt bán giá thấp, muốn ngon hơn nữa cho ít bột ngọt Trung Quốc, bột nêm cho mùi vị dịu, thơm, thành hàng ngon. Mua 1 lạng cốt pha chế được hơn 10 lít nước mắm, chi phí khoảng 60.000 - 70.000 đồng, bán ra giá 15.000 - 20.000 đồng/lít”, anh Bảy nói. Cũng theo anh Bảy, thị trường có đủ các loại phụ gia, gia vị kiểu này nhưng “phải quen mới mua được”.
Hải sản khô: Ăn vô tư, chết từ từ
Hầu hết các mặt hàng khô được bày bán phổ biến tại chợ Đồng Xuân đều không có hạn sử dụng, không nguồn gốc, không nhãn mác, không túi bảo quản... Song theo thói quen, nhiều người tiêu dùng tỏ ra rất dễ tính khi mua các loại sản phẩm này.
Những thùng carton đựng cá, tôm bày bán không được che đậy, nên nhiều ruồi nhặng bay đến rất mất vệ sinh. Ngay cả những khi trời mưa, ẩm thì những mặt hàng này đều được để “lộ thiên” không che đậy. Chính vì thế một số loại cá khô như: cá ruội, bống không có mùi tanh hoặc mùi thơm của nắng mà lại hơi ẩm ướt, có mùi hơi hắc rất khó chịu của chất bảo quản hay một chất hóa học nào đó.
Khi PV hỏi về nguồn gốc, chất lượng cũng như độ an toàn của các thực phẩm này thì một chủ cửa hàng tại chợ Đồng Xuân cáu kỉnh: “Hàng khô thì làm gì có hạn sử dụng, có để năm này qua năm khác thì vẫn dùng được. Ở quê người ta toàn mua dùng cả năm, có ai bị làm sao đâu”.
Theo các bác sỹ, thực tế các loại động vật khi chết sau một giờ đã bị phân hủy, đạm bị phân hủy sẽ tạo ra histamine (thường xuất hiện với cá biển), nếu bảo quản không tốt thì lượng histamine càng nhiều, tạo độc tố cao, con người ăn vào sẽ bị dị ứng ngay. Hơn nữa, trong quá trình phơi sấy, vi sinh, nấm mốc phát triển làm cá khô bị phân hủy, tạo ra “gói độc chất” rất nguy hiểm. Chất này có thể không gây dị ứng ngay tức khắc mà tác hại lâu dài trong 5-10 năm sau, ảnh hưởng đến nhiều bộ phận trong cơ thể con người.
Phát hiện sữa trẻ em chứa nhôm tại Việt Nam
Ngay khi có thông tin về một số sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ nhỏ được sử dụng phổ biến ở Vương quốc Anh có hàm lượng nhôm cao, Cục An toàn thực phẩm đã rà soát các sản phẩm dinh dưỡng công thức nhập khẩu từ Anh đã công bố sản phẩm tại Cục. Cục đã chủ động liên hệ ngay với Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Vương quốc Anh (FSA) và Cơ quan An toàn thực phẩm của Châu Âu để có thông tin chính thức về vấn đề này.
Hàm lượng nhôm trong sản phẩm sữa Aptamil dưới ngưỡng cho phép
Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cung cấp cho thấy: trong các mẫu kiểm nghiệm, hàm lượng nhôm trong sản phẩm dao động từ 3,0 - 3,44 mg/kg. Kết quả này dưới ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả dựa trên số lượng mẫu kiểm nghiệm nhỏ. Như vậy, mức độ an toàn cho trẻ vẫn chưa thể khẳng định.
Liên quan đến mức giới hạn tối đa an toàn của nhôm trong thực phẩm, Ủy ban Tiêu chuẩn hóa thực phẩm của quốc tế và các quốc gia (trong đó có Việt Nam) chưa quy định, ngay cả đối với các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ.
Theo Khampha.vn