Năm 2013, tăng trưởng GDP vẫn ở mức thấp, lạm phát, lãi suất tuy giảm nhưng chủ yếu do tình trạng đình đốn chứ chưa phải kiểm soát tốt, bởi sau thời kỳ tăng cao, kinh tế suy giảm thì lạm phát sẽ xuống. Sản xuất đình đốn, cầu tiêu dùng giảm, đương nhiên lạm phát sẽ giảm. Việt Nam vẫn phải đối mặt với những khó khăn liên quan đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận được tín dụng. Có thể 2 hoặc 3 năm nữa kinh tế mới phục hồi, tức là năm 2014 vẫn tiếp tục khó khăn.
Với tất cả những nhận định có cả lạc quan lẫn khách quan như vậy, câu hỏi: Đầu tư vào đâu có lợi nhuận cao là một câu hỏi khó. Bởi vì để trả lời câu hỏi này cần phải có rất nhiều dữ liệu: Vốn của ai? Dài hạn hay ngắn hạn? Điều kiện tiếp cận cơ hội đầu tư? Năng lực của chủ đầu tư? Không thể xui một ông nông dân vừa có mấy tỷ đồng đền bù đất tham gia thị trường chứng khoán cũng như xui một ông đang làm nương trên Tây Bắc đi vay để đầu tư mua nhà ở TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, khác với những chuyên gia kinh tế, chúng tôi thử đi tìm cả những thuận lợi và cả những rủi ro của 5 kênh đầu tư truyền thống trong năm 2014, để các nhà đầu tư tùy theo điều kiện của mình mà lựa chọn.
Cay đắng với vàng
Chỉ mới cách đây một năm, vàng là nơi trú ẩn sinh lời ổn định nhất của mọi nguồn vốn. Tuy nhiên đến nay kênh này không còn là bất khả xâm phạm. Trong năm 2013 giá vàng đã sụt giảm gần 30%, so với đầu năm 2013 mỗi lượng vàng mất 12 triệu đồng, thổi bay hàng trăm nghìn tỷ đồng giá trị của toàn bộ số vàng dự trữ trong dân. Theo dự báo của các tổ chức và định chế tài chính thế giới, giá vàng năm 2014 sẽ tiếp tục giảm. Trong nước, thị trường sẽ tiếp tục được quản lý chặt chẽ. Vì vậy, “sóng” vàng sẽ ít có khả năng xảy ra. Có lẽ ngay trong năm 2014, chúng ta sẽ chỉ còn giao dịch vàng trang sức như hầu hết các nước trên thế giới, còn lĩnh vực vàng miếng đành phải nhường cho NHNN.
Nhưng như vậy cũng không có nghĩa là đầu tư vào vàng không còn cơ hội sinh lời. Mặc dù cả năm 2013 vàng liên tục xuống giá, nhưng chỉ trong mấy ngày đầu năm 2014, giá vàng đã từ 34 triệu đồng vọt lên 35 triệu đồng một lượng. Như vậy sóng to không có, nhưng sóng nhỏ và ngắn hạn vẫn còn. Mặt khác, theo một giảng viên kinh tế: Vàng chung cuộc vẫn là vàng. Anh ta có dự trữ 10 lượng vàng và dẫu vàng xuống giá, anh ta vẫn còn nguyên 10 lượng vàng. Và anh ta có một kết luận: Nếu không nhằm mục đích sinh lợi ngắn hạn thì không có kênh nào dự trữ tốt hơn vàng. Và nếu như cứ mỗi tháng tiết kiệm được 3-4 triệu thì vẫn nên mua vàng. Nhưng theo quan điểm của tôi, vào thời điểm này, để đầu tư tìm kiếm lợi nhuận, tốt nhất tránh xa vàng.
Những đồng tiền xanh đã bạc
Vào thời tiền đồng mất giá ào ào, ngoại tệ, mà cụ thể là đồng USD cũng được coi là kênh đầu tư hiệu quả, chắc chắn. Nhất là với một nền kinh tế có cán cân thanh toán tổng thể luôn âm, cán cân thương mại luôn nhập siêu, những cơn sốt xanh, những đợt tăng lãi suất huy động ngoại tệ bất thình lình đã đem lại lợi nhuận cũng như uy tín cho những ai đầu tư vào đồng bạc xanh 100 USD. Nhưng thời ấy cũng đã xưa. Giá USD trong hơn 10 tháng qua chỉ tăng 1,14%, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát, nếu cộng thêm lãi suất gửi tiết kiệm bằng USD (1,25%/năm) tính cho 10 tháng được khoảng 1,04%, thì tổng cộng cũng chỉ được 2,08%, thua xa so với lãi suất tiết kiệm tiền đồng dẫu thấp cũng còn hơn 7%/năm.
Với tình thế cán cân thanh toán tổng thể năm 2013 thặng dư gần 2 tỷ USD và dự báo năm 2014 tiếp tục thặng dư, cán cân thương mại xuất siêu, dự trữ ngoại hối của nước ta đang ở mức kỷ lục, dự báo năm 2014 tỷ giá ngoại tệ có tăng cũng khó quá 2%. Đầu tư vào ngoại tệ dẫu có chắc chắn không lỗ nhưng lợi nhuận quá thấp.
Bất động sản đang bất động
Mặc dù 2013 là một năm tồi tệ của bất động sản khi thị trường đóng băng, một loạt các nhà đầu tư đi tù, rất nhiều nhà đầu tư phá sản, trốn nợ lang thang, nhưng một số chuyên gia vẫn cho rằng so với các thị trường đầy rủi ro khác như vàng hay chứng khoán thì bất động sản vẫn là một kênh đầu tư sinh lời khá tốt trong năm 2014.
Ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam (Công ty môi giới và đầu tư bất động sản) đã nói trên báo chí: Nếu có tiền nhàn rỗi, người dân Việt Nam nên đầu tư vào bất động sản bởi tại thời điểm cuối năm 2013 so với cách đây 12 tháng thị trường bất động sản đã rõ ràng hơn rất nhiều với tổng lượng giao dịch những tháng cuối năm 2013 tăng đến 50% so với quý trước. Nếu có 1 triệu USD, tôi chắc chắn sẽ mua nhà ở Việt Nam chứ không dốc tiền vào các kênh đầu tư rủi ro như thị trường vàng hay chứng khoán.
Tuy nhiên, chỉ nên đầu tư vào bất động sản khi chắc chắn tiền đó là của mình và không có nhu cầu kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Có nghĩa là nếu đầu tư vào bất động sản, đừng hy vọng có lời trong năm 2014, nhưng rất có thể vài năm nữa nhà đầu tư sẽ có lời, còn nếu chậm nữa, nhà đầu tư sẽ nhận được lợi nhuận của khoản đầu tư này.
Thị trường chứng khoán đang tăng tốc
Năm 2013, trên thị trường chứng khoán (TTCK), Vn-Index tăng hơn 22%, HNX-Index lên 19% sau 12 tháng trở thành một trong những sự kiện kinh tế nổi bật nhất của năm 2013. Sự gia tăng của các chỉ số chứng khoán trong năm 2013 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có độ phục hồi mạnh nhất thế giới. Sự tăng trưởng đó, chủ yếu dựa trên mặt bằng giá chứng khoán đã quá thấp trước đó, trong khi nền tảng của doanh nghiệp không tồi hơn. Chính sự kỳ vọng về việc các doanh nghiệp ở thời điểm khó khăn nhất là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Dự báo của các chuyên gia cho thấy, năm 2014, các chỉ số Index còn có thể tăng thêm được khoảng 15% nữa.
Tuy nhiên cá nhân tôi không dám khuyên các nhà đầu tư bỏ tiền vào TTCK. Không phải chỉ vì có đến vài chục doanh nghiệp niêm yết đã phải rời khỏi thị trường, cũng không phải có đến gần 100 công ty chứng khoán làm ăn thua lỗ đang bên bờ vực phá sản. Không nên đầu tư vào TTCK bởi TTCK hiện nay thiếu minh bạch. Các “đội lái”, “tổ lái” tung hoành 2 sàn làm giá lộ liễu, nhai sống các nhà đầu tư nhỏ mà không ai làm gì được. Không thể chấp nhận một doanh nghiệp nợ gấp mấy lần vốn, tài sản âm mà chỉ trong một tháng giá cổ phiếu tăng tới 300-400% để rồi nửa tháng sau lại về nghĩa địa cũ. Không và không nên vào khu rừng đầy “thú dữ” này nếu không được trang bị kiến thức và vũ khí tốt hoặc không là bạn của… “thú dữ”.
Gửi tiền tiết kiệm cho ngân hàng?
Dĩ nhiên Thống đốc NHNN cũng là một chuyên gia kinh tế. Thống đốc Nguyễn Văn Bình trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1 đầu năm, cũng khẳng định năm 2014, gửi tiền vào ngân hàng vẫn là một kênh an toàn và hiệu quả nhất. Với lãi suất tiền gửi trung bình khoảng trên 7%/năm, lạm phát được duy trì cho năm 2014 khoảng 7%, có thể nói, gửi tiết kiệm ở ngân hàng người có tiền không lỗ. Không lỗ, không có nghĩa là có lợi nhuận. Vì vậy nếu coi đây là một kênh đầu tư thì không đúng một chút nào. Thêm nữa, nếu người dân đổ xô vào gửi tiền ngân hàng, không có luồng tiền đi vào sản xuất kinh doanh, sẽ không giúp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Đây chỉ là cách bảo toàn đồng tiền trong bối cảnh chưa tìm được kênh đầu tư hiệu quả, hoặc không biết đầu tư để tạo ra lợi nhuận.
Vậy có thể nói kênh đầu tư tốt nhất là đầu tư vào sản xuất kinh doanh (SXKD), thu lợi nhuận cao hơn. Dĩ nhiên đầu tư vào SXKD thì năm 2014 kinh tế còn khó khăn, và cũng không ai chắc là không gặp rủi ro. Có chấp nhận đầu tư rủi ro hay không, đó là sự cân nhắc của mỗi người. Tuy nhiên với sự cẩn trọng, tập trung vào sở trường của mình, không tham mở rộng vội vàng với một đội ngũ quản trị giỏi, những khoản đầu tư vào SXKD vốn rủi ro có thể sẽ là mang lại khoản lợi nhuận rất cao.
Câu cuối cùng của tôi là: mỗi người nên nhìn vào túi tiền của mình, suy nghĩ về mục tiêu đầu tư của mỗi cá nhân để biết mình nên đầu tư vào đâu.
Theo Anninhthudo.vn