Nhằm tăng trọng lượng bò trước khi giết mổ, một số lò mổ lân cận TP.HCM bơm nước vào bụng bò hết sức dã man. Để chứng minh, ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cung cấp cho Pháp Luật TP.HCM một đoạn clip ghi hình hàng chục con bò đang bị ép uống nước đến nỗi lăn quay. Băng do một cộng tác viên của chi cục quay được cách đây không lâu.
“Đạp cho nó xịt nước đi!”
Đoạn clip được quay tại lò giết mổ gia súc Tuấn Cúc (Tiền Giang) vào buổi trưa. Lò giết mổ này khá rộng, kín cổng cao tường, chung quanh có nhiều cây cối um tùm. Hàng chục con bò bị nhốt trong chuồng. Nhiều con bị xỏ mõm bằng khoen sắt tròn rồi cột chặt vô trụ xi măng bằng dây thừng. Mặc dù đau đớn nhưng bò không thể kêu la, chỉ cố vùng vẫy.
Một người đàn ông ở trần, mặc quần đùi thọc ống nhựa dài hơn 1 m vô miệng bò, sau đó chọt sâu vô cổ họng. Tiếp theo, ông nối ống nhựa này với một ống nhựa khác được nối với nguồn nước rồi bắt đầu bơm vô bụng bò. Bị thọc quá sâu, con bò đau đớn quỵ cả hai chân trước xuống nền đất nhưng người đàn ông vẫn thản nhiên bơm.
Người đàn ông bắt đầu thọc ống bơm nước sâu vào bụng bò để bơm.
Bụng chứa đầy nước căng tròn đến nỗi bò không thể đứng dậy được.
Trong clip vang lên giọng một thanh niên: “Có một lò (lò giết mổ - PV) ở tỉnh Bến Tre làm hai vách tường, đút bò vô cho nhổng lỗ mũi để bơm nước cho dễ, bò khỏi vẫy. Lò của thằng Vũ đó”.
Đoạn clip còn ghi hình ảnh một con bò khác màu trắng bụng căng tròn, nằm thở phì phò dưới đất vì bị bơm quá nhiều nước. Một ông khác cũng ở trần, mặc quần đùi kéo gập đầu bò xuống đất, thọc ống nhựa vô sâu cổ họng rồi thụt ra thụt vào cho nước trào ra. Thụt ra thụt vào lần hai, quậy ống nhựa nước mới ọc ra.
Giọng một thanh niên rõ mồn một trong clip: “Ông Tám mướn anh Phụng đạp cho nó xịt nước đi”. Ngay sau đó, giọng một ông đứng tuổi cất lên: “Con bò nào yếu thì bơm nước ít thôi, bơm chi quá trời quá đất vậy”. Sau vài lần thọc bụng bò cho nước trào ra, một ông giật mạnh dây thừng để con bò đứng dậy.
Ọc cả máu
Ở một lò giết mổ khác, đoạn clip ghi được hình ảnh hàng chục con bò bị nhốt trong chuồng đầy phân đang chờ bơm nước. Lò giết mổ này cách xa khu dân cư, chung quanh nhiều cây cối.
Cũng với cách thức thọc ống nhựa vô bụng bò rồi nối ống nước, một thanh niên bơm nước vô bụng bò đúng một phút. Khi bò ọc nước vì bị bơm quá nhiều, người này rút ống ra. Thế nhưng chỉ vài giây sau, người này lại tiếp tục nối ống nước rồi bơm vô bụng bò. Lần bơm này kéo dài gần hai phút khiến bụng bò căng tròn. Do chịu không nổi nên bò vùng vẫy mạnh. Người thanh niên vừa rút ống, nước trong bụng bò có màu đỏ au trào ra ào ạt. Một phụ nữ cất giọng: “Bơm sao cho nước đừng trào ra thì bơm, bơm phải có kinh nghiệm chứ!”.
Bơm nước xong con bò trên, người thanh niên nhanh tay bơm những con còn lại.
Người đàn ông dùng ống nhựa thụt ra thụt vào để nước trong bụng bò
trào ra bớt, bò mới đứng lên được.
Bị bơm quá nhiều nước, bò ọc ra nước kèm cả máu tươi.
(Ảnh: Thú y TP.HCM cung cấp)
Phát hiện chỗ này, di chuyển nơi khác
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết tình trạng bơm nước vào bò trước khi giết mổ xảy ra ở các tỉnh lân cận nên thuộc trách nhiệm của chi cục thú y các địa phương này. Chi cục Thú y TP.HCM đã cung cấp clip này, đề nghị các tỉnh lân cận làm rõ tình trạng này để tránh thực trạng thịt bò không đảm bảo chất lượng đưa vào tiêu thụ trên thị trường TP.HCM.
“Mặc dù các tỉnh có siết chặt quản lý nhưng thực trạng bơm nước bò vẫn tồn tại. Theo các địa phương, khi bị phát hiện ở điểm này thì chủ lò sẽ chuyển hoạt động qua điểm khác” - ông Thảo cho biết.
Cũng theo ông Thảo, mặc dù biết thịt bò bị bơm nước nhưng việc áp dụng biện pháp giữ hàng để theo dõi cho đến khi hết rỉ dịch mới cho phép kinh doanh chưa phải là biện pháp căn cơ và dễ phát sinh tranh chấp. “Hiện vẫn chưa có quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thịt để làm cơ sở đối chiếu, kết luận thịt bò bị bơm nước để áp dụng biện pháp xử lý theo quy định” - ông Thảo cho biết.
Chi cục Thú y TP.HCM đã đề xuất lãnh đạo Sở NN&PTNT TP.HCM kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đối với thịt gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm dùng làm thực phẩm. Trước mắt, đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Thú y có văn bản hướng dẫn các dấu hiệu nhận biết để xác định thịt gia súc bị bơm nước qua đường tiêu hóa trước khi giết mổ để làm cơ sở chuyên môn giúp kiểm tra, xử lý được thuận lợi. Một con bò bình quân được bơm 20-30 lít nước sẽ tăng trọng lượng đáng kể. Đây là hình thức gian lận thương mại. Không chỉ bơm một lần, bò bị bơm nhiều lần để nước thấm dần vào cơ thịt. Do vậy chất lượng thịt bị giảm đáng kể, dễ nhiễm vi khuẩn. Thịt bò bơm nước thường bị rỉ dịch ở vùng mô liên kết, chỉ có người trong ngành mới phát hiện được điều này. Ông PHAN XUÂN THẢO, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM |
Theo Plo.vn