Trong khi giá xăng giảm mạnh thì giá rau, củ và một số loại thực phẩm như thịt lợn lại tăng do thời tiết. Tại chợ Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, giá một kg cà chua đã tăng lên 16.000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg, dù đang là thời điểm chính vụ. Súp lơ xanh loại bé tăng từ 8.000 đồng/cái lên 9.000 đồng/cái, loại to tăng từ 15.000 đồng/cái lên 17.000 đồng/cái.
Tương tự, súp lơ trắng cũng tăng từ 1.000 đồng/cái – 2.000 đồng/cái lên mức 8.000 đồng – 13.000 đồng mỗi cái tùy loại to nhỏ. Đậu cove tăng từ 20.000 đồng/kg lên 22.000 đồng/kg. Rau lang tăng từ 6.000 đồng/mớ lên 7.000 đồng/mớ.
Các tiểu thương tại chợ này cho hay, giá rau đắt lên trong những ngày gần đây chủ yếu do thời tiết rét, các loại rau phát triển chậm dẫn đến năng suất giảm, đẩy giá lên.
Giá thực phẩm tại một số siêu thị tương đối ổn định
dù giá ngoài chợ tăng. Ảnh: Bảo Anh
Giá thịt lợn cũng tăng khoảng 5.000 đồng/kg - 10.000đồng/kg chỉ trong một – hai tuần trở lại đây. Tại chợ Nguyễn Phúc Lai, Đống Đa, Hà Nội, giá thịt lợn ba chỉ và thịt lợn nạc đã tăng từ 90.000 đồng/kg lên 95.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, trong khi giá tại chợ cóc, chợ dân sinh tăng thì trong các siêu thị, giá các loại rau, củ trên lại tương đối ổn định, thậm chí giá một số loại rau an toàn cũng không đắt hơn rau thường ngoài chợ.
Thông tin từ Cục quản lý Giá, Bộ Tài chính cũng cho thấy, trong nửa tháng qua, giá một số loại rau , củ, quả tại miền Bắc đã tăng. Cụ thể, bắp cải tăng lên thành 10.000 đồng/kg -13.000 đồng/kg; khoai tây 15.000 đồng/kg - 18.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg -18.000 đồng/kg.
Giá thịt lợn hơi thu mua tại các tỉnh miền Bắc phổ biến khoảng 47.000 đồng/kg -50.000 đồng/kg, tăng 1.000 đồng/kg-2.000 đồng/kg dẫn đến giá bán lẻ thịt lợn tại chợ tăng khoảng 5.000 đồng/kg – 10.000 đồng/kg tùy từng chợ.
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau quả...đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết; chủ động có biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng, bảo vệ phát triển sản xuất một cách hiệu quả, kịp thời để không làm ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm.
Bộ Tài chính kiểm soát giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu, thuộc danh mục bình ổn giá. Bộ Công thương theo dõi sát diễn biến thị trường cung cầu hàng hóa để điều tiết kịp thời, nhất là các vùng sâu, vùng xa; tăng cường chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng …
Theo Khampha.vn