Tại cuộc họp về dự án cảng hàng không Quảng Ninh ngày 16/3, Tập đoàn Sun Group đã báocáo với lãnh đạo Quảng Ninh về việc hoàn tất chuẩn bị để khởi công dự án ngay trong tháng 3.
Theo Phó chủ tịch Nguyễn Văn Thành, về cơ bản tập đoàn đã được địa phương lựa chọn đầu tư xây dựng dự án. Trước đó, cùng với Sun Group, dự án này cũng được các Tập đoàn Joinus Việt Nam, Posco E&C và Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc (KAC) theo đuổi.
Nửa tháng trước, Quảng Ninh đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng Hàng không Quảng Ninh. Theo đó, một sân bay cấp 4E với quy mô một đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay tối thiểu cho 4 chiếc Boeing 777 lẫn Airbus 321, nhà ga hành khách công suất 2 triệu khách và 10.000 tấn hàng hóa mỗi năm.
Phối cảnh Sân bay Quảng Ninh
Công trình sẽ được xây dựng tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn trên diện tích khoảng 290ha. Trong tổng mức đầu tư dự án gần 7.500 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay) thì chi phí xây dựng và thiết bị vào khoảng 5.250 tỷ. 1.500 tỷ để dự phòng và chi phí giải phóng mặt bằng hơn 730 tỷ đồng.
Nếu theo đúng nội dung quy hoạch được đưa ra từ năm 2012 thì Cảng hàng không Quảng Ninh (sân bay Quảng Ninh) sẽ có công suất 2-5 triệu khách/năm với các hạng mục công trình như: đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn, hệ thống sân đỗ máy bay, đài kiểm soát không lưu, hệ thống dẫn đường, khu nhà ga hành khách và nhà ga hàng hóa, nhà điều hành, nhà làm việc Cảng vụ hàng không và các cơ quan nhà nước khác.
Cảng hàng không Quảng Ninh là Cảng hàng không nội địa đón được các chuyến bay quốc tế, sử dụng chung dân dụng và quân sự, thuộc cấp 4E (theo mã chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO). Quy hoạch sân bay này đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt ngày 16-3 trong Quyết định số 576/QĐ-BGTVT.
Ngoài nguồn giải phóng mặt bằng được ngân sách hỗ trợ, số còn lại được huy động bằng vốn vay hoặc tự có của nhà đầu tư theo hình thức BOT. Công trình dự kiến sẽ hoàn tất sau 2 năm khởi công và thời gian hoàn vốn cho doanh nghiệp kéo dài trong 45 năm.
Tập đoàn mạnh tay đầu tư vào dự án sân bay Vân Đồn - Sungroup - là chủ nhân của nhiều dự án khủng có mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng tại Việt Nam.
Tập đoàn Sun Group là sản nghiệp của đại gia Lê Viết Lam.
Nói đến Sun Group, dù là một tập đoàn khá non trẻ nhưng đã được biết đến ở Việt Nam. DN này thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, BĐS và du lịch nghỉ dưỡng.
Sinh sau đẻ muộn nhưng Sungroup đã có vị thế rất đáng nể với các dự án Cáp treo Bà Nà; Novotel Da Nang Priemier - khách sạn cao nhất miền Trung với 37 tầng; khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort bán đảo Sơn Trà; Làng Pháp tại Bà Nà Hills; The Sun Villas... Với 20 đơn vị thành viên, hơn 1.500 cán bộ nhân viên, Sun Group hiện diện ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, trong đó đang hoạt động mạnh nhất là ở Đà Nẵng với thương hiệu nổi tiếng Bà Nà Hills. Với hệ thống cáp treo lên đỉnh Fansipan - có độ cao 3.143 mét, Sun Group đã tự tạo nên bước đột phá mới cho chính mình.
Xuất phát từ Đông Âu, ngay sau khi về Việt Nam, Sun Group đã nổi như cồn với hàng loạt các dự án khủng. Tất cả các dự án mà tập đoàn đều cho thấy ông chủ của nó đều muốn ghi dấu ấn nhất Việt Nam, thậm chí khu vực. Tuy nhiên, ông chủ, doanh nhân trẻ tuổi Lê Viết Lam, người đứng sau tập đoàn này lại rất hiếm khi được nhắc tới như một phong cách thường thấy ở nhóm các doanh nhân khởi nghiệp từ Đông Âu rồi mang tiền về Việt Nam đầu tư.
Ông Lê Viết Lam (1969) đã có một thời gian dài hoạt động nổi bật ở thị trường Đông Âu, tại Ukraine cùng với ông Phạm Nhật Vượng - người Việt đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú đôla của Forbes. Sau chương trình đạo tạo của Nhà nước tại Nga hồi đầu những năm 90, ông Lê Viết Lam đã cùng một số người bạn thành lập một nhà máy chế biến mì ăn liền thương hiệu Mivina. Hai doanh nhân Lam - Vượng đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường Ukraine.
Bên cạnh đó, ông Lam còn từng được nhắc đến với các chức vụ như Chủ tịch hội doanh nhân Việt Nam tại Ukraine. Đặc biệt, ông là lãnh đạo Future Generation - một trong những tập đoàn lớn nhất của người Việt Nam ở nước ngoài.
Cũng như các doanh nhân "gốc Đông Âu" khác như Phạm Nhật Vượng, Đặng Khắc Vỹ, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn, ông Lê Viết Lam đã quyết định trở về đầu tư tại Việt Nam sau khi đã rất thành công ở xứ người.
Thay vì chọn Hà Nội, TP.HCM như các đồng nghiệp khác, đại gia xứ Thanh này đã chọn Đà Nẵng để chính thức mở rộng các hoạt động đầu tư tại quê nhà. Quyết định bỏ hàng nghìn tỷ đồng khởi công xây dựng hệ thống cáp treo với hàng loạt các kỷ lục tầm vóc thế giới lên Nóc nhà Đông Dương - Fansipan cùng hàng loạt các dự án BĐS cho thấy sự chuyển hướng về quê mạnh mẽ của đại gia này.
Nhưng cáp treo không phải là lĩnh vực duy nhất của đại gia Lê Viết Lam. Trước khi đổ 4.400 tỉ vào dự án Cáp treo Mường Hoa - Fansipan, Lê Viết Lam là ông chủ của hàng loạt dự án bất động sản lớn như The French Village tọa lạc trên diện tích 6 ha tại Bà Nà Hill với tổng vốn đầu tư khoảng 70 triệu USD; The Sun Villas bao gồm 118 biệt thự có thiết kế hiện đại, sang trọng với tổng nguồn vốn 65 triệu USD;
InterContinental Danang Resort - khu nghỉ dưỡng 197 phòng tại bãi Bắc bán đảo Sơn Trà; Novotel Danang Premier Han River, tòa nhà cao nhất miền Trung...
Theo Doisongphapluat.com