Mọi người đến vãng cảnh chùa thì ít mà đến để chiêm ngưỡng “tiên giáng thế” thì nhiều, thậm chí có người còn nằng nặc mời “tiên” xem bói, và tìm cách thỉnh "tiên" về gia đình để ban phước lành cho cả dòng họ…
Đến chùa gặp “tiên nữ” cầu may
Từ nhiều năm nay, cứ vào các ngày 1, 9, 15, 19, 29 (âm lịch), hàng trăm người từ các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Bình Thuận, Cần Thơ, Sóc Trăng, TP HCM… thường tổ chức đến chùa Huệ Phước để vãng cảnh chùa và cũng là để chiêm ngưỡng “tiên nữ giáng trần” đã 76 tuổi. Theo lời đồn, chỉ cần được chạm vào mái tóc dài của “bà tiên” thì sẽ gặp điều may mắn trong cuộc sống, cầu gì được nấy, thậm chí nếu chẳng may mắc phải bệnh nan y chỉ cần dùng tóc của “bà tiên” phẩy nhẹ lên người là có thể chữa được đủ thứ bệnh, thậm chí trị được bệnh tiểu đường, ung thư giai đoạn cuối(?!). Chưa rõ thực hư câu chuyện đến đâu nhưng rõ ràng sự tồn tại của cụ bà sở hữu mái tóc dài trong chùa Huệ Phước là… có thật. Bà Nguyễn Thị Định, được biết tới là người đã ngừng hoàn toàn việc cắt tóc, gội đầu từ năm 19 tuổi và bắt đầu sinh sống tại chùa Huệ Phước từ năm 1987, bà cũng chính là "thỏi nam châm" hút mọi người tới chùa Huệ Phước ngày càng đông.
Thời gian gần đây, số khách tham quan tăng đột biến, chủ yếu do những lời đồn thổi về người phụ nữ này. Theo Đại đức Thích Trí Đức, trụ trì chùa Huệ Phước, khách đến thăm chùa nhiều nhất vào tháng 1, 2 (âm lịch) hàng năm, lúc cao điểm lên đến 400 - 600 khách/ngày. Vào dịp cuối tuần các tháng còn lại trong năm, con số này cũng khoảng trên dưới 250 người. Có nhiều lời đồn thổi về bà, chủ yếu từ những người nơi xa đến. Người ta tin rằng bà lão có phép lạ, là "thần tiên giáng thế" bởi bà có mái tóc bạc trắng nhưng vẫn giữ vẻ thơm tho của tóc và trắng trẻo của da dù đã gần 60 năm chưa gội lần nào. Nhiều người đồn, tóc sẽ chảy máu nếu đứt hoặc mái tóc là hình ảnh hóa thân của mây; thậm chí, nhiều người tin "cô Tư" có phép lạ, có thể biến nước thường thành nước thánh trị được bách bệnh, hoặc những người ốm yếu, bệnh tật sẽ khỏe mạnh nếu chạm tay vào mái tóc…
Anh Nguyễn Văn T., người xã Bình Thành, tỉnh Bến Tre một mực khẳng định, mình đã chữa khỏi bệnh dạ dày nhờ xin được nước thánh của "tiên cô". Số là, trong một lần tới vãng cảnh chùa, anh T. vô tình nhìn thấy cụ bà hiền lành phúc hậu ngồi ở hành lang phía cuối dãy nhà gần cổng chùa có mái tóc dài được cho vào túi vải nâu quấn quanh người, thấy lạ anh T. lân la tới hỏi chuyện thì được biết bà Tư Định đã nhiều năm không cắt tóc gội đầu. Trong câu chuyện giữa 2 người, anh T. kể với bà Tư về căn bệnh mình đang mắc phải, dù đã từng sử dụng không biết bao phương pháp điều trị, Đông y có, Tây y có, nhưng đều không thành công. Nghe xong câu chuyện, bà Tư liền rót cho anh T. một cốc nước lọc để anh giải khát, sau đó bà nói: "Anh không nên quá lo lắng về bệnh tật của mình, sau 49 ngày nữa bệnh của anh sẽ khỏi hẳn…", không tin lời bà lão nhưng anh T. cũng cố gắng đợi hết 49 ngày để đến bệnh viện khám lại, kết quả thật bất ngờ anh đã khỏi hoàn toàn căn bệnh viêm loét dạ dày của mình(!?). Khi được mọi người hỏi, “bà tiên” Tư Định đã cho anh dùng thuốc gì thì anh nói là bà không cho thuốc mà chỉ cho uống một cốc nước lọc bình thường… Từ câu chuyện của anh T., nhiều người khẳng định rằng bà Tư Định có khả năng phép thuật nên mới có thể biến nước thường thành nước thánh để trị bệnh. Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, đã có nhiều người tìm mọi cách để được diện kiến "bà tiên giáng trần" có nước thánh trị bách bệnh…
Những câu chuyện li kỳ liên quan đến bà Tư Định chưa dừng lại tại đó, chị Ngân, người thường hay tới chùa Huệ Phước khẳng định đã từng nhìn thấy máu chảy ra từ mái tóc dài của bà Tư Định khi vô tình một vài sợi tóc bị đứt. Cũng theo chị Ngân thì lý do bà Định thường cho tóc vào túi là để bảo vệ tóc khỏi bị đứt gãy… "Máu chảy ra khá nhiều trên mái tóc trắng của bà Định, ban đầu tôi nghĩ có lẽ là phẩm màu vương trên tóc của bà, nhưng không phải đó chính là máu… người”. Mỗi lần bị chảy máu như vậy, bà Định đều rất mệt mỏi, không muốn tiếp khách và không cho phép bất kỳ ai được chạm vào mái tóc dài của mình. Nhiều người lên chùa Huệ Phước đều vì mục đích được một lần chiêm ngưỡng mái tóc dài, đẹp, và kỳ lạ của "bà tiên" Tư Định. Có lẽ hình ảnh bà tiên được gắn với bà Tư chính bởi mái tóc dài bạc trắng, mỗi khi bà để lộ bộ tóc ra khỏi túi vải trông như một áng mây trắng, hương thơm ngào ngạt tỏa ra khiến cho những người xung quanh tưởng như đang bước chân tới thiên đường. Cũng bởi những lời đồn thổi như vậy nên bà Tư Định được nhiều người xem như Phật sống trong chùa, vào những dịp ngày rằm, mồng một, hay những ngày lễ Phật có rất đông người tới đây để xin "bà tiên giáng thế" Tư Định ban phép thuật mang lại bình yên cho gia quyến.
Không phải là… tiên
Có rất nhiều lời đồn thổi nhưng ông Phan Thành Nhân, Trưởng CA xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre thì không nghĩ như vậy: "Bà Nguyễn Thị Định, người mà dân địa phương thường gọi là "cô Tư tóc dài" là một phụ nữ hoàn toàn bình thường, không có khả năng gì đặc biệt ngoài việc bà không cắt tóc, gội đầu gần 60 năm nay". Cũng theo ông Nhân thì bà Nguyễn Thị Định năm nay đã 76 tuổi, bà hiện đang sở hữu mái tóc dài hơn 5m được cho là kỷ lục dài nhất Việt Nam. Bản thân bà cũng tự khẳng định rằng từ năm 19 tuổi đến nay mình không hề cắt tóc hay gội đầu. Ông Nhân chia sẻ: "Người ta đồn thổi rất nhiều "huyền thoại" liên quan tới bà Tư Định, chủ yếu đều từ những người nơi xa đến. Nhiều người tin rằng, bà lão có phép lạ xuất phát từ mái tóc bạc trắng, luôn giữ vẻ thơm tho. Bà Định vốn là người ít nói, có gương mặt phúc hậu. Bà chỉ có yêu cầu là không chụp ảnh, quay phim và đừng chạm vào mái tóc mình. Việc hàng trăm người đến thăm, quan sát, cố tình chạm vào mái tóc khiến bà Định cảm thấy mệt mỏi, nên nhiều người lại cho rằng “cô Tư“ thấy họ chưa thành tâm nên không ban phát tài lộc…".
Mái tóc dài hơn 5m bọc trong túi vải của bà Tư Định. Ảnh: TL
Trước những thông tin này, ông Nhân cho biết, hiện xã đã phối hợp với ấp và nhà chùa nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan, hành vi phát tán tài liệu, kinh kệ không rõ nguồn gốc mà nhiều người lợi dụng "cô Tư" để tiến hành. Thầy trụ trì chùa cho biết, những lời đồn thổi đó ảnh hưởng xấu đến chùa và "cô Tư". Bên cạnh đó, trật tự tại chùa cũng trở nên phức tạp. Nhiều người lợi dụng "cô Tư" để phát tán tài liệu, từ kinh kệ cho đến các giấy tờ liên quan đến tôn giáo không rõ nguồn gốc; các hoạt động "đồng bóng", mua thần bán thánh cũng xảy ra. Họ còn lợi dụng "cô Tư" để bán vé vào xem cho những người tò mò, chủ yếu đến từ TP HCM và các tỉnh thành Đông, Tây Nam bộ. Theo hòa thượng Thích Huệ Tấn, Phó ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bến Tre: Trước đây "cô Tư tóc dài" là một tín đồ đạo Tứ ân hiếu nghĩa, hiện cô không phải tín đồ Phật giáo. Nhà chùa không can thiệp vào việc người dân hiếu kỳ, khấn vái "cô Tư" và cũng không liên quan gì đến số tiền mà người dân cho cô. Nhà chùa không chấp nhận và không đồng ý bất kỳ hoạt động truyền bá kinh kệ hay giảng đạo nào của "cô Tư".
Mặc dù, các cấp chính quyền địa phương, trụ trì chùa Huệ Phước đã khẳng định những hoạt động mê tín dị đoan liên quan đến "cô tiên" Tư Định đã thuyên giảm, nhưng chưa chấm dứt hoàn toàn. Câu chuyện "cô Tư" vẫn là chủ đề nóng đối với người dân Bến Tre nói riêng và người dân Nam Bộ nói chung. Thậm chí, nhiều người ngông cuồng còn đề nghị lập một đạo tôn giáo riêng theo những lời rao giảng của “cô Tư”. Có lẽ để ngăn chặn kịp thời những điều mê tín dị đoan, cấp chính quyền tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre cần phải kiên quyết và mạnh tay hơn nữa để giải quyết dứt điểm hiện tượng này tránh để mọi chuyện đi quá xa.
Pháp luật xã hội