Quá khứ đau thương
Đã 6 năm trôi qua kể từ ngày Trần Thị Bẩy (SN 1958, ở Bảo Thắng, Lào Cai) cùng con trai thực hiện kế hoạch hạ độc chồng, nhưng mỗi khi nhắc lại chuyện cũ là một lần Bẩy lại chứa chan nước mắt.
Trong chiếc áo kẻ sọc của phạm nhân, Bẩy tỏ niềm ân hận vô bờ khi giờ đây, con trai của chị ta đã phải nhận 4 năm tù giam, còn bản thân chị phải lĩnh mức án tù 20 năm vì tội Giết người.
Giọt ngắn, giọt dài thi nhau tuôn trên gương mặt rám nắng, chị Bẩy bắt đầu câu chuyện về cuộc đời đong đầy nước mắt của mình.
Ngày còn con gái, vốn là người có học thức, Bẩy kén chọn không ưng đám nào, cho đến một ngày chị bị tiếng ét ái tình làm cho gục ngã.
Người đàn ông tên Lê Hữu Bỉnh (SN 1968, ở Việt Trì, Phú Thọ) yêu chị Bẩy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và chỉ một tuần sau đó, vào năm 1984, đôi uyên ương làm đám cưới trong sự ngỡ ngàng của tất cả mọi người.
Tình yêu vội vã đến, nhưng rồi nó cũng vội vã ra đi chỉ sau đám cưới không lâu. Khi Bẩy có bầu 3 tháng thì người chồng bỗng bỏ nhà đi biệt tăm tích.
Ngậm đắng nuốt cay, chị đành gạt nước mắt sinh con và nuôi con một mình mà chẳng dám than với ai, bởi trước ngày chị cưới, gia đình đã khuyên chị nên dành thời gian tìm hiểu nhưng chị đã chỉ nghe theo tiếng gọi trái tim mà bỏ ngoài tai những lời khuyên của cả cha lẫn mẹ.
Đến năm con trai 4 tuổi thì người chồng bỏ đi biền biệt bỗng quay về xin chị Bẩy tha thứ. Nhìn đứa con nhỏ luôn khao khát hơi ấm người cha, lại bị những lời đường mật, ngon ngọt của chồng làm bùi tai, chị Bẩy đã mềm lòng mà thứ tha tất cả.
Thế nhưng chỉ sau một thời gian mật ngọt ngắn ngủi trôi qua, mẹ con chị Bẩy bắt đầu phải nếm đòn roi của người chồng vũ phu. Có hôm đang bán hàng ngoài chợ, nhận được tin báo, chị hớt hải chạy về khi hay tin chồng chị đang hành hạ đứa con trai nhỏ thừa sống thiếu chết.
Những trận đòi roi dành cho hai mẹ con chỉ thưa dần khi chị Bẩy phát hiện chồng mình đi lại với người đàn bà khác và chị ta đã có một con trai với Bỉnh.
Lặn lội đường xa, chị dắt theo con nhỏ đến tận nhà người đàn bà kia để hỏi cho ra nhẽ thì mới hay rằng người phụ nữ kia cũng chỉ là một nạn nhân tình ái của chồng Bẩy. Còn Bỉnh, anh ta không thừa nhận đứa trẻ là con mình.
Còn chưa biết phải làm gì với gã chồng bội bạc, chị Bẩy lại biết tin mình có bầu đứa con thứ hai. Lần này, khi đang mang thai con đến tháng thứ ba thì chồng chị lại bỏ nhà đi mất dạng, không để lại một lời nhắn.
Một lần nữa chị Bẩy phải gạt nước mắt, nuôi con một mình. Ba mẹ con dắt díu nuôi nhau qua ngày đoạn tháng cho đến năm 1993, chồng Bẩy lại quay về với hai bàn tay trắng.
Cũng như lần trước, anh ta lại ngọt nhạt xin vợ tha thứ, hứa hẹn đủ điều. Nhớ như in lời đứa con lớn từng tâm sự: “Mẹ ơi con ước gì mình có một người cha”, một lần nữa chị Bẩy lại mềm lòng đón nhận người chồng bội bạc.
Ngày ấy, chị Bẩy sống bằng nghề đi buôn dê. Chị phải tìm đến những bản dân tộc ít người, mua dê về mang bán cho các nhà hàng ở dưới xuôi để kiếm sống. Công việc vất vả, phải lặn lội đường xá xa xôi nhưng nó giúp chị kiếm được tiền để mấy mẹ con chi tiêu.
Khi chồng trở về, Bỉnh ngỏ lời muốn được làm trụ cột gia đình, nhận việc đi buôn dê để người vợ vừa mang bầu đứa con thứ ba được thảnh thơi ở nhà chăm sóc các con. Nghĩ chồng mình đã hồi tâm chuyển tính, chị Bẩy mừng lắm, com cóp bao nhiêu tiền đưa hết cho chồng làm vốn đi buôn dê.
Thế nhưng sau lần cầm hết số vốn liếng của vợ, Bỉnh lại một lần nữa bặt vô âm tín. Đau khổ, cùng cực vì chồng bỏ đi, chị Bẩy cũng không còn tiền mà làm vốn nuôi con, lại đang bụng mang dạ chửa, chị đắng cay đi vay mượn được ít tiền để chạy chợ nuôi các con.
Một thời gian sau đó, chị nghe người ta mách chồng mình đang chung sống với một người phụ nữ dân tộc. Số vốn liếng mà chị đưa chồng đã bị anh ta mang dâng tặng cho người phụ nữ kia để xây lên một cơ ngơi khang trang làm tổ ấm cho họ.
Cay đắng ngậm ngùi, chị Bẩy lại thêm một lần tìm đến tổ ấm của chồng để hỏi cho ra nhẽ. Nhưng lần này chị đã phải nhận bao ê chề, cay đắng khi chồng chị đánh chửi và đuổi chị ra khỏi nhà ngay trước mặt người phụ nữ kia.
Qua hai hàng nước mắt, chị Bẩy kể lại: “Ngày đó chắc anh ta bị bỏ bùa mê thuốc lú nên mới theo cô ta, một người phụ nữ dân tộc cũng đã có chồng. Chồng cô ta say khướt suốt ngày, sống vạ vật ở gian ngoài, còn chồng tôi và người phụ nữ kia ngang nhiên chung sống với nhau ở buồng trong”.
Thất thểu đi về nhà hôm đó, đau đớn về thể xác, cộng với nỗi đau về tinh thần khiến chị Bẩy quyết tâm quên hẳn người chồng bội bạc. Với chị, mục đích sống chỉ là kiếm tiền nuôi các con ăn học nên người, còn đời chị coi như đã bỏ đi.
Cũng may, ba con trai chị Bẩy lớn lên đều ngoan ngoãn, biết thương mẹ. Mấy mẹ con chắt chiu làm lụng nên sau một thời gian quên bẵng đi người chồng bội bạc, cuộc sống của mấy mẹ con chị Bẩy đã khá dần lên.
Ngày đó, chị kiếm được công việc môi giới cho người dân thôn quê đi xuất khẩu lao động nên thu nhập cũng khá. Nhìn căn nhà ọp ẹp của mấy mẹ con, chị Bẩy quyết tâm góp nhặt hết số tiền mà chị tiết kiệm được trong nhiều năm, dùng sổ đỏ thế chấp ngân hàng để vay mượn thêm chút đỉnh lấy tiền xây lại ngôi nhà khang trang.
Án mạng vì giọt nước tràn ly
Khi chị Bẩy vừa cho thợ đập đi căn nhà cũ để chuẩn bị đào móng xây nhà mới thì người chồng bội bạc của chị lại quay về quấy đảo cuộc sống bình yên của mấy mẹ con.
Quay về nhà, ông Bỉnh luôn kiếm cớ đánh chửi vợ con. Biết vợ gom góp được tiền chuẩn bị xây nhà, ông Bỉnh kiếm cớ đòi ly hôn để được phân chia tài sản.
Ngày 23/1/ 2006, ông Bỉnh có đơn ly hôn gửi TAND huyện Bảo Thắng, trong đơn ông ta đòi được phân chia tài sản. Ngày 28/6/2006, TAND huyện Bảo Thắng mở phiên tòa xét xử vụ tranh chấp hợp đồng dân sự giữa ông Bỉnh và bà Bẩy, bên liên quan là Ngân hàng NN& PTNT huyện Bảo Thắng. Kết quả, Tòa buộc chị Bẩy phải thanh toán cho Ngân hàng số tiền gốc và lãi là hơn một trăm triệu đồng.
Chị Bẩy khi đó rơi vào cơn quẫn bách khi tiền trả ngân hàng không có, mấy mẹ con có nguy cơ phải ra đường sống khi mà nhà cũ đã đập đi, chỉ dựng tạm cái lều, nhà mới còn chưa kịp xây cho các con, lại bị chồng đòi chia tài sản.
Những mong có thể bảo vệ được tài sản cho bản thân và cho các con, chị Bẩy đã nẩy sinh ý định đầu độc chồng. Đầu tháng 7/2006, chị ta hòa thuốc ngủ và thuốc chống say rồi nhờ Lê Viết Ba, 24 tuổi, quê ở Yên Bái, thợ xây làm nhà cho mình, đổ vào nước ăn của chồng, nhưng thanh niên này không đồng ý.
Hơn một tuần sau, chị ta mua hai chai bia gọi Ba và một thợ xây khác đưa cho ông Bỉnh uống. Trước khi đưa số bia này, Bẩy dùng xi lanh bơm thuốc chuột và thuốc chống say vào. Lúc đang hành động, Bẩy bị họ phát hiện nên không giúp.
Không cam chịu thất bại, Bẩy tiếp tục nhờ một thợ xây khác đầu độc ông Bỉnh. Lần tham gia này có cả con trai lớn của Bẩy. Ông Bỉnh đã tử vong vì trúng độc của mẹ con Bẩy.
Giờ đây, sau song sắt trại giam, Bẩy chỉ biết khóc thương cho số phận hẩm hiu của mình và ân hận vô vàn khi để đứa con của mình cũng phải chịu cảnh tù đầy như mẹ nó.
Vietnamnet