Bao trùm lên họ là một màu tối đen đặc quánh như mực dù đó là đúng ngọ hay đêm khuya
Kỳ lạ những căn phòng trong lòng đất
Dọc hai bên đường Nguyễn Công Trứ, TP Đà Lạt có rất nhiều những "lỗ" nhỏ hình chữ nhật đen ngòm, nhiều "lỗ" chỉ vừa một người vào. Nếu không tận mắt chứng kiến những sinh viên đứng chờ nhau lên xuống, chúng tôi không thể tin được phía dưới những hố nhỏ sâu hóm, đen ngòm chìm trong lòng đất đó là cuộc sống lặng lẽ của rất nhiều sinh viên.
Mô tả ảnh.
Một "lỗ" nhỏ - cửa xuống dãy nhà trọ dưới lòng đất
trên đường Nguyễn Công Trứ, TP Đà Lạt.
Bước xuống những căn phòng dưới lòng đất này, một điều dễ nhận thấy là sự lãnh lẽo, tối om và mùi ẩm mốc đặc quánh do không bao giờ có ánh nắng mặt trời chiếu vào. Mỗi phòng rộng chỉ khoảng 6 - 8m2, cao chừng 3m. Do hành lang đi lại bên trong nhỏ hẹp chỉ vừa một người đi nên mỗi khi gặp nhau mọi người phải nghiêng mình mới lách qua được.
Với địa hình đồi núi, mặt đường thường cao hơn thân đất từ 5 - 7 mét nên những gia đình trên nhiều tuyến đường tại Đà Lạt như Nguyễn Công Trứ, Bùi Thị Xuân, Phù Đổng Thiên Vương, Nguyễn Văn Trỗi… đã xây chìm dưới lòng đất ít nhất một tầng để cho sinh viên và người lao động nghèo thuê trọ. Phần nổi trên mặt đất gia chủ sử dụng làm nơi ở và cho thuê mặt bằng kinh doanh.
Mô tả ảnh.
Phía dưới cầu thang xoắn ốc dẫn xuống lòng đất này
là cuộc sống lùi lũi trong bóng tối
của hàng chục sinh viên.
Theo bạn Phạm Thu Huyền, sinh viên trường ĐH Đà Lạt, lý do Huyền và các bạn lựa chọn sống trong căn phòng đặc biệt này là do giá rẻ hơn những phòng trọ bình thường khác tới 100.000 đồng/tháng, giá điện cũng được gia chủ ưu ái hơn.
Ở trong những phòng trọ này thường không có khái niệm ngày hay đêm, để nhận biết sáng, chiều, tối chỉ có cách duy nhất là xem đồng hồ.
Không cho bạn trai về phòng vì... mùi hôi
Dẫn tôi dọc theo hành lang đi sâu vào bên trong một khu phòng trọ sinh viên nằm sâu trong lòng đất tối om như mực trên đường Nguyễn Công Trứ, cô gái tên Thảo, sinh viên năm thứ 2 trường đại học Đà Lạt e ngại: "Anh là một trong ít người con trai được vào phòng em đó nha!...".
Tôi băn khoăn chưa hiểu vì sao thì ngay phòng bên cạnh ai đó nghe được nói toáng lên: "Phòng mày hôi như thế có mời cũng chẳng ai dám vào!...". Lập tức những tiếng cười rũ rượi của hơn chục cô gái đang nấu cơm trưa inh ỏi cả khu nhà trọ trong lòng đất.
Mô tả ảnh.
Không dám cho bạn trai về chơi vì luôn có mùi...
đặc trưng do quanh năm không có ánh sáng mặt trời.
Trước khi cầm chìa khóa mở của phòng, Thảo quay lại nhìn tôi cười ngượng nghịu, thanh minh: "Mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng do ẩm thấp, tù túng lại không có ánh sáng mặt trời nên phòng của chúng em luôn có mùi... đặc trưng. Anh đứng ngoài, khi nào em cho, mới được vào đó".
Khi cửa vừa mở ra, mùi ẩm mốc kết hợp với mùi thức ăn lập tức từ trong phòng phăng ra ngoài. Ánh sáng điện bật lên, Thảo vội vơ lấy lọ nước xịt phòng xịt chung quanh để khử bớt mùi hôi. Trong căn phòng chỉ khoảng 8m2, đồ đạc, sách vở được bày biện ngăn nắp, sạch sẽ nhưng bao trùm là không khí lạnh lẽo, ẩm mốc.
Đứng trong những phòng trọ này nhìn ra phía ô cửa ra vào
duy nhất chỉ thấy một màu "mờ mờ trăng trắng không biết
là sương hay là nắng".
Thảo cho biết, đã trọ ở đây từ khi vừa nhập học, nhiều lần các bạn trên lớp có ý muốn vào phòng chơi nhưng vì phòng có mùi "đặc trưng" nên Thảo luôn tìm cách từ chối, chỉ những người thân thiết hoặc sống trong những căn phòng cùng cảnh ngộ Thảo mới đưa về chơi vì sợ mọi người chê mình ở dơ.
Nguyễn Thị Thúy, sinh viên năm cuối trường đại học Đà Lạt tâm sự vào mùa thi, do phải tập trung ôn bài nên có khi phải 2 ngày mới ra ngoài đi chợ một lần, khi ấy mới được nhìn thấy ánh sáng mặt trời và cuộc sống chuyển động bên ngoài.
“Mình đã ở trong căn phòng này suốt 4 năm qua rồi, do chủ nhà không cho sinh viên nam ở nên nhà trọ chỉ có mình nữ. Chúng mình vẫn được mọi người trêu là những “nàng Mỵ” đó!... ”.
Bee