Bức tranh do họa sĩ Tây Ban Nha, Bruno Amadio vẽ được sản xuất hàng loạt và biết đến với cái tên "Cậu bé khóc". Nó nhanh chóng trở nên rất phổ biến và được nhiều người mua ở Anh trong những năm 80. Và cũng kể từ đó đã có nhiều câu chuyện kỳ bí xảy ra xung quanh bức tranh này…
Bức tranh bị… ám
Với người xem tranh, đây là một bức tranh khá bình thường, dù có đôi chút gì đó phảng phất buồn và u ám. Nhưng, những người sở hữu bản sao của nó cho biết khi nhìn vào khuôn mặt của "Cậu bé khóc", họ luôn có cảm giác sợ hãi và đau ốm. Câu chuyện bắt đầu từ năm 1985, khi các tờ báo ở Anh đưa tin về hàng loạt các vụ cháy nhà bí ẩn. Điều làm những người lính cứu hỏa thấy lạ lùng và không thể giải thích nổi là trong tất cả các vụ cháy, mọi thứ trong nhà đều cháy rụi, chỉ duy nhất bức tranh "Cậu bé khóc" vẫn không hề bị sứt mẻ gì. Ngày 7-5-1985, cảnh sát nhận được một cú điện thoại báo cháy của anh Steward khi cảnh sát đến nơi thì ngôi nhà trước mắt họ chỉ còn là một đống đổ nát, thứ duy nhất còn sót lại nguyên vẹn là bức tranh "Cậu bé khóc". Theo lời của Steward kể lại, ngọn lửa bốc cháy từ chiếc tivi bị chập điện, và bức tranh đeo treo ngay phía trên chiếc tivi đó mà lại không hề bị "sứt mẻ". Anh Steward cho biết thêm, khoảng 1 tuần trước khi đám cháy diễn ra, mỗi lần nhìn về phía bức tranh, anh cảm nhận thấy cậu bé trong tranh muốn giãi bày chuyện gì đó, nhưng không thành tiếng, chỉ có những giọt nước mắt cứ mãi lăn dài trên má… "Tôi không nghĩ đó là lời cảnh báo của cậu bé! Tôi không biết liệu có phải bức tranh đã mang đến điềm gở cho tôi (bị cháy nhà) hay giúp tôi thoát chết (anh Steward may mắn thoát ra khỏi nhà khi ngọn lửa bắt đầu bùng lên)" hay không? - anh Steward chia sẻ.
Bức tranh cậu bé khóc nổi tiếng
Những câu chuyện liên quan tới bức tranh trên chưa dừng lại ở đó. Smith, một người họa sỹ ở Leed bị vợ phát hiện ngoại tình, do suy nghĩ và buồn bã quá, người phụ nữ này đã quyết định tự tử. Sau khi vợ chết, chàng họa sĩ vô cùng hối hận và ngày nào cũng ngồi ngắm nhìn bức hình "Cậu bé khóc" (vốn là món quà vợ mua tặng) trong phòng một mình. Nguyên do người vợ mua tặng chàng họa sĩ Smith bức tranh này trước khi tự tử là bởi muốn níu kéo anh ta ra khỏi cuộc tình vụng trộm với người phụ nữ khác. Cũng trong thời gian Smith tìm thú vui bên ngoài đã bỏ bẵng không chăm sóc người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng của họ, và đó là nguyên nhân khiến cái thai bị chết lưu. Như để nhắc nhở chồng về những lỗi lầm của anh ta, người vợ đã quyết định mua tặng Smith bức tranh "Cậu bé khóc" một tháng trước khi cô ta quyết định tìm đến cái chết. Và một điều trùng lặp đã xảy ra, cũng đúng 1 tháng tự giam mình trong phòng, cuối cùng Smith cũng đã hoàn thành xong 30 bức tranh sao chép từ bức "Cậu bé khóc" như là để thực hiện một lời hứa với người vợ đã mất, đồng thời lúc đó anh cũng ra đi mãi mãi vì kiệt sức...
Sự kỳ bí bất tận của "Cậu bé khóc"
Không biết có phải chính những sự kỳ bí đã tạo ra sức hút cho bức tranh "Cậu bé khóc" hay không, nhưng chỉ biết rằng đã có những vụ chết người liên quan tới bức tranh này mà chưa ai có thể đưa ra được một lời giải thích thật thỏa đáng. Trước đây, có một người phụ nữ giàu có mua bức tranh này về, rất thích bức tranh, luôn ngắm nhìn nó. Bỗng một ngày kia người ta thấy bà ta, đập phá đồ đạc trong nhà và la hét kinh hoàng: "Thằng bé đã về rồi, thằng bé đã về rồi...". Ngay sau đó, người ta đã đưa bà vào nhà thương điên. Và cũng chỉ đúng một ngày sau thì bà ta chết. Và rồi bức tranh đó của người phụ nữ này lại tiếp tục được lưu truyền qua nhiều người: 1 họa sỹ, 1 người thợ may, 1 tỷ phú, 1 nhân viên lập trình,... và tất cả họ đều có tình trạng chung như người đàn bà trên, đều phát cuồng sau khi xem tranh và chỉ sau đó vài ngày là chết. Kể từ đó bức tranh đã bị người ta vứt đi một nơi nào đó không biết đến. Cách đây 10 năm, bức tranh được cho là bị thất lạc đó lại xuất hiện trở lại. Người ta thậm chí còn tìm cách tiếp tục sao chép nó ra để bán kiếm lời. Và khi bức tranh "quay trở lại" thì tình trạng như trên lại diễn ra, đã khiến cho 100 người bị rơi vào tình trạng hoảng loạn chỉ sau 1 tháng... cũng may là họ đã được điều trị kịp thời trước khi tính mạng bị đe dọa.
Giống như nhiều đứa trẻ 6 tuổi khác, bé Anderon Cauley rất thích vẽ tranh. Nhưng, những bức tranh về tổ ấm thân yêu của em làm mẹ Lima không khỏi dựng tóc gáy: Một ngôi nhà màu đen bên bờ biển, nó khác xa căn hộ chung cư trong thành phố Glasgow nơi họ đang sinh sống. Anderon cũng luôn miệng kể về người thân "cũ" của em: có cha, mẹ, các anh trai, chị gái và cả một gia đình lớn lúc nào cũng nhộn nhịp tiếng nói cười, chứ không hiu quạnh như cuộc sống hiện tại với mẹ Lima và anh trai Martin. "Kể từ lúc bắt đầu biết nói, Anderon đã cố gắng kể cho tôi nghe hẳn một câu chuyện về "quá khứ" của nó", chị Lima, 30 tuổi nhớ lại. "Bé phụng phịu rằng, nhà bé hồi xưa có một khoảng sân vườn rộng, trong khi căn hộ Glasgow hiện khoảng không gian vui chơi lại bé tý tẹo. Bé kể vanh vách mọi chi tiết về các thành viên gia đình: bố Sam Robert đã bỏ mạng vì "không quan sát cẩn thận 2 bên"; còn mẹ bé có mái tóc màu hạt dẻ dài ngang hông, rất hay nhoẻn miệng cười... Lần nào nhớ lại thằng bé cũng khóc đỏ hai mắt, rồi nằng nặc đòi tôi đưa trở về nhà để cho bố mẹ biết bé còn sống khỏe mạnh như thế nào", chị Lima chia sẻ. Ban đầu người trong nhà ai cũng nghi Anderon bịa chuyện, họ còn khen thằng bé có trí tưởng tượng phong phú bất ngờ. Nhưng sự việc trở nên nghiêm trọng khi càng lớn bé càng tỏ ra ủ rũ và sầu thảm. Các cô giáo trường mầm non cũng tỏ ra ái ngại khi nhìn chú bé con lúc nào cũng lưng tròng nước mắt. Đang trong lúc lo lắng cho căn bệnh của cậu con trai thì chị Lima được một người quen tặng bức tranh "Cậu bé khóc", bản thân chị Lima khi nhận bức tranh này cũng không cảm thấy thoải mái vì bức tranh quá u uất với hình ảnh của một bé trai nước mắt lưng chòng, nhưng vì nể nên chị đành nhận. Nhưng, điều kỳ lạ là sau khi nhìn thấy bức tranh, Anderon lại tỏ ra hết sức vui vẻ, thoải mái và hoạt bát hẳn lên. Hàng ngày, cậu bé đều say sưa ngắm nhìn bức tranh và nói rằng đó chính là hình ảnh của… mình ngày trước. Khi hỏi: "Con đã đến với mẹ như thế nào?". Anderon đã trả lời không chút ngần ngại: Con thấy mình rơi tõm vào trong bụng mẹ thôi. Vậy kiếp trước con tên là gì? Anderon mẹ ạ. Con vẫn là Anderon". chị Lima thuật lại.
Nguồn gốc bức tranh
Mặc dù đã có rất nhiều những câu chuyện xảy ra liên quan tới bức tranh bị nguyền này nhưng sự thật về nguồn gốc của bức tranh vẫn còn là điều bí ẩn. Một số nguồn tin cho hay người họa sĩ khi vẽ bức tranh này đã thuê một cậu bé mồ côi về làm mẫu và ngược đãi cậu bé đó, thậm chí còn ép cậu bé quan hệ tình dục đồng tính với mình, chính vì thế trên khuôn mặt của cậu bé luôn hằn chứa một sự thù hận. Một số người khác lại cho rằng, cha mẹ cậu bé chết trong một trận hỏa hoạn. Cậu bé trở thành kẻ mồ côi và giờ muốn gây ra các vụ hỏa hoạn để trả thù những người khác. Nhưng một số nhà tâm linh học lại lý giải rằng linh hồn của cậu bé bị mắc kẹt bên trong bức tranh, chính vì thế mà nó phải phóng hỏa, hại người để được… tự do. Nhiều người khác thì lại nói rằng vị họa sĩ kia đã ký một bản "hợp đồng tội lỗi" với Quỷ Xa tăng nhằm giúp bán các bức tranh của ông và giờ đây những người sở hữu bức tranh đó sẽ trở thành "miếng mồi" của quỷ dữ...
Tháng 10-1985, người ta thông báo tổ chức một buổi để đốt tất cả các bức tranh "Cậu bé khóc". Đến cuối tháng 10, đã có hàng nghìn bức tranh bị tiêu hủy dưới sự giám sát của Cục cứu hỏa. Nhưng, sự việc không chỉ dừng lại ở đó! Rất nhiều người vẫn sở hữu "Cậu bé khóc" và đôi khi người ta vẫn thấy xuất hiện tin tức về các vụ cháy, các vụ người chết mà không rõ nguyên nhân... Các phương tiện truyền thông cố gắng trấn tĩnh người dân và giải thích rằng: Chỉ "thỉnh thoảng" bức tranh mới "thoát" khỏi hỏa hoạn, chứ hầu hết những bức tranh còn lại đều rất dễ dàng bắt lửa. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin này được đưa ra một người phụ nữ đã cho các nhà báo biết cô đã cố đốt bức tranh đó của mình nhưng mọi nỗ lực đều thất bại(!?).
Pháp luật xã hội