Hiện tượng "người ăn thịt người" phổ biến trong quá khứ, xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. Nhưng ít ai hiểu rõ về tập tục ăn thịt người làm thuốc đáng sợ thời xưa. Cùng ngược dòng lịch sử để hiểu hơn về tục lệ đáng sợ này.
Lịch sử ghê rợn về việc "người ăn thịt người"
Trong cuốn sách mang tựa “Xác ướp, ăn thịt người và ma cà rồng” (Mummies, Cannibals and Vampires) của Noble và Richard Sugg thuộc trường ĐH Durham (Anh) đã ghi lại nhiều câu chuyện ăn thịt người để chữa bệnh từ thời kỳ Phục Hưng đến thời đại Victoria, đỉnh điểm là thế kỉ XVI và XVII.
Tục ăn thịt người diễn ra ở Brazil vào những năm 1557.
Vào thời kỳ đó, nhiều người dân châu Âu, bao gồm cả người trong Hoàng gia, linh mục, các nhà khoa học… sử dụng phương thuốc có chứa xương, máu và mỡ người để chữa tất cả bệnh, từ đau đầu tới bệnh động kinh.
Từ việc tạo ra những ngọn nến làm bằng mỡ người trong thập niên 1880, uống máu tại các giàn giáo (vẫn còn xảy ra vào năm 1908) hoặc dùng thuốc làm từ bột sọ người nghiền mịn cho thấy, nhiều người châu Âu lúc bấy giờ đã không quan tâm tới giá trị đạo đức trong ăn uống hay việc sử dụng tử thi.
Thậm chí, Vua Charles II của nước Anh cũng đã từng nhấm nháp một loại thuốc được gọi là “thuốc của Hoàng đế” được cho là một hỗn hợp bột hộp sọ người uống với rượu.
Mỡ, máu, sọ người... đều trở thành phương thuốc chữa bách bệnh thời xưa
Ngay cả khi quan điểm siêu nhiên đã phát triển thành một bộ môn khoa học, người ta vẫn gán cho lý thuyết rằng khi ăn một số bộ phận cơ thể của người khác có thể giúp chữa được bệnh ở các bộ phận tương ứng trên cơ thể của họ.
Ví dụ, bệnh nhức đầu có thể được chữa khỏi bằng thuốc làm từ sọ người nghiền tơi hay uống máu người có thể chữa được bệnh về máu.
Chỏm rêu mọc trên một chiếc đầu lâu được chôn cũng trở thành phụ gia quý.
Theo ông Sugg, Thomas Willis một nhà khoa học về não bộ tiên phong của thế kỷ XVII đã từng ủ một loại thức uống được làm từ máu người trộn lẫn với bột của hộp sọ nghiền chocolate. Trong khi đó, ngay cả phần chỏm rêu mọc trên một chiếc đầu lâu đã được chôn, gọi là Usnea, cũng trở thành một phụ gia quý. Bột của nó được cho là có thể chữa chảy máu cam và chứng động kinh.
Mỡ người cũng được dùng để trị những vết thường ngoài cơ thể. Các bác sĩ Đức đã lấy các dải băng nhúng mỡ người đắp lên vết thương và chà mỡ lên da như một phương thức chữa bệnh gout.
Máu - nguồn sinh lực của cơ thể cũng được cho là một loại thuốc.
Máu - nguồn sinh lực của cơ thể cũng được cho là một loại thuốc và máu càng tươi thì càng tốt. Điều này khiến cho việc tìm máu trở thành thách thức. Bác sĩ người Thụy Sĩ gốc Đức - Paracelsus (thế kỷ XVI) tin rằng, uống máu là rất tốt, một trong những tín đồ của ông thậm chí còn gợi ý lấy máu từ một cơ thể sống.
Dù đây không phải là một tục phổ biến nhưng người nghèo, vốn không có tiền, thường kiếm “vị thuốc thịt người” bằng việc đứng trước một vụ xử tử, trả tiền để mua cốc máu vẫn còn nóng. Năm 1697, thậm chí còn có công thức mô tả việc chế biến máu thành mứt.
Theo Noble, việc chữa bệnh này là xuất phát từ ý tưởng vi lượng đồng, căn cứ theo dạng tương quan, bệnh cái gì thì chữa cái đó. Ví dụ như sọ thì chữa các bệnh về đầu, uống máu thì chữa các bệnh về máu.
Họ quan niệm rằng, máu người mang linh hồn, liên kết cơ thể và tâm hồn. Máu tươi của người đàn ông trẻ hay trinh nữ được ưa thích nhất và được coi là mạnh mẽ nhất. Họ ăn xác chết vì cho rằng, cuộc sống sau này sẽ được bảo vệ bởi cái chết của người khác.
Ý tưởng này không phải là mới ở thời kì Phục Hưng. Người Roma uống máu của các đấu sĩ bị giết để hấp thụ sức sống của thanh niên mạnh mẽ. Nhiều thầy thuốc trong các nền văn hóa khác nhau, bao gồm cả vùng Lưỡng Hà cổ đại và Ấn Độ cũng tin vào tính hữu dụng của các bộ phận con người.
Khi khoa học có những bước phát triển dài, người ta cố xóa bỏ việc ăn thịt người như là thuốc. Mọi chuyện đã gần được xóa bỏ ở thế kỉ XVIII, nhưng vẫn còn những tàn dư sót lại của "nền y học xác chết".
Ví dụ thực tế là năm 1847, một người Anh bị cáo buộc là trộn bột hộp sọ của một phụ nữ trẻ với mật và thức ăn của con gái để chữa bệnh động kinh, hay xác ướp được bán như thuốc trong một cửa hàng y dược của Đức đầu thế kỉ XX. Năm 1908, sự kiện cuối cùng được biết đến là có người uống máu của kẻ bị xử tử tại pháp trường ở Đức.
Ngày nay, khi y học phát triển, chúng ta không thể nói rằng, mình đang sử dụng cơ thể người để chữa bệnh. Truyền máu, cấy ghép nội tạng, ghép da là phương thức chữa trị hiện đại từ cơ thể con người có tính khoa học và nhân văn cao.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, những vụ giao dịch, trao đổi, mua bán bộ phận cơ thể người để cấy ghép tại chợ đen trên toàn cầu đã xuất hiện và đang diễn ra. Nó đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về quá khứ đen tối một lần nữa có thể lại tái diễn.
Kenh14 - theo TTVN