Ngồi khuất trong một xó tối, ông lão lại long lanh nước mắt khi gặp khách cũ liền hồi tưởng buổi chiều kinh hoàng ngày ấy.
Voi điên náo loạn xóm làng
Ngay từ đầu vụ lúa Đông Xuân năm 1996, người dân thôn 4 đã phát hiện một con voi rừng táo tợn tìm đến phá hoại nương rẫy. Đói thì lên núi có mì, có chuối và các loại cây khác của dân trồng. Khát và tắm thì đã có dòng sông Krông Ana. Lộ trình của nó di chuyển không đầy 2km từ nơi ăn đến chỗ uống.
Nhiều lần, con voi cái dữ tợn đã rượt đuổi cả dân làng khi gặp người đi qua. Nó đi và về băng ngang Quốc lộ 27 như cơm bữa, lại thường xuyên đến điểm cột voi nhà của hai người dân gần đó phá phách, dùng vòi cuốn dây xích kéo voi nhà vấp ngã xềnh xệch.
Hai người dân có voi nhà đã làm đơn gửi lên huyện. Hạt kiểm lâm Krông Bông đã cử nhân viên giám sát và cán bộ cũng đau đầu trước việc phải làm sao để vừa bảo vệ dân chúng, vừa phải bảo vệ loài thú hoang dã.
Nguyên nhân xác định con voi hoang bỗng nhiên nổi điên có thể là rừng bị tàn phá, môi trường sống của voi và các loài thú rừng khác bị hủy hoại. Biết là voi dữ nhưng vẫn phải dặn dò người dân: “Không ai được bắn. Nếu voi chết, người bắn sẽ bị tù 15 năm, phạt 50 triệu đồng”.
Ảnh minh họa.
Mồng 7 Tết Đinh Sửu 1997, hai người dân có voi nhà lại phải bỏ hai ngày công vượt quãng đường cả đi và về gần 80km để đến Chi cục kiểm lâm tỉnh ĐăkLăk nạp tờ trình. Lại chờ đợi, nhưng chờ mãi mà không thấy hướng giải quyết nào của cấp có thẩm quyền. Người ta đành cam chịu: “Thôi thì cứ tạm thời “tránh voi chẳng xấu mặt nào””.
Ngày 15/04/1997 là ngày hẹn giao mấy chục buồng chuối già cho khách nhưng đã 3 giờ chiều mà cô con dâu đi làm đồng chưa về, bà Nguyễn Thị Nhật (SN 1937, quê Tây Sơn, Bình Định) đành phải bế theo đứa cháu nội hơn hai tuổi lên rẫy cà phê cách nhà 400m để làm nương, cùng đi có cô cháu nội lớn 16 tuổi.
Sát rẫy cà phê là vườn chuối rộng gần 3 ngàn m2. Cô cháu gái chặt những buồng chuối đã già, còn bà để cháu nhỏ xuống chặt những cành củi khô. Bỗng nghe tiếng động sau lưng, bà quay lại thấy con voi xuất hiện cách mình chỉ khoảng chục mét.
Kinh nghiệm xua voi thông thường là la hét và lấy hai khúc cây đập vào nhau tạo âm thanh đuổi voi đi. Thế nhưng cách đuổi lần này không hiệu quả, con voi không bỏ đi mà nhìn chằm chằm vào đứa bé đang khóc oe oe bên gốc cây. Cảm nhận thấy điều không lành, bà lão lao tới bế đứa cháu lên. Ngay lập tức con voi đưa vòi quấn ngang bụng bà, nhấc nạn nhân lên cao rồi quật xuống. Đứa cháu văng khỏi tay bà rơi vào một gốc cà phê.
Nghe tiếng khóc thét của hai đứa cháu, người chồng chạy lên thấy cảnh tượng hãi hùng thì đã biết không thể nào cứu được vợ. Liều chết, ông xông vào bế đứa bé chạy xuống đồi, lôi xềnh xệch phía sau đứa cháu lớn bị ngất.
Nghe tiếng kêu cứu của gia đình ông Hoàng, khách đi đường và bà con lối xóm chạy đến. Bất lực. Mà cũng không thể liều mạng hơn, không thể mất thêm mạng người nào nữa vì nạn nhân đã chết. Cả trăm người rơi nước mắt đứng nhìn con voi hung hãn quấn lấy nạn nhân đưa lên cao rồi quật lên quật xuống, dùng chân chà nát.
Hơn hai tiếng đồng hồ sau, chờ cho con voi đi khuất sang đồi khác, người làng mới dám mò lên lượm từng phần thi thể nạn nhân cho vào túi nilon. Bà lão vốn nặng trên 70 kg nay chỉ còn chưa đầy một vốc tay.
“Tử tội” bị… xẻ thịt
Đêm hôm đó là một đêm không ngủ của người dân trong khu vực. Nhà nào cũng cửa đóng then cài, có vài nhà thì còn tụ lại với nhau phòng trường hợp con voi có quay lại thì nhiều người cùng la hét xua đuổi.
Qua ngày hôm sau, người ta thấy con “voi điên” đã băng ngang Quốc lộ 27 qua sông Krông Ana định giở tiếp trò phá voi nhà. 12h ngày 16/04, Chi cục kiểm lâm tỉnh ĐăkLăk, Hạt kiểm lâm huyện Krông Bông, đại diện UBND huyện, UBND xã cùng đông đảo người dân đã lập biên bản “xử tử” con voi giết người.
Con voi bị bắn hạ tại ven sông Krông Ana bởi hai tay súng của huyện đội và công an huyện. Phải sau nhiều phát súng chát chúa, nó mới chịu gục xuống trước khi gầm rú rung chuyển cả núi đồi. Đó là một con voi cái có chiều cao 2,5m; ước nặng trên hai tấn.
Theo yêu cầu của gia đình nạn nhân, chính quyền đã cho phép thân nhân người xấu số được mổ bụng con voi tìm xác nạn nhân. Trong dạ dày con voi, sau 21 giờ đồng hồ, phần lớn thi thể nạn nhân đã bị phân hủy, trong bao tử voi chỉ còn lại một ít xương.
“Trăm voi không được bát nước xáo”, người đời bấy lâu nay ai màng tới thịt voi, nhất là khi con voi dữ đó vừa gây ra tội ác ăn thịt người. Thế nhưng sau khi bị bắn hạ tại ven sông, con voi nằm lại hiện trường không ai quản lý canh giữ. Một người nào đó bỗng nảy ra ý nghĩ: “Xẻo miếng thịt ăn chơi” và “tâm lý bầy đàn” bùng lên, người dân xông vào tay dao tay rựa, mạnh ai người ấy xẻo.
Dân trong khu vực đi lấy thịt voi tấp nập như đi trẩy hội, rầm rập suốt đêm, đèn đuốc sáng rực cả một góc ven sông. “Thịt “chùa”, suốt một đời người chắc gì đã có thịt voi mà ăn, tội gì mà không lấy, chen lấn, xô đẩy”, không ít người nghĩ như thế. Kẻ lấy được ít thì ăn, người lấy được nhiều thì đem bán tận đến thị xã.
Người ta tranh nhau mà mua “ăn thử thịt voi cho biết mùi đời, chết cũng không tiếc”. Qua sáng hôm sau, hiện trường chỉ còn lại bộ xương và bộ xương cuối cùng cũng đã bị một chiếc xe lớn bốc đi bán nấu cao. Thiên hạ đồn ầm lên rằng con voi trị được nhiều bệnh nên cả ngày sau, đám con buôn từ thị xã cũng kéo vào tận nơi hỏi mua.
Chỉ mình gia đình nạn nhân là ôm đau đớn. Sau cái chết đau thương của người vợ xấu số, kinh tế gia đình ông Hoàng đã khó khăn giờ lại càng khó khăn thêm và ông đã phải vay mượn từng đồng để lo cho đám tang vợ.
Ông cũng đã đệ đơn đến chính quyền cấp xã, huyện để kêu xin trợ cấp một phần kinh phí, để gia đình ông trang trải bớt phần nào khó khăn do con voi rừng mang đến nhưng phản hồi chỉ là sự im lặng. Cũng khó lắm vì đâu có văn bản nào quy định người bị voi dữ tấn công thì sẽ được hỗ trợ.
Sau “cơn say” xẻo thịt con voi dữ, dân làng cũng hối hận phần nào khi biết mình có lỗi đã coi miếng thịt voi còn quan trọng hơn việc chia buồn với người làng. Ngôi mộ nạn nhân được cả làng quyên góp tiền xây dựng thành lớn nhất nghĩa địa, như một lời chia sẻ cho vong hồn nạn nhân được ngậm cười nơi chín suối.
Mười mấy năm trôi qua, ngọn đồi nơi xảy ra vụ án, cà phê và vườn chuối của gia đình ông Hoàng đã xanh tươi trở lại nhưng bài học làm sao để voi rừng sống chung với người dân vẫn là một bài toán hóc búa chưa có lời giải đáp rốt ráo.
Cô bé hai tuổi ngày xưa được bà cứu sống ngay trước mũi con voi nay đã thành thiếu nữ Trịnh Thị Ngọc Trinh 17 tuổi. Cô bé thoáng buồn khi nhớ về chuyện xưa: “Cháu rất thương bà, nếu ngày ấy bà không cứu cháu thì có lẽ bà đã không chết”. “Cháu có nhớ gì về hình ảnh bà?”. “Cháu không nhớ gì ạ, vì lúc ấy cháu mới hơn hai tuổi. Chỉ thấy bà trong những tấm hình, bà mập lắm, thế mà con voi ăn thịt bà chỉ còn lại một nắm bé tẹo”.
Pháp luật & Thời đại