Cô “Lượm giả” và chuyện đời bịa đặt trên truyền hình
Đầu xuân 2011, hàng triệu khán giả bị sốc trước thông tin về cô “Lượm” được phát sóng trên chương trình truyền hình "Người xây tổ ấm" của VTV1 vào ngày 25.1 hoàn toàn là…bịa đặt!
Câu chuyện về cô “Lượm” bỗng dưng trở thành đề tài “hot” khi rất nhiều khán giả phẫn nộ “tố” toàn bộ nội dung của câu chuyện không đúng sự thật, rằng, cô “Lượm” không phải là trẻ mồ côi, vướng vào cuộc tình đau khổ, một mình nuôi đứa con trai bị bệnh tim…
Cô Lượm ấy vốn tên thật là Trần Thị Thùy Dương (SN 1983, ngụ thôn Minh Hải, thị trấn Thuận An, Thừa Thiên – Huế), đã lấy chồng, sinh con và bố mẹ cô vẫn sống khỏe mạnh.
Sự thật bị phanh phui, “Lượm” Thùy Dương bắt đầu kể lại toàn bộ chuyện diễn và “dựng” cuộc đời trên VTV. Cô cho biết, phóng viên VTV “không hỏi gì nhiều để thẩm định thông tin mà mà chỉ bảo tôi cứ làm những công việc hàng ngày để họ quay”.
Sau khi nhận thức được hành động của mình, cô “Lượm giả” đã trả lại tiền cho các nhà hảo tâm, viết thư xin lỗi, bày tỏ sự ân hận trước việc làm đáng xấu hổ.
Về phía chương trình “Người xây tổ ấm”, phóng viên của VTV tại Huế, ekip thực hiện phóng sự về “cô Lượm” Trần Thị Thùy Dương không thực sự nhận trách nhiệm mà cho rằng “trang Tin tức online - nơi tác phẩm của Lượm gây "tiếng vang" - phải liên hệ với chính quyền địa phương và hàng xóm bà Huê (dì của ruột “Lượm” Thùy Dương) để xác minh sự việc.”
Còn BTV Kim Ngân - người phụ trách chính của chương trình thì “quá tiết kiệm” một lời xin lỗi khán giả, dù chị tâm sự rằng: “Thật khó mà tha thứ, bởi Lượm đã đụng vào lãnh địa thiêng liêng nhất của tôi, đó là khán giả.”
Trong khi cả cô “Lượm giả” và chương trình “Người xây tổ ấm” lời qua tiếng lại, “đổ lỗi” cho nhau thì chỉ có khán giả là thiệt thòi vì bị lợi dụng lòng tin.
Lùm xùm mang tên “Lê Minh Khương – Vietnam Airlines”
Không phải ngẫu nhiên mà sự việc xảy ra với HLV Lê Minh Khương trến chuyến bay đêm 18.4 mang số hiệu VN1169 của Vietnam Airlines (VNA) từ Hà Nội vào TP .HCM trở thành lùm xùm tai tiếng đôi bên.
Câu chuyện "qua lại" giữa HLV Đội tuyển Taekwondo quốc gia Lê Minh Khương và VNA thành sự kiện “nóng hổi” trên báo chí.
Ban đầu, ca sỹ Quang Hà là người đã đứng ra làm nhân chứng chứng minh VNA sai, sau đó là đạo diễn Trần Lực. Còn về phía VNA, một vị khách nước ngoài có tên Eileen Tan đã bênh vực VNA và kể rằng, HLV Lê Minh Khương quá thô lỗ.
Cả HLV Lê Minh Khương và VNA cùng “đội ngũ nhân chứng” của mỗi bên đều đưa ra những lẽ riêng để khẳng định phần đúng về mình.
Hành động HLV Lê Minh Khương khẳng định cần một lời xin lỗi công khai và cứ mở hộp đen máy bay ra để kiểm tra trong khi lời đe dọa cấm bay của VNA đối với ông đã khiến cư dân mạng bức xúc.
Cuối cùng, võ sư Khương đã từ chức HLV ĐTQG Taekwondo và phải chịu mức phạt 2 triệu đồng vì không tuân thủ hướng dẫn của thành viên tổ bay, vi phạm trật tự, kỷ luật trên tàu bay. Không “phục” với mức phạt lần 2, ông cùng luật sư vẫn tiếp tục khởi kiện.
Công chúng liên tiếp bị cuốn vào guồng câu hỏi “ai đúng, ai sai” giữa một bên là vị HLV nổi tiếng và một bên là hãng hàng không quốc gia.
Tuy nhiên, kết luận quanh những ầm ĩ đang diễn ra giữa "thượng đế" khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ dù có thế nào, thì quan trọng nhất vẫn là vấn đề: Văn hóa ứng xử của người Việt Nam với nhau ở nơi công cộng.
Kỹ sư Lê Văn Tạch – Toyota Việt Nam: Từ hợp tác đến... “đối đầu”
Hành trình của một người từng là nhân viên phục vụ cho Toyota Việt Nam (TMV) đến khi bị cho nghỉ việc đã khiến báo giới tốn không ít giấy mực, bởi lẽ, chẳng mấy khi doanh nghiệp Nhật vốn lấy chất lượng làm trọng lại bị “hớ” như vậy. Và hơn hết, đây là vị kỹ sư đầu tiên dám “đối đầu” với một hãng sản xuất ô tô nổi tiếng.
Anh Lê Văn Tạch - kỹ sư của TMV đã gửi đơn đến Cục Đăng kiểm VN (Bộ GTVT) tố cáo chính công ty mình cho xuất xưởng hàng chục nghìn xe bị lỗi nghiêm trọng. Những lỗi này ảnh hưởng đến người dùng vì có thể làm tăng nguy cơ lật xe khi vào cua với tốc độ cao hay khiến phanh bị mất tác dụng dẫn đến tai nạn.
Trong khi hành động của anh Tạch nhận được sự ủng hộ, cổ vũ của nhiều người tiêu dùng thì TMV Việt Nam bất ngờ cho anh Tạch nghỉ việc 3 tháng, sau đó chuyển anh sang vị trí công tác khác với lý do “ anh Tạch tố cáo một số người trong công ty xúc phạm, đe dọa anh.”
Một vị kỹ sư tâm huyết, từ hợp tác với TMV bất ngờ đối đầu với hãng này khi thông báo nghỉ việc và kiện TMV vì sai sót trong kỷ luật lao động, đồng thời kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố vụ án về hành vi xâm phạm thư tín và vu khống đối với Tổng giám đốc TMV. Tuy nhiên, kiến nghị này đã không được thực hiện.
Về phía Bộ GT-VT, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng nói sẵn sàng tiếp nhận kỹ sư Lê Văn Tạch về Cục Đăng kiểm làm việc.
Rầm rộ “chiến dịch” cứu chữa rùa Hồ Gươm
Việc chữa bệnh cho rùa Hồ Gươm - biểu tượng linh thiêng của thủ đô Hà Nội không chỉ dành được sự quan tâm của báo chí nước nhà mà còn thu hút sự chú ý của báo chí quốc tế.
Từng ngày, từng giờ, sức khỏe của rùa Hồ Gươm liên tục được cập nhật trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Con vật gắn với truyền thuyết trả lại gươm báu luôn nhận được sự quan tâm lớn của người dân, đặc biệt khi sức khỏe của rùa ngày càng xấu đi.
Trước những lo ngại rằng rùa Hồ Gươm đang nguy kịch vì ảnh hưởng môi trường sống như nước váng đen, rùa tai đỏ xâm lấn, ăn xác mèo chết... UBND TP.Hà Nội đã thành lập Hội đồng chữa trị rùa Hồ Gươm túc trực thường xuyên để theo dõi, chăm sóc và chữa trị cho rùa.
Qua hai cuộc vây bắt ly kỳ, rùa Hồ Gươm đã được đưa về khu điều trị trên Tháp Rùa. Lúc này, người ta lại quan tâm đến việc chữa trị cho rùa như thế nào. Chỉ tính riêng việc phân tích những phương án chữa bệnh cũng đủ thấy tầm quan trọng và ý nghĩa của việc cứu chữa rùa Hồ Gươm.
Không chỉ tốn giấy mực báo chí nước nhà, “chiến dịch” cứu chữa rùa Hồ Gươm còn được nhiều hãng thông tấn lớn của nước ngoài như AP, New York Times, Telegraph… “để mắt”. Thậm chí, New York Times còn thuật lại một cách chi tiết quá trình vây bắt rùa đưa về chữa bệnh.
Câu chuyện bổ nhiệm đại sứ du lịch “chớp nhoáng”
Năm 2011, năm đầu tiên du lịch Việt Nam có đại sứ. Việc chọn đại sứ du lịch này khiến cả báo giới và công chúng đặt câu hỏi, liệu rằng Bộ VH-TT&DL đã “chọn mặt gửi vàng” đúng hay chưa khi tức tốc quyết định chỉ sau 1 ngày ban hành quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, tiêu chuẩn, hoạt động, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đại sứ du lịch Việt Nam.
Ngày 21.9, Bộ VH-TT&DL đã ban hành Quyết định số 3000/QĐ-BVHTTDL về việc bổ nhiệm nữ diễn viên Lý Nhã Kỳ (tên thật là Trần Thị Thanh Nhàn) là Đại sứ Du lịch Việt Nam, mặc dù quy chế bổ nhiệm này mới được ban hành trước đó đúng một ngày (ngày 20.9).
Câu chuyện bổ nhiệm đại sứ du lịch “chớp nhoáng” của Bộ VH-TT&DL đã khiến nhiều người băn khoăn và suýt ngã ngửa vì họ không biết Lý Nhã Kỳ là ai, ngay cả Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch(thuộc Bộ VH-TT&DL) cũng lắc đầu “hoàn toàn không biết”. Chưa hết bất ngờ với thông tin này, công chúng lại được một phen “choáng” khi cư dân mạng mổ xẻ việc người đẹp gốc Cà Mau có xứng đáng nhận danh hiệu này không.
Một danh hiệu quan trọng đòi hỏi có sự “cân đo, đong đếm” kỹ lưỡng mà Bộ VH-TT&DL lựa chọn thần tốc sau một ngày đã vấp phải sự phản ứng từ phía dư luận. Còn báo chí chất vấn, tại sao hiều tên tuổi như ca sỹ Mỹ Linh, Hoa hậu Ngô Phương Lan… Bộ VH-TT&DL lại không trao danh hiệu đại sứ du lịch cho họ?
Mặc dù với vai trò đại sứ du lịch Việt Nam Lý Nhã Kỳ đã có nhiều hoạt động ý nghĩa, góp phần giúp Vịnh Hạ Long lọt vào danh sách 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới nhưng xét cho cùng, Bộ VH – TT& DL nên đưa ra danh sách một vài ứng cử để cùng góp ý.
Dân Việt