Sinh ra kháu khỉnh, xinh xắn, nhưng đến 5 tháng tuổi mới cất tiếng khóc chào đời, 8 tháng tuổi cậu bé cậu bé Nguyễn Tuấn Kiệt (Phường Nghi Thu, Thị xã Cửa Lò, Nghệ An) cất tiếng gọi mẹ trong sự ngỡ ngàng của cả gia đình.
Cậu bé Tuấn Kiệt.
Tuy nhiên, điều ngạc nhiên nhất mà là khi những đứa trẻ khác chưa nói sõi, thì Kiệt có thể cầm báo đọc trơn tru khi chưa đầy 2 tuổi rưỡi. Khi tròn 3 tuổi, Kiệt đã có thể một mình tự khởi động nguồn điện thoại, máy vi tính để chơi games, vào mạng… 4 tuổi, Kiệt còn có thể đọc thuộc lòng số điện thoại của người thân, đọc tất cả các mệnh giá tiền Việt Nam…
Không những thế, Kiệt còn có tài nhảy cực siêu. Chỉ cần xem clip ca nhạc một lần là cháu có thể nhảy lại điệu nhảy của ca sĩ một cách rất "chuyên nghiệp".
Từ khi câu chuyện về cậu bé thần đồng Tuấn Kiệt được chia sẻ trên báo chí, ngôi nhà của gia đình bé đã đón không ít khách thăm quan, "hiếu kỳ" tìm đến để mục sở thị tài năng của Kiệt.
'Cậu bé thần đồng' người Tày học 2 ngày lên 3 lớp
Tròn 5 tuổi cậu được đặc cách học lớp 1 do chính Thứ trưởng Bộ GD&ĐT ký; chỉ trong hai ngày đầu tiên đi học, cậu đã lên 3 lớp - từ học sinh lớp 1 thành học sinh lớp 3…
Thần đồng ấy chính là Hoàng Thân, cậu bé đã trở thành một hiện tượng kỳ lạ giữa vùng đất đại ngàn của chiến khu Việt Bắc. Năm 2003, khi mới 3 tuổi, Thân đã có thể đọc chữ vanh vách, không chỉ là bảng chữ cái in khổ lớn hay những quyển truyện tranh trẻ nhỏ in chữ to mà ngay cả những dòng chữ nhỏ in trên các loại vỏ bao, Thân cũng đọc dễ dàng.
Ngày càng ngạc nhiên trước khả năng kỳ diệu của cháu, ông Hóa (ông nuôi của cậu bé Thân) liền mua bộ sách giáo khoa lớp 1 về cho cháu, ai ngờ chỉ sau vài ngày cậu bé đã học xong toàn bộ chương trình lớp 1. Ông Hóa tiếp tục mua bộ sách lớp 2, rồi đến lớp 3 nhưng cũng chỉ vài ngày là Thân học xong.
Quyết định cho Thân học vượt lớp do đích thân Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Đặng Huỳnh Mai xem xét. Đó có lẽ là trường hợp đặc biệt nhất trong nền giáo dục Việt Nam những năm ấy. Thân trở thành cậu học sinh được Bộ GD&ĐT bảo trợ.
Năm nay, em 11 tuổi nhưng đã là học sinh lớp 8 trường tiểu học Đại Kim, Hà Nội. Em là thành viên của 3 đội tuyển: Toán, Anh và Tin học của trường; 3 môn học trên Thân đều có điểm trung bình xấp xỉ 10.
Không những thế, Thân còn đoạt giải trong cuộc thi sáng tạo với mô hình học toán thông minh, cậu bé Thân còn dự thi 4 lần nữa tại Cuộc thi sáng tạo trẻ và đều đoạt giải: Đó là mô hình Rừng vàng, đoạt giải Ba; từ chiếc bản đồ Việt Nam, cậu dùng màu, kết hợp với những bóng đèn nhỏ và hệ thống điện để cảnh báo tình trạng cháy rừng và lũ lụt hiện nay. Mô hình Chiến dịch Điện Biên phủ, cũng được cậu làm từ bản đồ Điện Biên, gắn bóng đèn các màu để diễn tả diễn biến trận đánh. Năm 2009, Hoàng Thân mang đến cuộc thi mô hình: Phương pháp học toán bằng hình ảnh động; năm 2010, cậu bé lại sáng tạo nên mô hình về Hệ mặt trời và các hành tinh của nó.
Với những thành tích đạt được, người ta tin rằng chắc chắn trong tương lai cậu người Tày còn tạo nên nhiều bất ngờ hơn nữa.
Cô bé thần đồng 8 tuổi thông thạo 11 ngoại ngữ, soạn 44 bản nhạc
Wendy Võ sinh năm 1999 tại Charlotte, North Carolina, có tên tiếng Việt là Võ Thị Ngọc Diễm. Wendy là con của nha sĩ Võ Minh Oai và chị Đặng Thị Ngọc Hương, hiện sống tại Matthews, một thành phố nhỏ nằm ở ngoại ô Charlotte, Mỹ.
Wendy được coi là thần đồng âm nhạc và ngôn ngữ bởi khi 8 tuổi, cô bé đã có thể thông thạo tới 11 ngoại ngữ (Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Arabic, Quan Thoại, Quảng Ðông, Bồ Ðào Nha, Nhật, Nga và Hindi) và soạn 44 bản nhạc.
Wendy Võ.
Theo thông tin từ cha mẹ Wendy, hơn 1 tuổi, em đã khiến gia đình kinh ngạc khi sáng tạo những nốt nhạc đầu tiên mà chưa hề được dạy hay hướng dẫn.
Năm 2008, Wendy được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 10 thiếu niên kiểu mẫu. Theo tạp chí này, những thiếu niên được chọn trong danh sách các nhân vật kiểu mẫu của họ ở độ tuổi từ 8 đến 18 là những cá nhân chăm chỉ, có cống hiến và không làm điều gì đó chỉ để thu hút sự quan tâm của báo chí hay tìm kiếm danh lợi.
Năm 2007, Wendy được nhận làm thành viên của tổ chức The American Society of Composers, Authors and Publishers – ASCAP (Hội viên danh dự trẻ tuổi nhất của hội nhạc sĩ, tác giả và xuất bản nhạc của Mỹ). Trước đó, bé cũng đã được công ty Big Time Entertainment, một công ty chuyên tổ chức các buổi trình diễn nhạc mời tham gia một trong những buổi trình diễn của họ, nhưng cha của bé đã từ chối.
Thần đồng hội họa gốc Việt gây xôn xao Australia
Truyền thông Australia đã viết về Jacquelyn Ngô - cô bé người Australia gốc Việt 6 tuổi, như một thần đồng và là niềm hy vọng của thế giới hội họa, sau khi em trổ tài trước báo giới trong gần 3 giờ.
Bé Jacquelyn Ngô đã bộc lộ năng khiếu hội họa từ khi mới 3 tuổi. Chỉ 3 năm sau, những bức tranh của Jacquelyn Ngô đã làm kinh ngạc giới hội họa bởi màu sắc và năng lượng phong phú mà cô bé truyền đạt.
Cũng như những đứa trẻ khác, Jacquelyn thích vẽ người, động vật và phong cảnh. Những tác phẩm được thực hiện với cái nhìn trực tiếp, hồn nhiên về cuộc sống như mở ra trong tâm trí người xem một thế giới tưởng tượng đầy ngọt ngào và bay bổng của trẻ em.
Đặc biệt, qua nhiều bức vẽ, Jacquelyn đã thể hiện sống động những hình ảnh của Việt Nam qua những tà áo dài, nhạc cụ truyền thống của dân tộc…
Jacquelyn Ngô thổ lộ, Vincent van Gogh là họa sĩ mà cô bé yêu thích nhất. Và bức tranh mà cô bé cảm thấy ấn tượng nhất là bức Hoa hướng dương cùng bức Phòng ngủ ở Arcles của danh họa Hà Lan này.
Có thể thấy ảnh hưởng rõ nét của Van Gogh qua bố cục và màu sắc trong bức tranh Phòng ngủ của tôi và một số bức tranh khác do Jacquelyn vẽ. Cái nhìn của Jacquelyn về thế giới là sự kiên quyết và trực tiếp, đa dạng và hồn nhiên. Sự lựa chọn phạm vi cũng khá rộng và em thích thử nghiệm với các kỹ thuật và phong cách của những họa sĩ đi trước.
Điều đặc biệt, Jacquelyn không đồng ý bán bất kỳ bức vẽ nào của mình, mặc dù được trả giá rất cao. Mẹ bé cho biết, cô bé rất yêu những bức vẽ của mình và muốn giữ nó làm kỷ niệm.
Tài năng của cô bé gốc Việt đã được công nhận qua những cuộc triển lãm tranh cá nhân tại Liverpool và Sydney. Sau thành công ban đầu của Jacquelyn, các nhà mỹ thuật quốc tế đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào những bước đi tiếp theo của thần đồng hội họa nhí gốc Việt này.
Thần đồng âm nhạc 14 tuổi gốc Việt khuấy động báo giới Ba Lan
Nguyễn Việt Trung.
Theo gia đình sang Ba Lan sống khi hơn 1 tuổi, Nguyễn Việt Trung được nhắc đến như một thần đồng âm nhạc với hàng loạt các giải thưởng danh giá khi chưa bước qua tuổi 14.
TS Nguyễn Văn Thân, bố của Nguyễn Việt Trung cũng bảo, anh không thích cách người ta gọi Trung là “thần đồng”. Bởi theo anh mĩ từ này thường dùng cho những trường hợp tài năng thiên bẩm và bộc phát, nhưng hàng loạt những giải thưởng âm nhạc quốc tế, khả năng cảm nhạc tuyệt vời mà Trung đang có, ngoài sự nhạy cảm bẩm sinh, còn cần sự nỗ lực hết mình của cậu bé trong nhiều năm.
Câu chuyện “chạm” vào làng âm nhạc khi Trung còn bé xíu có thể coi như một sự tình cờ. Bố mẹ bận đi làm, cậu bé 5 tuổi lẽo đẽo theo chị gái đến câu lạc bộ piano của GS. Filomema Dziedzic. Chỉ một đoạn nhạc cậu bé nghịch ngợm trên đàn của chị vào giờ giải lao đã khiến GS Filomema Dziedzic sửng sốt. Cẩn thận kiểm tra lại khả năng của cậu bé, bà khẳng định với ba mẹ Trung: cậu bé có khả năng âm nhạc đặc biệt, nếu gia đình cho cậu học, chắc chắn một ngày nào đó cậu bé này sẽ làm nên chuyện.
Thế là sau nửa năm tập luyện dưới sự kèm cặp của GS. Filomema Dziedzic, Nguyễn Việt Trung bắt đầu vào trường âm nhạc. Một năm sau, cậu bé 7 tuổi từng sợ đến phát khóc trong ngày thi vào trường đã giành giải nhất cuộc thi Piano dành cho trẻ em Ba Lan (2003). Giải thưởng này thì không còn là sự tình cờ, cũng như một loạt các giải thưởng quốc tế tiếp tục đều đặn đến với Trung trong các năm sau. Giải “Nốt nhạc vàng” dành cho thí sinh quốc tế chơi nhạc Mozart khi Trung 10 tuổi (2006).
Năm 2007, Nguyễn Việt Trung đã giành giải 3 tại Festival Piano quốc tế dành cho Pianist trẻ diễn ra tại Glubczyce (Ba Lan), đạt luôn giải dành cho tay đàn trẻ thể hiện bản nhạc thế kỷ 20 hay nhất. 12 tuổi (2008), Trung giành giải xuất sắc về Chopin dành cho trẻ em quốc tế tổ chức tại Ba Lan.
Năm 2009, Trung lại giành giải nhì cuộc thi Piano quốc tế mang tên “Ludwik Stefanski và Halina Czerny Stefanska” tổ chức tại Plock (Ba Lan). Trung là thí sinh nhỏ tuổi nhất cuộc thi, và là thí sinh duy nhất đang học trường sơ cấp đạt Giải nhì trong cuộc thi mà chỉ những thí sinh 16 đến 17 tuổi trở lên đang theo học ở các trường trung cấp mới “dám” tham gia. Giải nhì này chỉ kém giải nhất 0,25 điểm.
Cuộc sống của Trung hiện giờ cũng không chỉ có âm nhạc, cậu còn phải học văn hóa và ngoại ngữ để tích lũy kiến thức. Hiện, Trung nói thành thạo bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Ba Lan, Việt Nam. Riêng tiếng Việt, gia đình Trung cho em đi học tại trường dạy tiếng Việt ở Ba Lan. Quy ước trong gia đình là tất cả các thành viên đều dùng tiếng Việt để trao đổi với nhau, bất kể ở đâu, đặc biệt là giữ quốc tịch Việt Nam bởi “người ta dù có thành đạt đến đâu cũng không thể không có nguồn cội…” TS Nguyễn Văn Thân, cha của Trung chia sẻ.
Bưu Điện Việt Nam