Nếu không có chị, có thể anh đã có một cái kết như cái kết của hầu hết những người bạn nghiện của anh, hoặc có thể anh vẫn là một kẻ nghiện ngập lay lắt, lang thang ở những bãi vàng vùng Tây Bắc. Không có chị, chắc anh sẽ chẳng có ngày hôm nay: nhà cao cửa rộng, gia đình hạnh phúc và là ông chủ của một xưởng may làm ra tiền ra bạc ở thị trấn Mậu A nhỏ bé của vùng đất Yên Bái.
Quãng đời hoàng kim và nghiệt ngã của một đại ca bãi vàng
Cuộc đời của Trần Anh Hưu - ông chủ của xưởng may gia công ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái là một cuộc đời thăng trầm. Từ một chàng sinh viên nuôi chí lớn trở thành một đại ca bãi vàng; đã có lúc trong tay cả nghìn lượng vàng nhưng cũng có lúc trở thành một kẻ nghiện ngập không có một xu dính túi; từ chỗ là thành phần “bỏ đi” của xã hội đến chỗ trở thành một người làm kinh tế giỏi… dường như, không có một sóng gió cuộc đời nào mà người đàn ông ấy chưa từng trải qua.
“Phía sau một người đàn ông thành công là bóng dáng của một người đàn bà” - phía sau một người đàn ông biết vượt qua những sai lầm để đứng dậy sau mỗi lần vấp ngã, là bóng dáng của một người phụ nữ biết hi sinh và vị tha vô điều kiện.
Anh Trần Anh Hưu - chủ xưởng may gia công ở thị trấn Mậu A,
huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
Và Trần Anh Hưu chính là người đàn ông đã may mắn gặp được một người phụ nữ như thế - một người phụ nữ đã luôn ở bên anh, từ lúc anh là một đại ca bãi vàng khét tiếng cho đến lúc anh trở thành một kẻ nghiện ngập bị tất cả mọi người xua đuổi.
Người phụ nữ ấy đã đưa anh ra khỏi những ngày tối tăm nhất của cuộc đời mình, giúp anh đứng dậy sau những lỗi lầm trong quá khứ. Người phụ nữ ấy suốt 25 năm qua vẫn được anh gọi đầy âu yếm: “Vợ yêu” - dù anh chị chưa từng một lần đi đăng ký kết hôn như bao cặp vợ chồng khác.
Trần Anh Hưu sinh năm 1962 ở xã Giao Xuân, Giao Thủy, Nam Định. Nhà có 5 anh em, nhưng anh là người thông minh, sáng dạ nhất nên luôn là đứa con được cha mẹ kỳ vọng nhất. Ngày trẻ, anh học giỏi có tiếng và từng ấp ủ giấc mơ thi vào trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là trường Kinh tế Quốc dân).
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh nộp hồ sơ thi vào ngôi trường mơ ước của mình và đạt điểm rất cao trong kỳ thi đại học năm đó, nhưng không hiểu vì lý do gì mà cuối cùng anh lại có giấy báo nhập học trường Đại học Mỏ - Địa chất.
Đã sớm thất vọng vì không được học đúng ngành nghề mình yêu thích, lại không được nhận suất học bổng du học nước ngoài vì một vài lý do khách quan, học hết năm thứ nhất trường Đại học Mỏ - Địa chất, nghe một người họ hàng nói nghề đào vàng đang rất phất, chàng sinh viên Trần Anh Hưu bỏ học, ngược tàu lên miền núi, gia nhập đội quân đào vàng.
Cơn lốc vàng đầy cám dỗ đã cuốn anh đi, đẩy cuộc đời anh bước sang một trang khác, quên hẳn mộng đèn sách.
Năm 1983, Trần Anh Hưu đặt chân đến bãi vàng Văn Bàn, Lào Cai với xuất phát điểm là một “phu” đào vàng, hai bàn tay trắng. Đi đào vàng, nhưng anh vẫn có dáng dấp của một chàng sinh viên đại học: trắng trẻo, thư sinh, trên vai là cây đàn ghi ta. Ngày ấy, phong trào đào vàng mới rộ lên, chưa có những giang hồ bãi vàng như sau này.
Những người lên đào vàng cũng đủ các thành phần: có cả nông dân, cả trí thức, cả đàn ông và đàn bà, không có giành giật, không có cướp bóc, không có băng nhóm, ai làm được bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu. Và ngay trong ngày đầu tiên ở bãi vàng Văn Bàn, chàng sinh viên Trần Anh Hưu đã gặp cô thiếu nữ 17 tuổi Phạm Thị Tuyến - người phụ nữ mà với anh là định mệnh của cả một cuộc đời.
Trần Anh Hưu kể: “Ở bãi vàng Văn Bàn ngày ấy, bên cạnh mấy cái lán của cánh đàn ông còn có một cái lán của mấy chị em phụ nữ. Họ hầu hết đều là những người gia cảnh khó khăn, cực chẳng đã mới phải đến chỗ rừng núi heo hút ấy để đào vàng. Buổi tối đầu tiên, tôi đến bãi vàng, sau một ngày đào đãi được một chỉ vàng, tôi mang cây đàn ghi ta ra vừa gẩy đàn, vừa hát vu vơ.
Mấy chị em ở lán bên cạnh nghe tiếng đàn hát của tôi đã gọi với sang: “Anh gì ơi, sang bên này, hát thêm mấy bài nữa đi”. Tôi bước sang lán của chị em, và ngay lúc bước vào cái lán ấy, giữa hàng chục cô gái xung quanh, không hiểu sao tôi chỉ nhìn thấy Tuyến và chỉ để ý đến Tuyến.
Tuyến là cô gái trẻ nhất trong số những người phụ nữ đi đào vàng ở bãi vàng Văn Bàn. Nhà nghèo quá, nên ở tuổi 17 cô ấy đã phải giúp bố mẹ gánh vác cả gia đình, nuôi cả đàn em nhỏ. Cô ấy không hẳn là đẹp, nhưng có một cái gì đó khiến tôi không thể rời mắt.
Tối hôm đó, chị em trong lán chạy đi mua kẹo về mời tôi vừa ăn kẹo, vừa uống nước, vừa đàn hát. Tôi ôm cây đàn, hát hết bài này sang bài khác, đôi mắt cứ hướng về một người con gái mà cô ấy không hề hay biết.
Nhưng chỉ sau chưa đầy nửa tháng sống ở bãi vàng, Tuyến đã rời khỏi bãi vàng vì không chịu nổi cuộc sống khắc nghiệt ở đây. Tình cảm mới nhen nhóm trong tôi chưa kịp nảy nở đã bị dập tắt. Khi cô ấy rời khỏi bãi vàng, tôi đã nghĩ là chúng tôi không có duyên phận. Chẳng ngờ sau này, cả đời tôi đã gắn bó với cô ấy như định mệnh”.
Sau khi cô thiếu nữ 17 tuổi Phạm Thị Tuyến rời khỏi bãi vàng, cũng là bắt đầu những ngày tháng Trần Anh Hưu từ một phu vàng bình thường trở thành đại ca. Vốn là người có đầu óc làm ăn, Trần Anh Hưu đã nhanh chóng nghĩ ra việc tập hợp những người lao động và thuê họ đào vàng cho mình rồi cùng ăn chia theo lợi nhuận. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh đã trở thành “ông chủ” với gần 300 quân chuyên đào vàng.
Thời hoàng kim, trúng những vỉa vàng lớn, có những ngày anh bỏ túi cả chục cây vàng, tiền tiêu không bao giờ phải nghĩ. Là người có ăn học, có đầu óc, anh đã biết cách tập hợp dưới trướng của mình một đội quân quy tụ cả những tay “anh chị” giang hồ vừa mới đi tù về.
Càng về sau này, vì lợi nhuận quá lớn, bãi vàng càng trở nên phức tạp, việc tranh giành vỉa vàng, đánh chém nhau để cướp vàng diễn ra liên tục, nhưng nhờ đội quân đông đảo và “nhiều thành phần của mình”, nên không một kẻ nào dám động đến băng nhóm của Trần Anh Hưu.
Trần Anh Hưu kể: “Bẵng đi gần 2 năm không gặp nhau, đến một ngày số phận đã sắp đặt cho chúng tôi gặp lại nhau. Không đi vào bãi vàng tìm vàng nữa, nhưng Tuyến lại trở thành người buôn bán hàng hóa qua các bãi vàng. Gặp lại nhau, tôi nhận ra cô ấy ngay và tình cảm cứ thế cứ nảy sinh.
Ban đầu, tôi đối xử với cô ấy như một cô em gái. Ở giữa bãi vàng, những cô thiếu nữ như thế xuất hiện trước mặt cánh đàn ông chẳng khác nào “mỡ để miệng mèo”. Tôi đã chứng kiến nhiều cô gái bị những tay anh chị ở bãi vàng thay nhau làm nhục đến kiệt sức.
Thấy Tuyến đi lại giữa các bãi vàng rất nguy hiểm, phức tạp, một lần tôi bảo: “Em đi buôn bán ở đâu quanh đây thì đi, nhưng đến tối cứ về đây ở với anh. Anh nhận em làm em gái. Những đứa khác sẽ không dám động vào em. Và thế là hàng đêm, cô ấy đều về lán của chúng tôi ở”.
Kể từ ngày đó, nhờ có những lời nói của anh, chị đã coi anh là anh trai và được anh che chở trong những ngày tháng buôn bán xuôi ngược ở bãi vàng.
Một đêm mưa gió, trên đường về bãi vàng, chị nhìn thấy xác chết của mấy phu vàng bị ốm không được ai chôn cất. Về đến nơi, chị đã xin vào nằm cùng lán với anh cho đỡ sợ ma. Đêm hôm đó, anh chị nằm bên nhau như hai người bạn, hoàn toàn không có những đụng chạm da thịt, nhưng cả hai đều không ngủ được.
Đêm hôm đó, cả anh và chị đều nhận ra mình đã thuộc về nhau. Một thời gian ngắn sau, chị dọn về sống cùng anh như vợ chồng, trong cái lán nhỏ được ngăn thành 2 gian, một gian làm buồng ngủ của anh chị, một gian làm nơi anh chỉ đạo, quản lý đám đàn em đang làm việc cho mình ở bãi vàng.
Đó là quãng thời gian “hoàng kim” nhất của cuộc đời anh. Anh sống trên một đống vàng theo đúng nghĩa của từ này và có một người phụ nữ hết mực dịu dàng, yêu thương anh bên cạnh. Nhưng anh bảo, những lúc ấy, anh không biết trân trọng những gì mà mình có.
“Cơn lốc vàng đã ập đến cuộc đời tôi quá nhanh, khiến tôi bị tha hóa. Ngày đó, thuốc phiện được bán rất nhiều ở những vùng miền núi như vùng Lào Cai. Tôi đã chứng kiến rất nhiều đàn em của tôi dính vào ma túy rồi ngày ngày mê say bên chiếc bàn đèn.
Là người được ăn học tử tế, tôi hiểu tác hại của ma túy. Chính tôi đã không ít lần khuyên anh em trong đội mình là phải tránh xa ma túy. Cũng chính tôi đã không ít lần từ chối khi bạn bè, anh em đưa cái tẩu thuốc phiện mời “chơi” một, hai “bi”. Ý thức là thế, mà tôi dính vào ma túy lúc nào không hay.
Một đêm nọ, khi rượu đã ngà say, tôi nằm xuống bên bàn đèn, được một tên đàn em châm cho một “bi” thuốc phiện. Tất cả những ai từng nghiện ma túy đều hiểu sao nó lại cám dỗ như thế. Cái cảm giác lâng lâng, khoái cảm mà nó đem lại còn cám dỗ đàn ông hơn bất cứ thứ cám dỗ nào khác, kể cả đàn bà. Cho đến một ngày, không thể không nằm bên bàn đèn thuốc phiện, tôi mới chấp nhận một sự thật rằng mình đã là một con nghiện.
Ngày ấy, tôi còn mê đánh bạc. Tối nào, tôi cũng sát phạt trên chiếu bạc đến nỗi có hôm mất trắng số toàn bộ số vàng mà mình kiếm được. Cứ mỗi đêm chơi bạc xong, tôi lại quay sang nằm bên bàn đèn hút thuốc phiện. Cuộc đời tôi cứ thế trôi qua và tụt dốc lúc nào không biết”.
Phunutoday