Trong cuộc đời, có rất nhiều thành công bắt đầu từ những sai lầm. Tuy nhiên, có những sai lầm không thể nào chấp nhận được, đó là sự bất cẩn dẫn đến cái chết của con trẻ. Đau đớn hơn, đó lại là sự bất cẩn của những ông bố, bà mẹ dẫn đến cái chết của chính đứa con máu thịt của mình…
Hôm 3/3, vụ việc người cha sơ suất bấm cửa tự động kẹp chết con trai 4 tuổi ngay trước mắt mình đã khiến dư luận rúng động. Cái chết thương tâm, oan uổng của cháu bé một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự bất cẩn của người lơn mà hậu quả là cái chết thương tâm của con trẻ, bởi đây không phải là vụ đầu tiên.
Ngay cuối năm 2011, một trường hợp tương tự cũng đã xảy ra ở Lào Cai, khi người bố hạ cửa cuốn tự động rồi bỏ đó để đi mà không biết đứa con bé bỏng của mình bị kẹp chết.
Cũng vào cuối năm 2011, hôm 3/12, đã xảy ra cái chết thương tâm của một cháu bé ngay tại Hà Nội. Trong lúc mẹ đưa chị gái đi học, cháu Lê Minh Đức (SN 2008, nhà ở chung cư No21, thuộc khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, Hoàng Mai, Hà Nội) không may bị rơi từ tầng 9 xuống lan can tầng 2. Cháu Đức là con thứ hai của gia đình anh Lê Xuân Thái (SN 1963) và chị Trần Thị Hà (SN 1976). Buổi sáng, khi đưa chị gái của Đức đi học, chị Hà đóng cửa sau (cửa ra lan can) nhưng không khóa lại. Lan can của tòa nhà cao khoảng 1,3m (khu vực lan can dùng để phơi quần áo và rửa bát đĩa). Tại đây cũng có một chiếc ghế nhựa xanh nằm ngay sát thành lan can.
Người mẹ này đã vô cùng đau đớn khi bị mất đứa con
do rơi từ tầng 9 xuống trong lúc chị đưa con lớn đi học
Trường hợp cháu bé tử vong do bố mẹ bất cẩn để con ở nhà một mình không có người trông nom không phải là quá hiếm. Hôm 18/11/2010, một cháu bé 4 tuổi đã bị rơi từ tầng 11 của tòa nhà Artex – 172 Ngọc Khánh (phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) xuống ban công tầng hai của tòa nhà này và tử vong trong khi mẹ cháu đang đi chợ.
Ngày 1/8/2007, cháu Đặng Xuân Phúc (cũng 4 tuổi), nhà ở khu bán đảo Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) đã bị rơi từ lan can tầng 11 xuống đất và tử vong. Nguyên nhân là vì trong lúc hoảng sợ khi tỉnh dậy mà không thấy mẹ, bé đã tìm cách mở cửa sổ kính, trèo ra ngoài và rơi xuống.
Không đến nỗi tử vong, nhưng một cháu bé đã bị bỏng đến mức nguy kịch cũng chỉ vì sự bất cẩn của người cha. Ngày 21/1/2010, anh Lê Thanh Hòa (SN 1974, ở tổ 20, KV3, phường Trần Phú, TP Quy Nhơn) đi xe máy chở con ruột là cháu Lê Đại Lợi (3 tuổi). Khi qua cua rẽ vào hẻm được khoảng 30m, anh Hòa đã đâm vào nồi cháo đang nấu trên hè nhà của gia đình anh Lê Văn Hùng (số nhà 249/1 Nguyễn Huệ, thuộc khu vực 3, phường Trần Phú). Cú đâm mạnh làm cháu Lợi ngã xuống, toàn thân cháu bé lọt tỏm vào nồi cháo đang sôi nên bỏng rất nặng.
Trẻ em chưa biết cách để tự bảo vệ mình, do vậy luôn phải ở trong tầm mắt của người lớn. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng làm được như vậy. Đặc biệt là ở nông thôn, rất nhiều trẻ em đã chết đuối do không được người lớn trông nom cẩn thận.
Ngày 7/1/2012, tại thôn Thanh Thủy Chánh thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã xảy ra vụ tại nạn thương tâm làm em Lê Diên Bảo (sinh năm 2006) bị chết do ngạt nước. Vào sáng ngày 07/01, Bảo đi theo bố là Lê Diên Thọ (sinh năm 1971) ra trạm bơm tiêu úng của Hợp tác xã Nông nghiệp Thủy Thanh 2. Vì phải bận thao tác máy, hơn nữa anh Thọ cứ nghĩ Bảo sang nhà bà nội chơi (nhà ông bà nội ở gần trạm bơm) nên cũng không đi tìm.
Đến trưa cùng ngày, khi cả gia đình cùng nỗ lực đi tìm thì phát hiện đôi dép của Bảo nằm trên bờ đê. Linh tính thấy việc chẳng lành, anh Thọ liền lặn xuống đáy đơm cá của trạm bơm thì phát hiện Bảo đã chết.
Gia đình thường là nơi an toàn nhất của trẻ, và bố mẹ chính là những người bảo vệ tốt nhất của con. Tuy nhiên, nếu nhìn vào những vụ việc trên đây thì có thể thấy, nguyên nhân chủ yếu là do cuộc sống quá bận rộn khiến những ông bố bà mẹ không dành đủ thời gian cho con mình. Và, sự vội vã đó đã phải trả một cái giá quá đắt.
Hàng ngày, chúng ta vẫn tiếp tục thấy những người cha chở con phóng quá nhanh trên đường phố;
Nhiều bà mẹ để con ngồi vắt vẻo phía trước xe máy mà không có bất cứ thứ gì níu giữ;
Nhiều bà mẹ bỏ con nhỏ ở nhà để đi chợ, đón con... trong khi các ông bố có thể đang mải mê kiếm tiền, thậm chí đang uống bia.
Còn rất nhiều bậc cha mẹ để con nhỏ tha thẩn chơi một mình gần bờ ao, sông, suối; cạnh đường quốc lộ..
Họ có lẽ không nghĩ rằng, hàng trăm, hàng ngàn nỗi nguy hiểm đang rình rập con mình!
Mất con là nỗi đau lớn nhất của những người làm cha, làm mẹ. Nhưng mất con do lỗi bất cẩn của cha mẹ thì nỗi đau đó sẽ đi theo họ suốt cả cuộc đời. Ở Việt Nam, chưa có tòa án nào xét xử những bậc cha mẹ bất cẩn gây nên cái chết của con, nhưng sự dằn vặt, nỗi ân hận sẽ làm cho cả phần đời còn lại của họ trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Hãy dành đủ thời gian cho con bạn khi chưa quá muộn!
VnMedia