Đáng trách có, đáng thương cũng nhiều. Nhưng có một điểm chung là sau tất cả biến cố cuộc đời, họ mong muốn được trở về và bước tiếp trên một con đường trong sạch.
Tại trại tạm giam, tôi đã gặp Trịnh Thị Liên – một cô gái có dáng người nhỏ nhắn và còn rất trẻ. Với khuôn mặt hiền lành và giọng nói mang vẻ rụt rè nhút nhát của Liên làm cho tôi có phần nào hoài nghi về tội danh “buôn bán phụ nữ” của cô. Qua những lời bộc bạch trong nước mắt, Liên kể cho tôi nghe câu chuyện về tuổi thơ không trọn vẹn của mình. Câu chuyện của Liên là một câu chuyện buồn về cuộc đời của một người con gái với biết bao lo toan từ người mẹ. Cô là con út trong một gia đình có bốn anh em. Cha mất sớm nên từ nhỏ đã thiếu thốn tình yêu thương và sự chở che của người cha. Mọi gánh nặng, toan tính đều dồn hết vào đôi vai của người mẹ hiền lành chất phác làm nghề chạy chợ buôn cá bán rau qua ngày. Ba anh trai khi lớn và trưởng thành lại ham chơi không biết giúp mẹ, thành ra cuộc sống gia đình Liên đã khó khăn lại chất thêm muộn phiền. Liên kể: “Mẹ thương em lắm, chưa bao giờ bắt em làm bất cứ việc gì. Mỗi khi em muốn động tay chân làm việc nhà để giúp mẹ nhưng mẹ đều gạt ra và giành lấy việc. Bây giờ mỗi khi nghĩ về mẹ em lại cảm thấy rất buồn và thương mẹ…”. Nói đến đây tôi cảm thấy được ánh mắt Liên thoảng vẻ buồn bã, cái ánh buồn khiến người khác cũng phải xao lòng, xót xa…
Hành trình ra đi và trở về
Đến tuổi trưởng thành, như bao bạn cùng lứa, Liên cũng muốn được mặc bộ quần áo đúng mốt, cắt một kiểu tóc hợp thời nhưng hoàn cảnh không cho phép Liên được bằng bạn bằng bè. Đôi khi, nhìn bạn bè có quần áo đẹp, có xe đưa xe đón, Liên cũng cảm thấy chạnh lòng và ghen tức với đám bạn và ước ao đến cuộc sống giàu có. Cũng chính vì điều này mà cuộc đời Trịnh Thị Liên bước vào một ngã rẽ lớn, ngã rẽ của sự sai trái và khó có thể cứu vãn. Ngày hôm ấy, Liên được một người phụ nữ quen biết rủ sang Móng Cái chơi và nếu có điều kiện thì sẽ dẫn sang của khẩu Trung Quốc để mua sắm. Bị mờ mắt bởi những cám dỗ và lời ngon tiếng ngọt đó, Liên đã đồng ý và còn dẫn thêm của hai cô bạn của cô đi theo. Do còn trẻ, kinh nghiệm sống còn chưa có lại không hiểu sự đời nên Liên đã vô tình bị giật dây và trở thành tòng phạm của những kẻ buôn bán người. Điều không may hơn cả, trong lần đó chính bản thân cô cũng trở thành món hàng của bọn chúng.
May mắn thay, ba tháng sau cô trốn thoát được nơi giam giữ và tìm đường trở về Việt Nam. Không tiền, không kiến thức, Liên sống vạ vật trên đất bạn, làm thêm đủ nghề để kiếm sống. Lại một lần nữa may mắn mỉm cười khi có một người quý mến và tìm cách giúp cô trở về quê hương nhưng cũng lại một lần nữa sự non dại, thiếu hiểu biết đã khiến Liên mắc nạn từ đây. Ngày trở về nước, Liên sợ hãi vô cũng. Nghĩ về những chuyện đã xảy ra với mình và các bạn, cô không dám trở về nhà, càng không dám đến công an trình báo về sự việc. Thế rồi, trên mảnh đất xa xôi hẻo lánh này, cô đã quen và yêu một chàng trai rồi sau đó bắt đầu sống cuộc sống vợ chồng.
Có thể nói cuộc đời cô gái sinh năm 1989 này là những chuỗi bất hạnh triền miên. Những tưởng có thể sống cuộc sống trốn tránh trách nhiệm với pháp luật, gia đình và sống hạnh phúc cùng người mình yêu nhưng đôi khi hiện thực không được tốt như người ta hằng mong ước. Năm 2006, chồng của Liên bị bắt vì tội buôn bán thuốc lắc và bị phạt hai năm tù giam. Trong khi đó, đứa con trong bụng Liên cũng đã được bốn tháng. Hoang mang, mất phương hướng và không còn chỗ dựa, Liên như cây cỏ hoang bên lề cuộc sống này, cô buông xuôi tất cả phó mặc cho cuộc sống.
Nói về hai cô bạn bị Liên rủ đi chơi cùng và bị bán sang Trung Quốc, khi trở về họ đã làm đơn tố cáo và Liên chính là người đầu tiên nằm trong diện nghi vấn.
Ngày 18-9-2006, Liên bị bắt với tội danh “buôn bán phụ nữ” nhưng vì đang mang thai nên được hoãn thi hành án. Cuối năm 2007, Liên sinh một bé gái kháu khỉnh bụ bẫm. Chính lúc này đây Liên mới thấm thía hết được tội lỗi của mình, mới cảm nhận rõ nét nhất về những ngày quá khứ tuy không no đủ vật chất nhưng giàu có yêu thương. Liên bảo tôi: “Đến khi làm mẹ rồi em mới thấm thía được nỗi khổ mà mẹ em đã trải qua. Những ngày sống xa nhà em nhớ mẹ vô cùng, nhớ vòng tay ấm, nhớ chỗ dựa tình thương mà em đã từng rũ bỏ không chút mảy may”.
Những cái Tết lạnh…
Rồi lại thêm những cái Tết qua đi, Tết 2008, 2009. Vẫn chỉ có hai mẹ con đón tết cùng nhau. Liên kể với tôi trong nước mắt “Ở trọ, nên Tết đến em cũng chẳng cúng bái, tiền không có nên chẳng thể mua cho con được bộ quần áo đẹp. Lắm khi con đói vì thiếu sữa, vì đói mà không biết làm gì, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau mà khóc”. Có lẽ giờ này Liên mới biết trân trọng những giây phút bên gia đình, biết quý trọng tấm lòng của mẹ cô, dù nhà có nghèo nhưng những cái tết trong tiềm thức tuổi thơ của Liên vẫn có miếng bánh chưng mẹ gói, vẫn có cây đào, cây quất để không khí tết thêm tăng phần ấm cúng.
Càng nghĩ về mẹ, Liên càng thương đứa con nhỏ dại vì sự lầm lỗi của mình mà thiếu thốn đủ mọi tình cảm. Không có tình yêu của bố cũng chẳng có tình thương nhà ngoại và càng không mơ đến tình thân của họ hàng bên nội.
Cô gái ấy tâm sự rằng mỗi lần đi qua trường mầm non, thấy các bé được đến trường học hành, vui chơi thì lòng mình đau quặn thắt. Và mỗi khi đi qua hàng quần áo trẻ con, nhìn thấy bộ quần áo trẻ con đáng yêu lắm mà không thể mua cho đứa con gái nhỏ, mỗi khi ấy, nước mắt lại rơi. Hối hận lắm, trách bản thân lắm nhưng với một cô gái trẻ không kiến thức, không kinh nghiệm lại mang một bản án mười năm treo lơ lửng trên đầu thì biết phải làm gì?
Liên lo lắng lắm cho tương lai đứa con gái bé bỏng, liệu sau này bé có được đến trường, bé có được đối xử bình thường như bao bạn bè cùng lứa, bé có giận mẹ vì sinh ra bé mà không thể cho bé một cuộc sống bình lặng. 22 tuổi – cái tuổi đã trưởng thành đã chín hơn về suy nghĩ và nhận thức, đã là một bà mẹ đơn thân chịu bao cay đắng ở đời. Có lẽ lúc này, sau những va vấp của tuổi trẻ, Liên đã dần nhận ra cái giá cho sự nông nổi và khờ khạo. Gía như ngày ấy Liên đừng ham muốn bằng bạn bằng bè, đừng vì cuộc sống nghèo khó mà muốn đổi đời bằng mọi giá thì có lẽ giờ này cô đã không phải ngồi đây với một nỗi nhớ thương con đong đầy và nỗi ân hận khôn cùng cho người mẹ tảo tần.
… Và ngày tháng trong buồng giam
Ngày 17-9-2010. Sau khi con gái đã được 36 tháng tuổi, Liên quay lại trại giam để thi hành án với mức án 10 năm giam giữ. Liên nhớ lại lúc tòa tuyên án: “Em lặng người đi, mơ hồ như mình không còn cảm nhận được gì rồi khi thẩm phán hỏi em mới giật mình bừng tỉnh. Em khóc như mưa. Bao nhiêu câu hỏi dồn dập trong đầu. Mười năm, con gái em sẽ sống ra sao, mẹ em sẽ sống ra sao? Mẹ em đã già rồi giờ phải cưu mang thêm đứa cháu nhỏ. Con em sẽ lớn lên như thế nào? Cháu đã thiếu đi tình thương của cha, giờ lại phải sống xa tình yêu của mẹ”. Nghe Liên kể tự nhiên tôi cảm thấy chạnh lòng, dù không được tận mắt chứng kiến nhưng trong tưởng tượng của mình, tôi thấy được hình ảnh bà mẹ già ngồi bên hàng ghế dành cho người thân, một tay ôm cháu, một tay lau nước mắt làm con tim tôi thắt lại. 10 năm – cả một quãng tuổi xuân của người con gái phải chôn vùi sau song sắt vững chãi và bốn bức tường của nhà tù.
Bây giờ, mỗi tháng mẹ Liên đều đến thăm cô một lần, lúc mang cho gói kẹo, khi mang hộp bánh an ủi động viên con gái. Thương thay cho người đàn bà tảo tần cả đời lo cho bốn đứa con, khi về già lại cưu mang thêm đứa cháu nhỏ. Khi được hỏi về bố của đứa nhỏ và họ hàng bên nội của cháu. Liên bảo không muốn tìm họ. Nếu bố cháu bé còn thương cháu thì sẽ quay lại tìm cháu thôi. Tôi biết Liên nói thế nhưng kì thực trong ánh mắt của cô, tôi đọc được cái mong mỏi da diết việc có một gia đình trọn vẹn. Để đứa trẻ đáng thương kia có một người để gọi là cha, chứ không mất mát như cô. Liên tâm sự với tôi về ước mơ mới của mình, không phải sung sướng, giàu sang mà chỉ là có một công việc tốt khi ra trại để có thể kiếm tiền nuôi con và đỡ đần mẹ già. 10 năm có quá dài không cho cái ước mơ mãnh liệt của một người con gái trẻ lầm đường lạc lối quay trở về với cuộc sống này? Nhưng tôi tin tưởng rằng, vì đứa con nhỏ và người mẹ già đang mòn mỏi chờ đợi, Liên có thể làm được điều đó.
Cảnh Sát Toàn Cầu