Cách đây không lâu, ở Mỹ có một nam thanh niên mỗi ngày lên mạng than phiền cuộc sống, đăng bài xin người khác giúp đỡ cứu trợ cho cuộc sống của anh ta. Cuối cùng, anh ta phát hiện rằng thực sự có người cho anh ta tiền thật, từ đó về sau anh ta dựa vào cách này có được thu nhập hàng tháng lên tới hơn 6.000 USD (khoảng hơn 140 triệu VND). Hành vi này của anh ta được gọi là ăn mày trên mạng.
Anh chàng ăn xin nổi tiếng trên mạng tại Mỹ.
Nhắc tới ăn xin, thì chúng ta có thể nghĩ ngay tới Bang chủ Cái Bang nổi tiếng trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung - Hồng Thất Công. Đây có lẽ cũng là người ăn xin nổi tiếng nhất trong cuộc sống của chúng ta. Vậy thì trong lịch sử Trung Quốc còn có những người ăn xin nổi tiếng nào nữa không? Họ đã làm những chuyện gì khiến mọi người thấy khó tin đây?
Người ăn xin làm hoàng đế mở ra triều đại nhà Minh
Những người có hiểu biết về thời nhà Minh thì chắc đều biết điểm khác biệt lớn nhất giữa hoàng đế lập ra triều Minh với các hoàng đế lập ra các triều đại khác của Trung Quốc đó chính là Chu Nguyên Chương thực sự đã từng bước từng bước đi từ tầng lớp nông dân thấp kém lên tới ngai vị Hoàng đế. Chu Nguyên Chương hồi nhỏ gia đình vô cùng nghèo khổ, sau đó ông đi làm hòa thượng. Trong thời gian làm hòa thượng có xảy ra nạn đói, những hòa thượng trong chùa đều bỏ chạy vì đói. Cuối cùng Chu Nguyên Chương khi ấy mới 17 tuổi đành phải đi làm ăn xin.
Chu Nguyên Chương làm ăn xin 3 năm, đi từ Bắc vào Nam, cũng vì thế mà ông hiểu được rất nhiều câu chuyện trong nhân gian, từ đó trưởng thành lên rất nhiều. Cho đến khi gặp được quân khởi nghĩa, gia nhập đội ngũ quân khởi nghĩa, Chu Nguyên Chương mới chính thức kết thúc cuộc sống ăn xin, từng bước tiến lên ngôi Hoàng đế.
Ăn xin hoang đường nhất
Trong thời kỳ Nam Bắc triều, Bắc Tề có một vị hoàng đế nổi tiếng tên là Cao Vỹ, ông là vị vua thứ 5 của Bắc Tề. Ông nổi tiếng không phải vì ông ta hiền đức bao nhiêu mà là vì ông ta hồ đồ, ngu ngốc. Vậy rốt cuộc thì ông ta ngu ngốc đến mức nào?
Khi ấy Bắc Tề có một khu cung uyển hoàng gia gọi là Hoa Lâm Viên, Cao Vỹ lại có một sở thích đặc biệt, đó chính là đóng giả làm ăn mày. Thế nên ông ta hạ lệnh cho các thợ mộc xây dựng một “thôn bần dân” (thôn của người nghèo) trong khu cung uyển hoàng gia này, bản thân mình ăn mặc những bộ quần áo rách rưới để vào trong đó làm ăn mày, còn làm cả chợ cho người nghèo, bản thân tới đó làm giao dịch. Có thể nói, đây chính là ăn mày hoang đường nhất trong lịch sử.
Ăn xin giỏi đánh nhau nhất
Chúng ta đều biết Hồng Thất Công dưới ngòi bút của Kim Dung chỉ là một nhân vật hư cấu nhưng người ăn xin Tô Xán lại thực sự tồn tại. Tuy không có chính sử ghi chép lại những việc liên quan đến sự tích của Tô Xán vẫn có một số ít tài liệu chứng thực Trung Quốc cận đại quả thực có sự tồn tại của người tên Tô Xán này.
Vì coi nhẹ danh lợi, lại cùng với một số những nhân tố hoàn cảnh môi trường xã hội trong thời điểm đó, Tô Xán đã đi làm ăn xin. Môn võ túy quyền của ông quả thực vô cùng lợi hại, ông cùng với những người như Hoàng Phi Hồng khi ấy còn được mệnh danh là “Quảng Đông Thập Hổ”. Đồng thời ông cũng là bang chủ cái bang đời thứ 52, là một người ăn xin được nhiều người vô cùng tôn kính khi ấy.
Ông tổ của nghề ăn xin
Trong thời Xuân Thu Chiến Quốc, ở nước Sở có một nhân vật nổi tiếng tên là Ngũ Tử Tư, sau này vì tranh đấu chính trị, cha ông và anh cả của ông đều bị Sở Bình Vương giết hại. Để tránh khỏi bị giết hại, Ngũ Tử Tư đã trốn khỏi nước Sở tới nước Ngô, vì trắng tay, trong người không có một hào một cắc, mang theo bên mình chỉ có một cây tiêu dài, ông đứng ở lề đường diễn tấu thổi tiêu mãi nghệ ăn xin sống qua ngày.
Sau này, Ngũ Tử Tư gặp được công tử nước Ngô, nhận được sự tán thưởng, Ngũ Tử Tư cũng dần dần từng bước trở thành đại phu của nước Ngô, tự mình đem quân đánh bại nước Sở. Sau này, giới ăn xin ở Tô Châu nước Ngô coi Ngũ Tử Tư là ông tổ nghề ăn xin, Ngũ Tử Tư cũng trở thành “nhóm trưởng” nhóm ăn xin đời đầu trong lịch sử.
“Ăn xin” suýt chút nữa đoạt giải Nobel
Nói ông ăn xin không phải vì ông thực sự là ăn xin, mà là vì ông từng làm “ăn xin” một lần. Tháng 10 năm 1937, người Nhật tấn công vào Thanh Hoa Viên, ông và Lương Tư Thành mạo hiểm tính mạng trở về Thanh Hoa Viên, ôm một vò dưa muối trong đó ra nhưng thực ra trong vò đó chứa đựng 50mg thuốc nổ mang tính thí nghiệm. Cho tới nay, loại thuốc nổ này đã bị thế giới cấm vận chuyển buôn bán, có thể thấy tính quan trọng của nó.
Sau đó, ông đóng giả là ăn mày, khi ấy ông đã 35 tuổi, ôm chiếc vò từ Bắc Kinh đi tới Trường Sa (Hồ Nam, Trung Quốc), đi ròng rã hơn 1 tháng trời. Tới cửa sau của trường đại học Thanh Hoa Trường Sa. Hiệu trưởng Mai Di Kỳ phát hiện tên ăn mày rách rưới này thực ra là cha đẻ của ngành năng lượng nguyên tử của Trung Quốc, nhà vật lý đầu tiên trên thế giới phát hiện ra phản vật chất - Giáo sư Triệu Trung Nghiêu.
Triệu Trung Nghiêu là sư phụ của không ít các bậc thầy của Trung Quốc, rất nhiều những nhân tài ngành hạt nhân nguyên tử nổi tiếng như Tiền Tam Cường đều là học trò của ông. Năm 1930, Triệu Trung Nghiêu trở thành người đầu tiên trong lịch sử quan sát thấy điện tích dương, sau này ông lại là là người đầu tiên phát hiện ra phản vật chất. Thành tựu của ông đủ để đoạt được giải Nobel. Thế nhưng, điều khiến người ta phải thất vọng là giải Nobel Vật Lý năm 1936 trao cho Anderson - người phát hiện ra muộn hơn Triệu Trung Nghiêu 2 năm.
Ăn xin duy nhất được lịch sử ghi chép nghề nghiệp
Võ Huấn là một người ăn xin nổi tiếng của Trung Quốc, được mệnh danh là “Kỳ cái thiên cổ” (ăn xin hiếm có nhất trên đời). Nghề nghiệp của ông ta là ăn xin nhưng ông cũng là người tiên phong trong việc dạy học cho quần chúng trong thời Trung Quốc cận đại, là nhà giáo và nhà từ thiện nổi tiếng. Ông làm ăn xin 38 năm, lập nên 3 ngôi trường, giúp đỡ hỗ trợ vô số những trẻ em nhà nghèo có cơ hội được đến trường. Khi ông qua đời được hàng vạn người đưa tiễn, cũng là người ăn xin duy nhất thực sự được ghi chép trong lịch sử Trung Quốc.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)