Là một người đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong môi trường doanh nghiệp, từng đi lên từ vị trí nhân viên cho đến cấp quản lý và hiện là một nhà lãnh đạo, tôi muốn chia sẻ 5 quy tắc ngầm nơi công sở, bạn càng hiểu sớm bạn càng có lợi thế:
Quan hệ với sếp quan trọng hơn cả năng lực
Chúng ta thường nghe câu: “Có năng lực thì đi đâu cũng sống được”. Câu nói này đúng nhưng chưa đủ. Nó chỉ đảm bảo rằng bạn "có cơm ăn", chứ không đảm bảo bạn "ăn no" hay "ăn ngon".
Hãy học cách làm việc hài hòa với cấp trên, tối thiểu là giữ mối quan hệ tích cực
Trong môi trường làm việc, số người tài năng rất nhiều. Nếu bạn không phải là người giỏi vượt trội, thì khả năng bạn được trọng dụng lại phụ thuộc rất lớn vào mối quan hệ với cấp trên. Một người có năng lực trung bình nhưng được sếp tin tưởng, có thể dễ dàng được trao cơ hội hơn người giỏi mà không biết cách giao tiếp, xây dựng quan hệ.
Giải pháp: Hãy học cách làm việc hài hòa với cấp trên, tối thiểu là giữ mối quan hệ tích cực, đừng tự biến mình thành “cái gai” trong mắt lãnh đạo.
Cơ hội là để giành lấy, không phải để chờ đợi
Rất nhiều người ôm quan điểm, cứ làm tốt việc của mình, rồi cơ hội sẽ tự đến. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, cơ hội luôn dành cho người biết chủ động nắm bắt.
Tôi từng bị mất cơ hội làm trưởng nhóm dù hiệu quả công việc thuộc top đầu, chỉ vì một người khác đã chủ động đề xuất với sếp. Từ đó ông nhận ra: “Người không tranh, không phải người cao thượng, mà là người dễ bị thay thế nhất”.
Giải pháp: Nếu thấy cơ hội, hãy giơ tay! Đừng sợ mất mặt, vì kẻ dám bước ra khỏi vùng an toàn mới là người có khả năng tiến xa.
Làm tốt chưa đủ, phải biết báo cáo tốt
Một sai lầm phổ biến ở nhân viên là chăm chỉ làm việc nhưng lại không báo cáo kịp thời, không chia sẻ kết quả với cấp trên. Trong khi đó, những người biết “báo công” – dù chỉ làm một phần việc – lại dễ được sếp nhớ mặt, trọng dụng.
Lý do rất đơn giản, lãnh đạo không thể nhớ hết ai đang làm gì nếu bạn không chủ động thông tin.
Giải pháp: Hãy học cách báo cáo một cách chuyên nghiệp, ngắn gọn, rõ ràng, đúng trọng tâm. Báo cáo không phải để khoe khoang mà để giúp sếp nắm bắt tình hình, hiểu được sự đóng góp của bạn.
Cách bạn đối xử với sếp quyết định cách sếp đối xử với bạn
Nhiều người hay than phiền rằng sếp lạnh lùng, xa cách. Nhưng nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy: chính họ cũng thường né tránh sếp, ngại tiếp xúc, giao tiếp không chủ động, không thân thiện.
Trong tâm lý học có khái niệm “lời tiên tri tự hoàn thành” - nghĩa là nếu bạn nghĩ ai đó không thích mình, bạn sẽ cư xử lạnh nhạt với họ, và họ cũng dần không thích bạn thật.
Giải pháp: Hãy chủ động chào hỏi, giao tiếp, lắng nghe và phối hợp với cấp trên một cách tích cực. Bạn không cần nịnh bợ, chỉ cần biết cách thể hiện sự tôn trọng và tinh thần hợp tác.
Khi không biết làm, đừng ngại hỏi sếp
Một trong những biểu hiện thường thấy ở nhân viên trẻ là ngại hỏi, ngại báo cáo vấn đề vì sợ bị đánh giá kém. Nhưng hãy nhớ rằng: sếp không mong bạn hoàn hảo, sếp chỉ cần bạn không giấu dốt.
Thực tế, nếu bạn vướng mắc mà không hỏi, để đến khi sự việc nghiêm trọng mới trình bày thì thường đã quá muộn. Trong khi đó, nếu bạn chủ động xin ý kiến ngay từ đầu, sếp sẽ hiểu rằng bạn cầu tiến và có tinh thần trách nhiệm.
Ngoài ra, việc xin ý kiến còn giúp bạn học hỏi nhanh hơn và tiếp cận với kinh nghiệm, nguồn lực mà chỉ lãnh đạo mới có.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)