Chẳng hạn như Vương Mãng từng buộc ba đứa con trai của mình phải chết, Thạch Hổ trước sau giết chết hai đứa con của mình, tới Võ Tắc Thiên cũng sát hại tới hai người con trai do mình sinh ra, Lý Long Cơ - ông vua nổi tiếng đa tình - chỉ trong một ngày ra lệnh giết chết ba người con trai,…
Nguyên nhân giết con thì cũng nhiều, có trường hợp là vì “đại nghĩa mà diệt thân”, lại có trường hợp vì tức giận mà trở nên tàn nhẫn, cũng người vì đoạt quyền mà không từ thủ đoạn, cũng có người nghe lời phỉnh nịnh, bị lừa mà giết nhầm con của mình,… Song, nhìn chung, những vị Hoàng đế giết con thường lâm vào tình cảnh bất đắc dĩ. Tuy nhiên, với Hán Thành Đế Lưu Ngạo thì hoàn toàn khác.
Ông ta giết chết đứa con trai của mình hoàn toàn không phải vì nó phạm sai lầm gì, cũng chẳng phải vì nó mưu phản mà là vì muốn làm đẹp lòng mỹ nhân mà ông ta đang si mê. Điều đáng ghê sợ nhất là đứa con mà ông ta nhẫn tâm giết chết chỉ là một đứa trẻ còn nằm nôi…
Người ta nói rằng, giống rồng thì lại thường sinh ra bọ chó. Trường hợp này hoàn toàn đúng với Lưu Ngạo. Dưới thời ông của Lưu Ngạo là Hán Tuyên Đế trị vì, quốc thái dân an, trăm họ được sống trong cảnh thái bình khiến nền chính trị của triều Hán được phục hưng kể từ sau thời Hán Vũ Đế. Sử gia gọi đây là thời Trung Hưng của nhà Hán. Sử gia nổi tiếng của Trung Quốc là Ban Cố đánh giá rất cao Hán Tuyên Đế, coi ông là một trong số không nhiều các vị minh quân của triều Hán. Tuy nhiên, chỉ vài chục năm sau đó, tới thời đứa cháu đích tôn của vị minh quân này lên ngôi, thì nền chính trị nhà Hán lại một lần nữa rơi vào cảnh lụi tàn.
Hán Thành Đế
Lưu Ngạo sinh năm 51 trước Công nguyên, là con trai trưởng của Hán Nguyên Đế, cháu đích tôn của Hán Tuyên Đế. Khi Hán Tuyên Đế nghe tin đứa cháu đích tôn này được sinh ra, vô cùng vui mừng, không chỉ thường xuyên ở bên chăm sóc, vui đùa mà còn tự mình đặt tên cho là Lưu Ngạo, tự là Thái Tôn. Chữ Ngạo trong tiếng Hán nghĩa là con tuấn mã có thể đi ngàn dặm, còn Thái Tôn nghĩa là người kế thừa của thái tử. Từ cách đặt tên của Hán Tuyên Đế cho Lưu Ngạo, có thể thấy ông ta kỳ vọng rất nhiều vào đứa cháu đích tôn của mình.
Khi còn nhỏ, Lưu Ngạo dường như không làm người ông nội của mình thất vọng. Ngạo thích đọc kinh thư, biết nhiều và rất khiêm tốn, cẩn thận. Tuy nhiên, Ngạo lớn lên, Hán Tuyên Đế đã mất thì Ngạo bỗng dưng biến chất, trở nên thích rượu chè, gái đẹp và những trò hưởng lạc. Cha của Ngạo là Nguyên Đế cảm thấy Ngạo không thể đảm đương trọng trách là người kế thừa ngôi báu được, nhiều lần muốn phế bỏ ngôi thái tử của Ngạo.
Tuy nhiên, vì nhiều quan lại nói tốt cho Ngạo, lại thêm Ngạo là thái tử đã được Tuyên Đế lựa chọn nên Nguyên Đế lại từ bỏ ý định. Tới năm Canh Nguyên thứ nhất, tức năm 33 trước Công nguyên, Hán Nguyên Đế mắc bệnh qua đời, Lưu Ngạo trở thành người kế vị, lên ngôi Hoàng đế, sử gọi là Hán Thành Đế.
Dưới thời trị vì của Hán Thành Đế, nhà Tây Hán lâm vào tình cảnh khủng hoảng và thoái trào. Bên trong thì triều thần kết bè, kết đảng đấu đá lẫn nhau, bên ngoài thì nông dân đói khổ, các cuộc khởi nghĩa nông dân nổi lên ở khắp nơi.
Trong khi đó, Hán Thành Đế Lưu Ngạo lại là một người hoàn toàn không có chí lớn, không có tài năng lãnh đạo, lại thêm lối sống thích hưởng lạc, dâm loạn và xa hoa cùng cực càng khiến đất nước thêm rối loạn, nhân dân thêm thống khổ.
Khi còn là thái tử, Lưu Ngạo đã là kẻ ham mê tửu sắc, hoang dâm vô đạo, tới khi tức vị lên ngôi càng như vậy. Để thỏa mãn sự xa hoa của mình, Hán Thành Đế bất chấp đời sống nhân dân đói khổ, liên tục xây dựng các công trình, cung điện phục vụ cho những cuộc ăn chơi hưởng lạc.
Chưa hết, Hán Thành Đế còn không thương xót chuyện ly tán người thân trong thiên hạ, ra lệnh bắt bằng đủ 3.000 mỹ nữ đưa vào hậu cung để phục vụ mình. Sống giữa hàng ngàn mỹ nữ, Hán Thành Đế sinh ra tật “có mới nới cũ”. Hứa hoàng hậu tuổi cao, nhan sắc kém đi, lập tức bị Hán Thành Đế thải loại. Sự sủng ái của ông vua dâm loạn được chuyển sang Ban Tiệp dư. Nhan sắc của họ Ban có một chút kém đi, Hán Thành Đế lập tức chuyển sự chú ý sang cô thị nữ của Ban Tiệp dư là Lý Bình.
Mọi chuyện bắt đầu khi chị em Triệu Phi Yến xuất hiện. Sự xuất hiện của cặp chị em nổi tiếng này khiến 3.000 cung nữ trong hậu cung hoàn toàn bị Hán Thành Đế bỏ rơi. Triệu Phi Yến là một trong những mỹ nữ nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Khi Hán Thành Đế “vi hành”, thấy họ Triệu xinh đẹp thì lập tức cho triệu vào cung phục vụ. Sau khi Triệu Phi Yến vào cung, do xuất thân nghèo hèn nên không được các phi tần khác coi trọng. Để tìm kiếm đồng minh, Triệu Phi Yến bèn tiến cử với Hán Thành Đế người em gái xinh đẹp không kém của mình là Triệu Hợp Đức. Có trong tay cả hai chị em, cô nào cũng xinh đẹp, khiến ông vua hoang dâm chẳng còn màng gì tới các vị phi tần khác nữa.
Sau đó ít lâu, Hán Thành Đế quyết định nghe theo lời của chị em họ Triệu, phế ngôi của Hứa Hoàng hậu, lập Triệu Phi Yến lên làm Hoàng hậu, Triệu Hợp Đức cũng được phong làm Tiệp dư, chỉ đứng dưới người chị gái của mình. Một thời gian sau, chị em Triệu Hợp Đức hoàn toàn khống chế toàn bộ hậu cung, không còn bất cứ phi tần nào dám chống lại chị em họ Triệu nữa.
Để làm vui lòng hai chị em họ Triệu, Hán Thành Đế cho xây dựng hai tòa cung điện nguy nga tráng lệ dành riêng cho hai người. Cung điện xây dựng xong, Hán Thành Đế cả ngày vùi đầu trong những cuộc hưởng lạc, vui chơi bên hai người đẹp, không còn màng gì tới chuyện chính sự nữa.
Để bày tỏ sự sủng ái của mình dành cho hai chị em họ Triệu, Hán Thành Đế thề sẽ thực hiện hai lời hứa: Một là sẽ không bao giờ sủng hạnh những người phụ nữ khác ngoài chị em họ Triệu. Hai là tương lai sẽ phong cho con trai do hai chị em họ Triệu sinh ra làm thái tử. Tuy nhiên, vào cung đã nhiều năm, song hai chị em họ Triệu vẫn không sinh được con. Điều này khiến một ông vua hoang dâm như Hán Thành Đế cũng phải lo lắng. Hán Thành Đế từng có hai người con trai do Hứa Hoàng hậu và Ban Tiệp dư sinh ra. Đáng tiếc là cả hai người con này đều đã chết khi còn rất nhỏ.
Triệu Phi Yến
Việc không có con nối dõi là một trong những tội bất hiếu lớn nhất của người đàn ông phong kiến, với các Hoàng đế, điều này càng trở nên nghiêm trọng. Vì vậy, để đảm bảo có con nối dõi, Hán Thành Đế đã phụ lời hứa với hai chị em họ Triệu, vụng trộm sủng hạnh một phi tần khác.
Trong số những người được Hán Thành Đế sủng hạnh một cách vụng trộm, có một người may mắn mang thai và sinh con. Để bảo vệ ngôi Hoàng hậu của mình và bảo toàn lợi ích của hai chị em, chị em họ Triệu không từ thủ đoạn, khống chế hậu cung, tiêu diệt các đối thủ.
Tới năm Nguyên Đình thứ nhất, năm 12 trước Công nguyên, một phi tần họ Tào sinh cho Hán Thành Đế một đứa con trai. Sau khi sự tình bị tiết lộ, Triệu Hợp Đức lập tức phái người hạ độc giết chết Tào thị. Để giết người diệt khẩu, Triệu Hợp Đức còn hạ lệnh nhốt 5 người hầu gái của họ Tào vào ngục tối, rồi ngấm ngầm giết chết. Tiếp đó, đứa con được Tào thị sinh ra mới mười mấy ngày bị Triệu Hợp Đức phái người tới bế đi, cuối cùng không ai biết tông tích ở đâu. Hán Thành Đế biết chuyện này nổi giận đùng đùng, tuy nhiên, lại sợ chị em Triệu Phi Yến và Triệu Hợp Đức nên chỉ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Song, mọi chuyện chưa dừng lại ở đó.
Một năm sau đó, Hán Thành Đế lại “vụng trộm” sủng hạnh một phi tần khác là Hứa thị. Tới tháng 11, Hứa thị sinh ra một đứa con trai. Hán Thành Đế sợ mọi chuyện lại bị lộ, tới tai chị em họ Triệu thì sẽ phiền phức nên chỉ phái vài ngự y tới chăm sóc riêng cho Hứa thị. Cuối cùng, tới năm 41 tuổi, Hán Thành Đế cũng có được một đứa con trai.
Tuy nhiên, trong lúc vui mừng quá đà, Hán Thành Đế lại đem chuyện có con trai ra nói với Triệu Hợp Đức. Triệu Hợp Đức biết chuyện, lập tức khóc lóc nói với Hán Thành Đế rằng: “Lần nào hoàng thượng cũng nói là từ chỗ Triệu Phi Yến tới, vậy làm sao Hứa thị lại có con được? Lẽ nào hoàng thượng muốn họ Hứa làm hoàng hậu”.
Tiếp đó, Triệu Hợp Đức dọa sẽ bỏ về quê để đe dọa Hán Thành Đế. Một là khóc, hai là làm loạn lên, ba là tự sát, bốn là đòi chia tay. Đó là bốn thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm của phụ nữ đã được Triệu Hợp Đức vận dụng tới mức “lâm li bi đát”. Hán Thành Đế cuối cùng phải thề trước mặt Triệu Hợp Đức sẽ giữ lời hứa, không lập họ Hứa làm Hoàng hậu, để thiên hạ không có ai đứng trên họ Triệu.
Tiếp đó, để thể hiện mình là người biết giữ lời hứa, Hán Thành Đế tự tay viết một bức thư gửi cho Hứa thị. Nhìn thấy bức thư do chính tay Hoàng đế viết, Hứa thị trao đứa con trai mới sinh cho sứ giả. Khi đứa trẻ được bế vào trong cung, Hán Thành Đế ra lệnh cho mọi người lui hết ra ngoài, chỉ còn lại mình mình và Triệu Hợp Đức. Tới khi cửa được mở ra, mọi người bước vào thì đứa trẻ đã chết.
Sử sách không hề nói rõ, đứa trẻ vì sao mà chết. Tuy nhiên, theo thói thường, đàn ông sau khi hứa, bao giờ cũng thể hiện bằng hành động. Vì vậy, có thể suy ra, đứa trẻ bất hạnh này đã bị chính Hán Thành Đế nhẫn tâm giết chết để làm vừa lòng Triệu Hợp Đức.
Hán Thành Đế tàn nhẫn tới mức giết chết cả con trai do mình sinh ra, mục đích chỉ là muốn làm vui lòng chị em họ Triệu, thỏa mãn nhục dục của mình. Hai năm mất liên tiếp hai đứa con trai, lại thêm bị chị em họ Triệu giám sát một cách chặt chẽ, Hán Thành Đế cuối cùng phải chịu cảnh tuyệt tự và phải lập một người cháu lên ngôi thái tử.
Tới năm 7 trước Công nguyên, Hán Thành Đế chết trong một lần dâm dục quá độ với mỹ nhân Triệu Hợp Đức. Vị Hoàng đế từng được kỳ vọng sẽ là một con tuấn mã ngàn dặm không biết mỏi mệt, cho đến cuối đời, lại trở thành một kẻ hôn quân số một trong lịch sử Trung Quốc.
Đời sống pháp luật