Thậm chí, đã có thời điểm, sinh nở không còn là niềm hạnh phúc mà trở thành ác mộng của người phụ nữ. Hãy cùng khám phá những điều thú vị về những chuyến "vượt cạn" của phụ nữ qua từng giai đoạn lịch sử trong bài viết dưới đây.
1. Thời cổ đại
Ai Cập cổ đại (12.000 TCN - 332 TCN) là nền văn hóa nhận thức sớm và khá đầy đủ về quá trình mang thai của con người. Từ rất sớm, người Ai Cập đã đúc rút kinh nghiệm về chuyện sinh nở: phụ nữ hông nở và ngực lớn sẽ dễ dàng sinh con hơn so với những người khác.
Để giúp phụ nữ sinh nở thuận lợi hơn, họ thậm chí còn phát minh ra thức uống bí ẩn hoặc dùng hỗn hợp bột nghệ và bia chà xát trên bụng người mẹ làm tăng nhu động ruột.
Hình ảnh cổ xưa mô tả cảnh sinh con của người Ai Cập xưa
Tuy nhiên, người Ai Cập không có khái niệm về các nữ hộ sinh. Chuyện đỡ đẻ đơn giản được giao cho những phụ nữ là người thân hay bạn bè có kinh nghiệm của người mẹ. Khi sinh con, phụ nữ Ai Cập phải ngồi xổm hoặc quỳ trực tiếp trên mặt đất.
Tái hiện cảnh sinh con của người Ai Cập xưa
Vào thời đó, không hề có thuốc sát trùng hay giảm đau cho người phụ nữ như ngày nay. Để tránh bệnh tật cho con, người Ai Cập thường lấy máu của người mẹ khi sinh để xát lên người em bé sơ sinh. Với người mẹ, họ thường lấy nước sông Nile để cọ vào lưng và ăn thịt một con chuột vì cho rằng điều đó sẽ giúp mẹ có nhiều sữa cho con.
Ở thời gian này, phương pháp đỡ đẻ của người phương Tây cũng có nhiều điểm tương đồng với người Ai Cập. Tuy nhiên, họ cẩn thận và tỉ mỉ hơn trong cách chăm sóc người mẹ và em bé sơ sinh.
Hình mô tả cảnh sinh nở của phụ nữ La Mã xưa
Nhà văn người La Mã - Soranus đã mô tả quá trình đỡ đẻ vào thế kỷ thứ 2 như sau: "Phụ nữ mang thai cũng sinh con trong tư thế ngồi xổm trên một chiếc ghế có lỗ hình chữ U.
Một số dụng cụ cần chuẩn bị là dầu ô-liu, nước ấm, bọt biển, chăn len, tã lót, gối… Ngay sau khi ra đời, em bé được các nữ hộ sinh tắm bằng muối, rượu pha loãng trong nước ấm và bôi dầu ô-liu lên da để bảo vệ da".
2. Thời trung đại
Thời kỳ trung đại đánh dấu sự thống trị của chế độ phong kiến tại xã hội phương Đông cũng như sự lên ngôi của Kitô giáo dưới chế độ lãnh chúa phong kiến ở phương Tây. Chính những đặc điểm xã hội này đã kiềm chế sự phát triển tân tiến trong y học nói chung và trong chuyện sinh con của phụ nữ nói riêng.
Khi đó, đàn ông không được phép dính dáng và liên quan tới chuyện đỡ đẻ. Năm 1522, bác sĩ Wertt Hamburg khi cố gắng cải trang làm nữ hộ sinh vào phòng để tìm hiểu cách đỡ đẻ đã bị thiêu sống.
Người ta quan niệm rằng, phụ nữ buộc phải chịu sự đau đớn, khổ cực khi sinh con mới hợp ý Chúa trời nên không một biện pháp giảm đau nào được nghĩ ra và áp dụng ở thời này.
Vì cải trang mà bác sĩ Wertt Hamburg đã bị thiêu sống
Về cơ bản, phương pháp đỡ đẻ lúc ấy không có nhiều thay đổi so với thời kỳ cổ đại. Phụ nữ sinh con trong những căn phòng tối, rèm buông kín mít và phải mặc rất nhiều quần áo, váy vì sợ xấu hổ.
Họ có thể ngồi xổm hoặc nằm khi sinh con với sự túc trực xung quanh của các bà đỡ. Em bé khi sinh ra bị cấm tiếp xúc với ánh nắng - thứ được cho là có hại với trẻ sơ sinh. Chúng sẽ được bú trong thời gian khá lâu, khoảng 3 năm tuổi mới cai sữa. Đây cũng được coi là cách tránh thai tự nhiên, làm giãn khoảng thời gian sinh nở liên tiếp của các bà mẹ.
Tuy vậy, sự thiếu hụt các loại thuốc sát trùng cùng với những đức tin mù quáng đã biến chuyện sinh nở thời trung đại trở thành ác mộng đối với người phụ nữ. Tỷ lệ các bà mẹ qua đời khi sinh con là từ 1-2%. Thậm chí, có giai đoạn, 20% trẻ em ở châu Âu không thể sống qua tuổi thứ 5 vì những vấn đề bệnh tật khi sinh.
Những lời khuyên của bác sĩ nam chỉ mang tính phỏng đoán vì họ
không được tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nữ
3. Thời cận hiện đại
Giai đoạn đầu của thời cận đại chứng kiến sự xuất hiện của dịch sốt hậu sản. Do ý thức vệ sinh sát trùng cho bệnh nhân còn quá kém, rất nhiều phụ nữ đã qua đời vì sinh nở trong thế kỷ 17-18.
Thời gian sau đó, các bác sĩ cũng đã tìm cách khắc phục nhược điểm trên. Trước khi sinh, các bà mẹ được vệ sinh sạch sẽ da bụng, đùi và bộ phận sinh dục bằng nước ấm, xà phòng, dung dịch tẩy rửa Lysol…
Tuy nhiên, loại hóa chất này có thể gây bỏng và tạo ra đau đớn cho bệnh nhân. Để giúp đỡ họ, các bác sĩ dùng mỡ lợn để bôi vào “vùng nhạy cảm” nhằm làm tăng độ trơn khi bệnh nhân “vượt cạn”. Khi lâm bồn, người ta cũng bố trí những tấm khăn ở hai bên giường cho bệnh nhân bám vào, tạo độ thoải mái nhất định.
Mọi chuyện chỉ thực sự biến chuyển vào đầu thế kỷ 19 với sự ra đời của thuốc gây mê. Năm 1847, bác sĩ sản khoa James Young đã bắt đầu giới thiệu chloroform như một chất gây mê có thể dùng trong đỡ đẻ. Năm 1853, nữ hoàng Victoria chính là bà mẹ đầu tiên được sử dụng loại thuốc này khi sinh người con thứ 8, hoàng tử Leopold.
Chân dung James Young - bác sĩ mở ra thời kỳ mới cho chuyện sinh nở của phụ nữ
Sự thành công của trường hợp này đã mở ra bước ngoặt mới trong chuyện sinh nở của phụ nữ. Liên tiếp trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, các loại thuốc giảm đau, gây mê mới được ứng dụng trong sinh sản như morphine, scopolamine… đã giúp những cuộc “vượt cạn” trở nên dễ dàng, thoải mái hơn như ngày nay.
depplus.vn