Tác giả bài viết đã có một thời gian dài gần bên với nữ nghệ sĩ tiên phong, trứ danh về tài, đức, nhan sắc của của nền nghệ thuật cải lương Nam Bộ - Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há. Trong những năm cuối đời, dù đã gần 100 tuổi, bà vẫn giữ được cho mình một tâm trí minh mẫn, tự tắm rửa, ăn uống, đi lại…
Những buổi trưa, ngồi trong khuôn viên Chùa Nghệ sĩ TP.HCM, bà đã kể cho người viết nghe về thời vàng son rực rỡ của mình, trong đó có những người đã đi vào huyền thoại. Trong phạm vi bài viết này, tôi xin dành trọn để nói đến 2 nhân vật giàu sang, phú quý, ăn chơi đình đám một thời là Bạch công tử (tức “cậu tư” Lê Công Phước, còn thường gọi George Phước) và Hắc công tử (hay công tử Bạc Liêu, tức ông Trần Trinh Huy). Về sự giàu có của công tử này, tôi thấy không cần thiết nhắc lại, chỉ nhắc đến những câu chuyện đã được nghe từ NSND Phùng Há.
Cố NSND Phùng Há thời xuân sắc. Ảnh tư liệu của gia đình cố NSND Phùng Há.
Cũng xin nói rõ: Bạch công tử là người chồng thứ hai của của NSND Phùng Há, sau cuộc hôn nhân không hạnh phúc với soạn giả Tư Chơi (tức Huỳnh Thủ Trung) và có một con gái là Bửu Chánh với người soạn giả tài hoa này.
Trong hồi ký của của NSND Phùng Há mà tôi là người chấp bút, theo lời kể lại của bà (tôi đã đọc lại cho bà nghe và có xác nhận của ông Bầu Xuân - cựu trưởng đoàn Dạ Lý Hương, người gần gũi, lo lắng cho bà như một người mẹ trong những ngày cuối đời), có chương kể về Bạch công tử. Trong bài mở đầu về hai vị công tử nổi tiếng trong dân gjan này, Giaoduc.net.vn xin trích đăng như sau:
Mối tình đầu đời tan vỡ chóng vánh, tôi định ở vậy suốt đời, lấy nghệ thuật làm vui. Tới khi má tôi mất, tôi mới thật sự thấm thía nỗi cô độc của mình. Hồi má còn sống, má chăm sóc con gái tôi, tôi mới có thể đi hát được. Bây giờ má mất rồi, Bửu Chánh còn quá nhỏ, tôi thấy không tiện lo cho con chu toàn được nên đành phải gửi cho chị Liên Hảo đang buôn bán ở Nam Vang (một cách gọi tên thủ đô Phnom Penh của Campuchia) nuôi giùm. Nhiều đêm sau những vai diễn hào nhoáng trên sân khấu, về nằm một mình trên chiếc ghe chài, nghe sóng vỗ vào mạn ghe oàm oạp, suy nghĩ về đời mình, tôi thấy sao gian truân quá…
Cơ duyên với Bạch công tử
Đang buồn vì má mất, lại phải xa con gái mới 6 tuổi, cơ duyên lại đưa đẩy tôi gặp “cậu Tư” George Phước, người mà thiên hạ đồn đại, thêu dệt bao nhiêu chuyện ly kỳ về mỹ danh Bạch công tử. Lúc này tôi đã rời gánh Tái Đồng Ban, về đầu quân cho gánh thầy Năm Tú.
Cậu Tư Phước tên thật là Lê Công Phước, sinh năm 1895, là con trai cưng của ông đốc phủ sứ Mỹ Tho – Lê Công Xũng, người giàu có nhất nhì ở Nam Kỳ lúc bấy giờ, sở hữu trong tay nhiều ruộng đất bạt ngàn, cò bay thẳng cánh. Sỡ dĩ cậu Tư được thiên hạ gọi là Bạch công tử bởi cậu có nước da trắng trẻo, thư sinh, khác với cậu Ba Huy ở Bạc Liêu, người có nước da ngăm đen, cũng nổi danh giàu có và ăn chơi, thiên hạ quen gọi là công tử Bạc Liêu hay Hắc công tử.
Cố NSND Phùng Há và con gái Bửu Chánh (đã mất) và cháu ngoại LiLi (Hiện đang
sống ở Pháp). Ảnh tư liệu của gia đình cố NSND Phùng Há.
Cậu Tư rất mê coi hát, hễ có tuồng nào hay là cậu tự lái xe đi coi. Tôi nhớ rất rõ lần đầu tiên gặp cậu. Hôm ấy, gánh Thầy Năm Tú lên Sài Gòn diễn tại rạp Modern Cinema, số 212 đường d’Espagne với vở tuồng Mạnh Lệ Quân thoát hài. Tôi sắm vai Mạnh Lệ Quân trong vở tuồng ấy. Khi vãn tuồng, tôi bước ra cửa, định lên xe ngựa về thì đã thấy cậu Tư chờ sẵn. Cậu Tư mặc một bộ đồ veston trắng, tướng mạo rất lịch thiệp.
Thời đó, đồ veston chỉ dành cho giới thượng lưu, nhưng cũng ít ai mặc lắm. Dù nghe danh cậu lâu rồi, hôm gặp cậu, tôi hơi bất ngờ khi cậu đưa tay cho tôi bắt, bởi thời đó, việc bắt tay xã giao còn rất xa lạ.
Từ bữa đó, tôi hát ở đâu, cậu đều lái chiếc Fiat-sport tới coi, khi thì ở Mỹ Tho, Sài Gòn hay Sa Đéc. Có hôm vãn tuồng, cậu chở tôi về, hay đi ăn tối. Có cậu Tư, tôi thấy mình đỡ buồn hơn. Cậu rất chân thành và thẳng thắn, nhất là rất tôn trọng tôi. Kể từ lúc quen tôi, cậu không còn chú tâm đến cô gái nào nữa. Tôi rất bất ngờ, vì biết cậu là một người hào hoa và ong bướm.
Cố NSND Phùng Há trong một lần được gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh.
Ảnh tư liệu của gia đình cố NSND Phùng Há.
Sau thời gian dài tìm hiểu, thấy tấm lòng của cậu đối với mình, tôi nghĩ cậu có thể san sẻ được với tôi những khó khăn, trong lúc tôi đang rất cô độc, tôi đã bằng lòng trao cuộc đời mình cho cậu. Tôi cũng nói thêm điều này, sở dĩ tôi xưng hô là “cậu” mà không phải bằng “anh”, bởi tôi quen miệng ngay từ lúc mới gặp cậu và cũng cảm thấy cách xưng hô như vậy thân mật hơn, nên sau này thành vợ chồng rồi, tôi vẫn không sửa.
Cậu ngỏ ý với tôi, muốn lập cho tôi một gánh hát, để tôi vừa làm chủ, vừa hát. Dù biết tính cậu hào phóng, từng nghe chuyện cậu đốt tiền nấu chè, thi thố cùng công tử Bạc Liêu, coi tiền như giấy, nhưng để lập một gánh hát cũng đâu phải ít tiền?
Mua hột xoàn kiểu… Bạch công tử
Khi tôi vừa về làm vợ cậu, cậu biểu tôi nghỉ hát ở gánh thầy Năm Tú. Lúc này hợp đồng tôi ký cho thầy Năm Tú chưa mãn, nếu ra đi sớm trước giao kèo, sẽ phải đền bồi. Cậu Tư nói tôi đừng lo, để cậu liệu tính. Mọi việc xong xuôi, tôi có hỏi cậu việc giao kèo bao nhiêu, cậu không bao giờ thổ lộ nhưng tôi có nghe phong phanh, cậu đã đền bồi cho thầy Năm gần 100 mẫu ruộng.
Ngày tôi rời gánh thầy Năm, cậu Tư không cho tôi mang theo bất kỳ một món gì, kể cả tư trang, cậu hứa sẽ sắm lại cho tôi hết. Vừa về đến nhà, cậu cho thợ may, đo ni, mua lụa may cho tôi 20 bộ đồ mới. Tiếp theo cậu dẫn tôi đến một lò thợ bạc danh tiếng ở Mỹ Tho, biểu tôi chọn nữ trang. Cậu có cách chọn mua nữ trang rất kỳ lạ, không hổ danh Bạch công tử như lời đồn đại. Tôi nhớ, tôi đang ngồi chọn hột xoàn, coi hột nào đẹp tôi mới lấy, thì cậu bước tới, hốt cả bụm tay, đưa cho chủ lò, biểu là đếm bao nhiêu hột rồi tính tiền. Tôi hết sức sửng sốt, nói là mua như vậy sợ gặp hột không vừa ý. Cậu nói: “Không sao, nếu không vừa lòng thì bỏ đi, chứ ngồi tỉ mẫn từng hột, mất thời gian quá”.
Vai diễn giả trai Lữ Bố để đời của NSND Phùng Há trong vở Lữ Bố hí Điêu Thuyền.
Ảnh tư liệu của gia đình cố NSND Phùng Há.
Đúng như lời hứa, cậu lập cho tôi một gánh hát, đặt tên là gánh Huỳnh Kỳ. Thời đó, những gánh hát nhỏ, đi hát từ tỉnh này sang tỉnh khác, thường vận chuyển bằng xe bò, xe ngựa. Chỉ có những gánh lớn mới có tiền sắm ghe chài. Cậu Tư chịu chơi, mua lại một ghe chài lớn như cái nhà của ông đốc phủ Mầu. Mới đầu ông phủ Mầu không chịu bán, bởi ông giàu nứt đố, đổ vách, không cần tiền. Cậu Tư quyết mua cho bằng được nên ra giá ngất ngưởng, riết ông Mầu cũng lung lay, chịu bán.
Mua ghe chài xong, cậu Tư cho trang hoàng lại, như một tòa lâu đài nổi trên sông, với đầy đủ tiện nghi để cậu và tôi ở. Trước mũi ghe, cậu chơi ngông, cắm hai lá cờ tam sắc của chính quyền Pháp (xâm lược, đô hộ), nhỏ xíu bên lá hai lá cờ vàng rất lớn là biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Việc này bị chính quyền thời đó làm khó dễ nhiều lần, nhưng cậu không chịu sửa mà vung tiền ra lo lót nên mọi thứ đều êm xuôi, trót lọt. Ngoài ra, cậu Tư còn sắm thêm 3 chiếc ghe chài nhỏ để vận chuyển đạo cụ, đồng thời là chỗ tá túc của anh em hậu đài.
NSND Phùng Há và tác giả. Ảnh chụp năm 2002.
Mỗi khi gánh Huỳnh Kỳ đi tới đâu, dọc hai bờ sông, dân địa phương túa ra coi nườm nượp. Những vở tuồng như: Giọt máu chung tình, Người đàn bà không tên, Sơn hà xã tắc, Kim tinh nương… lần lượt xuất hiện, mỗi khi công diễn đều đông nghẹt khán giả.
Tôi làm đào chánh trong gánh, chỉ biết say sưa với những vai tuồng, hoàn toàn cống hiến tâm trí cho nghệ thuật nên mọi việc đều để cậu Tư lo liệu. Tánh cậu Tư phóng khoáng, không quan tâm đến chuyện tiền bạc nên hàng đêm lời, lỗ thế nào, cậu ít để ý mà phó hết cho người quản lý. Vé bán được không nói gì, còn không bán được, thiếu tiền trả cho anh em, cậu Tư về Mỹ Tho, bán đất, lấy tiền lấp vô.
Cách bán đất của cậu Tư cũng không giống ai, không bao giờ đo diện tích bao nhiêu mà bán theo “mớ”, rồi làm giấy tờ sau. Người mua chỉ cần mang tiền đến chung đủ, rồi cậu chỉ tay vào phần đất nào đó. Nếu người mua cảm thấy bị thiệt thòi, nói với cậu, cậu sẽ chỉ thêm một “mớ” nữa. Thông thường, người mua rất lời, vì mua được miếng đất rộng gấp bốn, năm lần số tiền phải bỏ ra.
(Còn tiếp)
Giáo dục Việt Nam