Nhân chứng sót lại của vụ thảm sát
Người bác của cháu Trịnh Ngọc Bích, 9 tuổi vẫn nhớ cuộc điện thoại cháu nói trong thảng thốt: "Bác ơi, bọn cướp nó gí bố mẹ con vào tường". Cháu nói tới bọn cướp đang tấn công nhà cháu và cầu cứu. Anh Trịnh Quốc Sinh, người bác ruột sống cách nhà cháu Bích khoảng 300m vẫn không thể bình tĩnh khi nhắc tới chuyện đau lòng xảy ra với gia đình em trai mình. Ngoài những vấn đề khiến anh bức xúc, đòi cơ quan điều tra làm rõ, anh chỉ mong muốn rằng "mọi việc rõ ràng, không đòi hỏi gì hơn".
Theo anh Sinh, gia đình không tin Luyện ra tay một mình bởi về hình dáng và sức khoẻ, Luyện không to cao, khỏe hơn em trai anh. Cộng thêm việc nếu Luyện khai rằng chị Chín gọi Bích "con ơi cướp" thì tại sao chị lại không bỏ chạy mà vào phòng, đóng cửa gọi điện cầu cứu? Hai vợ chồng anh Ngọc vật lộn với Luyện thì rõ ràng 1 người có thể chạy. Thêm nữa, chính cháu Bích còn nghe mẹ gọi, nhìn ra mới thấy có cướp và mới vào gọi điện thoại. Chứng tỏ, có nhiều thời gian và kẽ hở để một trong hai vợ chồng nạn nhân chủ tiệm vàng cầu cứu người khác.
Không cần nói thêm nhiều về các tình tiết mâu thuẫn trong lời khai của Luyện và các tình tiết phát sinh cần xác minh, như chiếc camera ghi hình trong thời điểm Luyện gây án, nhà nghỉ Luyện đã ở trước khi gây án, vết thương hình móng ngựa... mà gia đình bị hại trình bày tại tòa và gửi cả bản tài liệu lên chủ tọa phiên phúc thẩm. Nhưng có điều chắc chắn rằng, nội dung lời cháu Bích nói khi kể lại với các bác lúc được đưa đi cấp cứu chưa được cơ quan điều tra xem xét kỹ.
Hội đồng xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đều khẳng định, cháu Bích có hai lời khai nhưng ở hai ngày khác nhau, cháu khai khác nhau. Gia đình bị hại không đồng tình vì họ cho rằng, lúc lấy lời khai, họ không chứng kiến. Và họ vẫn tin lời của cháu lúc mới gọi điện, lúc đi cấp cứu. Vì khi đó, cháu có hoảng sợ nhưng trong vòng tay người thân, cháu mới nói được những gì đã thấy, tuy rất ít ỏi.
Tới nay, cháu Bích đã khỏe mạnh, đi học bình thường. Nhiều thông tin khác nhau nhưng chính anh Trịnh Quốc Sinh khẳng định rằng, cháu ở Sài Gòn, chỉ thỉnh thoảng mới về. Trong phiên xử sơ thẩm lần trước, cháu có về Hà Nội kiểm tra sức khỏe và hôm sau về giỗ ông ngoại. Khi đi qua nhà, cháu bịt mắt, không dám nhìn.
Không ai dám hỏi rõ về chuyện đã xảy ra, cũng không ai nói thật việc cha mẹ và em gái đã mất nhưng Bích cảm nhận được. "Có lần gọi điện về cháu kêu cháu buồn lắm. Cháu mơ thấy bố mẹ dắt em cháu về" - lời anh Sinh.
Anh Sinh nói rằng, Bích là đứa lớn trước tuổi. Cháu rất ra dáng chị cả trong nhà, chủ động mọi việc. Những lần bố mẹ cháu bận, gửi cháu ngủ bên nhà anh thì anh biết vì cháu luôn tự dậy sớm, lo đánh răng, rửa mặt mà không cần giục. Cậu con trai anh Sinh cũng không tự giác làm mọi việc bằng cháu. Chị Hương, người bác nhà đối diện nhà cháu Bích thì cho rằng, nhiều lần chị nhìn thấy cái túi đựng tiền mà cuối ngày vợ chồng anh Ngọc mang lên phòng. Có khi cháu Bích ốm, chị sang đánh cảm cho thì thấy vợ chồng anh Ngọc đổ tiền ra giường đếm.
Thậm chí, có lần, Bích còn xếp tiền cùng bố mẹ. Tới nay, Bích vẫn lặng lẽ chịu đựng một mình nỗi đau mà không chia sẻ với ai. Gia đình cháu cũng không dám chủ động chia sẻ vì sợ nói ra cháu không chịu được. Họ mong cháu có sức khỏe, chống chọi lại mọi biến cố có thể đến trong cuộc đời mình. Vì ngoài cháu ra, không một ai khác giúp cháu được việc đó.
Đến bao giờ Luyện mới thật sự hối hận?
Xuất hiện trong phiên phúc thẩm với dáng vẻ tiều tụy hơn, khuôn mặt gầy hóp má, thái độ luống cuống nhưng người trực tiếp thấy Luyện ở hai phiên xử vẫn chưa thấy bị cáo thực sự ăn năn.
Luyện và các bị cáo trong giờ tuyên án.
Luyện đã hoang mang. Có thể khẳng định bị cáo hoang mang, lo sợ khi nhìn vẻ mặt và ánh mắt thỉnh thoảng liếc qua chỗ này, liếc qua chỗ kia, không dám nhìn thẳng vào người khác như những lần trước. Và không hiểu sao, hai bố con Luyện gần như không nhìn nhau trong mấy lần ra tòa.
Ở phiên sơ thẩm, luật sư của bị hại gợi ý rằng, sự việc đã xảy ra, trong sâu thẳm, Luyện có dám đối diện với gia đình bị hại, xin lỗi không thì Luyện trả lời gọn lỏn “không”. Luyện khai rất rõ ràng, rành mạch hành vi của mình. Luyện gọi nạn nhân là “ông chủ, bà chủ”. Nhưng trong phiên phúc thẩm, Luyện phải ngần ngừ khoảng 30 giây rồi mới bắt đầu khai.
Không hiểu Luyện đang cần nhắc điều gì nhưng bị cáo liên tục nghiến răng, khuôn mặt gân lên, hắn nén tiếng thở mấy lần rồi mới bắt đầu khai. Và nội dung khai lần này, Luyện nói không trôi chảy như lần trước. Luyện gọi anh Ngọc là ông chủ, lúc lại là ông ấy, còn chị Chín thì gọi là bà ấy, thậm chí có lúc trống không, không còn gọi “ông chủ, bà chủ” như trước.
Không nói về nội dung lời khai, chỉ xét thái độ khai hành vi giữa hai lần sơ thẩm và phúc thẩm đủ nhận ra tâm lý Luyện có sự thay đổi. Lần này, Luyện khai chi tiết hơn, nhiều lúc ấp úng, không nói tiếp khiến chủ tọa phải nhắc thì mới tiếp tục. Hắn luôn cúi gằm mặt trước micro của phòng xử án, kể cả khi được nói lời sau cùng. Có điều, trong lời xin lỗi gia đình bị hại, người dự tòa vẫn không thấy thái độ ăn năn của Luyện.
Gia đình bị hại tiếp tục có bức xúc về những tình tiết trong vụ án. Và tuy chưa chính thức nhưng luật sư của họ cho rằng, phía bị hại sẽ tiếp tục kiến nghị lên giám đốc thẩm. Họ mong mỏi rằng, một vụ án kinh hoàng như thế, cơ quan điều tra hãy làm thật công tâm để họ chẳng còn phải thắc mắc gì hơn. Anh trai chủ tiệm vàng khẳng định: “Luật của mình đã vậy. Không thể xử tử Luyện. Gia đình chúng tôi chỉ đòi hỏi giải quyết được những mâu thuẫn, không đòi hỏi gì hơn”.
Infonet