Đại tá Nguyễn Văn Chức, chánh văn phòng Công an tỉnh Bắc Giang, khẳng định như trên khi trao đổi với Tuổi Trẻ về xử lý trách nhiệm trong vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn. Ông Chức cho biết:
- Vụ việc này báo chí đã đưa tin, oan sai thế nào đã rõ rồi. Quan điểm của Công an tỉnh là phải thẳng thắn nhìn nhận việc đó, phải thấy rằng đó là một trong những điều đáng tiếc. Trong nghiệp công an, để xảy ra việc điều tra oan thì rất đáng tiếc, đấy là cảm nhận đầu tiên. Thứ hai là về trách nhiệm, giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo xem xét lại toàn bộ sự việc từ thời điểm tháng 7-2013, ngay từ khi tiếp nhận đơn của báo chí và phiếu chuyển đơn của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương. Cụ thể, sau khi nhận đơn kêu oan của bà Nguyễn Thị Chiến (vợ ông Nguyễn Thanh Chấn - PV), Công an tỉnh đã thành lập tổ công tác để điều tra, xác minh nội dung đơn. Ở đây phải khẳng định từ trước thời điểm trên, Công an tỉnh không nhận được bất cứ một lá đơn nào về vụ việc này.
Đại tá Nguyễn Văn Chức - Ảnh: M.Quang
Từ nội dung trong đơn, tổ công tác đã mời tất cả những người bà Chiến nêu trong đơn đến làm việc để thu thập tài liệu. Sau đó đã cử tổ công tác vào Đắk Lắk xác minh, làm rõ nơi cư trú của Lý Nguyễn Chung. Theo báo cáo thì gia đình cho biết Chung đi lái máy cày, không có mặt tại địa phương nên Công an Bắc Giang không gặp được. Sự việc được trao đổi với Viện KSND tỉnh Bắc Giang, trong đó có xác định Lý Nguyễn Chung bị tình nghi phạm tội trong vụ sát hại bà H.. Thời điểm này mới chỉ xác minh nguồn đơn chứ chưa khẳng định được Lý Nguyễn Chung là thủ phạm giết người. Đến ngày 4-11, khi Viện KSND tối cao công bố và báo chí đưa tin mới rõ việc Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
* Vậy sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang đã có xử lý thế nào đối với cán bộ điều tra của mình?
- Đây có thể nói là việc tày đình. Ngay sau khi việc đó xảy ra, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang đã xác định trách nhiệm của lãnh đạo Công an tỉnh phải xem xét. Lãnh đạo đã yêu cầu các điều tra viên trực tiếp thụ lý vụ án vào giai đoạn đó báo cáo, giải trình về việc điều tra, thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào đối với vụ án đó. Trong đó phải xem là nếu để ông Chấn oan thì oan ở đâu, giai đoạn nào, ai làm, làm như thế nào? Lãnh đạo Công an tỉnh rất lấy làm tiếc nhưng để xác định sai ở đâu, sai như thế nào thì yêu cầu các đồng chí làm trực tiếp giải trình. Có lẽ đến giờ các đồng chí làm xong rồi vì giám đốc đã yêu cầu từ sáng 7-11.
* Ông có thể cho biết những cán bộ thuộc tổ điều tra thời kỳ đó gồm những ai?
- Các đồng chí trong tổ điều tra có tám người gồm Thái Xuân Dũng, Lê Văn Dũng, Nguyễn Văn Tuyến, Ngô Đình Dung, Trần Nhật Luật, Đào Văn Biên, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Hữu Tân. Riêng đồng chí Tân đã mất nên chỉ có bảy đồng chí phải báo cáo tường trình. Các đồng chí này đều đang là lãnh đạo, chỉ huy cấp huyện và cấp phòng.
* Vậy sau khi có báo cáo giải trình của các cán bộ này, Công an Bắc Giang sẽ xử lý như thế nào?
- Xử lý thì phải chờ chỉ đạo của cấp trên vì thẩm quyền ở đây thuộc cơ quan cấp trên. Nếu làm rõ được sai phạm ở đâu, vi phạm như thế nào, trách nhiệm ở đâu thì sẽ xem xét. Nếu vi phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp thì cơ quan điều tra Viện KSND tối cao sẽ vào cuộc. Còn về góc độ quản lý nhà nước, hành chính thì thuộc thẩm quyền của bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo giải quyết. Dù thế nào thì lãnh đạo Công an tỉnh đều thống nhất quan điểm có vi phạm thì phải xử lý nghiêm túc, vi phạm đến đâu xử lý đến đó. Vi phạm pháp luật phải xử lý theo pháp luật, vi phạm nghề nghiệp thì xử lý theo chức trách cán bộ, không bao che, dung túng.
Giám đốc Công an tỉnh đã ra văn bản giáo dục cán bộ chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an tỉnh và yêu cầu thủ trưởng các đơn vị giáo dục cán bộ chiến sĩ phải thực thi đúng pháp luật, làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng trước dư luận về sự việc đó, phải làm tốt công tác của mình.
* Đây không phải vụ án oan đầu tiên tại Bắc Giang, Công an tỉnh có rà soát, xem xét lại công tác điều tra cũng như những vụ án có dư luận cho rằng oan sai? Liệu những vụ án oan có bắt nguồn từ áp lực điều tra hoặc thành tích?
- Tôi nghĩ rằng đối với cán bộ điều tra trong thực thi nhiệm vụ của mình không bao giờ được để xảy ra oan sai. Để xảy ra rồi xử lý thì không được. Tốt nhất không để xảy ra, nhưng nếu đã xảy ra rồi mà xác định có sai, có oan thì mình phải nhận trách nhiệm, phải làm rõ để xử lý. Phải xem vi phạm ở góc độ nào, nhận thức, yếu kém nghiệp vụ hay cái gì để xảy ra oan sai. Còn trước đây đã xảy ra, nhiều hay ít thì đó là việc khác, phải xem do con người điều tra hay do lỗi kỹ thuật.
Đã làm điều tra phải làm theo quy định pháp luật, không thể bị áp lực ảnh hưởng vì làm sai rất nguy hiểm. Không áp lực nào lớn bằng việc mình làm đúng cho mọi người, đúng pháp luật và đúng sự thật. Dù áp lực mấy thì khi gặp khó khăn anh phải báo cáo, phải bàn. Nếu vì áp lực mình làm sai thì lúc nào cũng sai, không chấp nhận được.
Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh: Sự việc diễn ra rất đáng tiếc - Hệ thống nhà nước có phân công, phân cấp và đây là việc của các cơ quan tư pháp, tỉnh không được can thiệp. Tuy nhiên, chúng tôi biết các cơ quan tư pháp trung ương đã yêu cầu các cơ quan của tỉnh tường trình lại. Quan điểm chung của UBND tỉnh là xác định trách nhiệm của ai thì người đó phải chịu trách nhiệm. Ở Bắc Giang đã có những vụ việc như việc công an đánh chết người và ngay sau đó tước quân tịch, xử lý ngay. Ở đây, trách nhiệm các cơ quan tư pháp cấp trên sẽ xem xét xem quá trình tố tụng có gì sai và xử lý. Tỉnh cũng đã yêu cầu Công an tỉnh thực hiện kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm chung. Đối với ông Nguyễn Thanh Chấn, là nhân dân trên địa bàn, gia đình chính sách nên UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH xem xét, động viên bà con từ huyện xuống xã chia sẻ với gia đình về sự việc diễn ra là việc rất đáng tiếc. Nay gia đình người ta khó khăn gì thì giúp đỡ. |
Theo Tuoitre.vn