Theo thống kê không đầy đủ của Viện Khoa học xét xử (Tòa án Nhân dân Tối cao), trong 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình được xét xử, có 42% vụ án ly hôn mà nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Trong số đó, tỷ lệ vợ đánh chồng là 0,6%, vợ mắng chửi chồng là 8,5%, vợ ép chồng quan hệ tình dục là 1,6%.
Cắt của quý, giết hại chồng...
Người phụ nữ được xem là phận “liễu yếu đào tơ”, nhưng có không ít “liễu yếu đào tơ” đã ra tay tàn bạo như cắt “của quý”, “tắm” nước sôi, hoặc giết hại... đức lang quân của mình.
Chỉ vì mâu thuẫn vụn vặt trong cuộc sống gia đình, bà Nguyễn Thị Thành (sinh năm 1958, Trần Khát Chân, phường phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã nhẫn tâm “tắm” chồng bằng nước sôi. Sự việc xảy ra vào hồi 4h sáng ngày 1/9/2012, ông Hoàng Kim Lộc (sinh năm 1954, cùng địa chỉ trên) đang nằm ngủ thì bà Thành đi vào phòng. Thấy ông Lộc đang nằm trên giường, bà Thành liền đổ nước sôi vào khắp người, mặt chồng. Tiếp đó, bà vợ còn nhẫn tâm dùng gậy gỗ đập liên tiếp vào đầu ông Lộc gây chảy máu. Sau khi hành hung chồng, bà Thành đã bỏ trốn khỏi nhà. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, ông Lộc đã phải đi cấp cứu ở bệnh viện Xanh Pôn với thương tích bỏng rộng lên đến hơn 50% cơ thể, còn bà Thành bỏ đi đâu không ai rõ. Hiện cơ quan điều tra đang truy tìm bà Thành.
Trước đó, ngày 9/7, do mâu thuẫn gia đình, anh N.H.C. (SN 1974, quê Châu Thành, Đồng Tháp) đã bị vợ cắt mất “của quý” vào lúc đang ngủ. Tuy nhiên, lúc nhập viện, do ngại ngùng nên anh C. khai do lúc đi cắm câu bị con dao rơi trúng vào hạ bộ. Sau khi được các bác sĩ tư vấn, hỏi han thì anh thú nhận do mâu thuẫn gia đình nên bị vợ dùng dao cắt.
Không những gây tổn thương cho người chồng, người vợ còn đang tâm giết chết chồng mình khi anh ta đang ngủ. Đây là câu chuyện xảy ra vào tháng 5 vừa qua tại xã Đồng Tân (Ứng Hòa, Hà Nội). Hung thủ của vụ án này là Nguyễn Thị Hạnh (SN 1986). Nạn nhân, cũng chính là người chồng đầu gối tay ấp với Hạnh là Ngô Kim Hùng (SN 1981).
Không những bạo hành về thể xác, nhiều ông chồng còn bị bạo hành về tinh thần. Có rất nhiều trường hợp người vợ suốt ngày đay nghiến, trì triết chồng chỉ bởi anh ta không kiếm ra tiền nuôi vợ con..., hay trường hợp vợ không cho chồng “quan hệ” cũng là một hình thức bạo hành về tinh thần. Câu chuyện của anh H.M.T., 44 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Anh T. vốn là tài xế, thường bị vợ trách móc ghen tuông. Ngày 23/9, anh nhậu về muộn rồi “đòi quan hệ” nhưng vợ ghen không cho. Bệnh nhân đã tự cắt "của quý" để chứng minh mình chung thủy.
“Bạo hành ngược” chưa được quan tâm đúng mức
Mặc dù có rất nhiều vụ chồng bị vợ bạo hành như trên, nhưng hiện nay “bạo hành ngược” vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Thực tế cho thấy, bạo hành đối với đàn ông thường bị che giấu vì người ta cho rằng, đàn ông bị bạo hành chắc là yếu đuối hoặc không bình thường. Không ít người cho rằng đàn ông là nạn nhân của bạo hành là điều không thể chấp nhận được.
Theo các chuyên gia tâm lý, cả đàn ông và phụ nữ khi bị bạo hành đều không tránh được những tổn thương. Con số thống kê cho thấy, nam giới ít bị tổn thương, mức độ tổn thương nặng nhất là 28%, phần lớn là 17 – 18%. Người đàn ông bị vợ áp chế thường bị tổn thương rất nặng cả về thể xác lẫn lẫn tâm hồn, cả trong sinh hoạt, công việc và giao thiệp xã hội. Nhiều người đàn ông đã chọn giải pháp im lặng cam chịu để giữ thể diện cho bản thân và gia đình mình, nhất là các trường hợp bị vợ bạo hành về thể xác. Hậu quả là đàn ông rơi vào trạng thái tâm lý lo âu, buồn chán, trầm cảm, mất tự tin. Họ cảm thấy bất lực, mệt mỏi và muốn tránh xa tổ ấm.
Mặt khác, có rất ít người tin vào việc người chồng bị bạo hành và xã hội hầu như chỉ quan tâm nhiều đến vấn đề bạo hành với phụ nữ và trẻ em hơn là với nam giới. Trong các dự án, đề tài phòng chống bạo hành gia đình, có rất ít đề tài đề cập đến vấn đề này ở đàn ông. Vấn đề bạo hành ngược không được quan tâm, cho đến khi có những hậu quả gây chết người nghiêm trọng thì xã hội mới lên tiếng, vào cuộc.
Có thể nói, từ việc vợ bạo hành chồng cho thấy, bản năng bạo hành tồn tại ở cả hai giới. Trên thực tế, sự tàn nhẫn do hai giới gây ra không thua gì nhau. Nếu như người nam dễ thực hiện hành vi bạo hành vì sự nóng tính, thì bạo lực do phụ nữ gây ra thường có nguyên nhân phức tạp hơn.
Bạo hành gia đình, dù dưới hình thức nào, nếu không được cứu vãn sẽ trở thành “nấm mồ” chôn hạnh phúc hôn nhân. Do vậy, mọi người phải biết tôn trọng lẫn nhau, yêu thương và chia sẻ để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.
VnMedia