Nghe tin con hấp hối, ông Lê Sỹ T. (cha em Lê Thị Bích L.) vội chạy đến trạm y tế huyện. Khi ông vừa đến nơi thì L. đã tắt thở. Ra đi trong buổi sáng định mệnh ấy còn có hai nữ sinh học cùng lớp, ở cùng thôn với L.
Tất cả đều bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của 3 nữ sinh
Những dòng nhật ký định mệnh
Cái chết cùng lúc của 3 em học sinh trường THCS Phan Chu Trinh vào trưa ngày 17/3 làm người dân xã Đắk Sắk không khỏi bàng hoàng. Sau sự việc bi thảm, chúng tôi tìm về thôn Thổ Hoàng, nơi ở của các em để tìm hiểu thêm nguyên nhân dẫn đến cái chết được cho là còn nhiều uẩn khúc ấy. Cho đến khi cơ quan chức năng tìm thấy một số cuốn nhật ký được xem là những dòng tâm sự định mệnh, do chính các em viết những ngày trước đó thì nguyên nhân dẫn đến 3 cái chết tang thương dần hé lộ.
Vào khoảng gần trưa ngày 17/3, các thầy cô giáo và học sinh trường THCS Phan Chu Trinh hoảng hồn khi chứng kiến cảnh ba nữ sinh của lớp 7A2 bất ngờ gục ngã tại trường. Mặc dù các em được đưa đi cấp cứu, nhưng vì sức khỏe quá yếu, cả 3 đã tử vong ngay sau đó. Danh tính của các nữ sinh đoản mệnh gồm: Nguyễn Thị Cẩm Nh., Nguyễn Nữ Mỹ H. và Lê Thị Bích L.. Cả ba đều sinh năm 1995, ngụ thôn Thổ Hoàng, xã Đắk Sắk.
Sự việc đau lòng trên được cô Trần Thị Nhài, giáo viên chủ nhiệm của các em kể lại như sau: "Trưa hôm đó là tiết sinh hoạt cuối tuần, cả lớp đang tổ chức điểm lại một số nội dung trong tuần và lên kế hoạch cho tuần tới. Nhưng khi điểm danh thì thấy một số em vắng, trong đó có 2 em là Nguyễn Thị Cẩm Nh. và Nguyễn Nữ Mỹ H. không có trong lớp, các bạn cùng bàn bảo rằng hai em mang sổ đầu bài đi tìm giáo viên bộ môn để ký sổ. Khi đi xuống cuối lớp thì cô thấy em Lê Thị Bích L. nằm gục mặt xuống bàn, mọi người đến nâng dậy bỗng thấy mặt mày L. tím tái, người mềm nhũn như bị trúng gió, mọi người cùng nhau dìu L. xuống phòng y tế trường. Khi vừa đi xuống cầu thang thì một nhóm học sinh khác chạy đến báo rằng: Nh. và H. cũng đang nằm thoi thóp ở góc trường. Mọi người liền đưa ba em đi cấp cứu nhưng các em đã không qua khỏi".
Sự việc nhanh chóng được báo cho công an huyện Đắk Mil. Mối nghi ngờ ban đầu cho rằng các em tử vong là do bị ám hại lập tức bị bác bỏ. Cơ quan công an tìm thấy một chai nước màu trắng được cho rằng ba em đã uống, đồng thời lục trong ngăn cặp đựng sách của các em còn phát hiện nhiều cuốn vở, thư ghi dạng nhật ký, nhiều dòng tâm sự với nội dung buồn rầu, phiền muộn muốn rời khỏi trần đời. Trong đó các em có nhắc đến một ngày nào đó cả ba sẽ cùng được chết để cùng đến một thế giới khác....
Xin trích lại nguyên văn dòng nhật ký tuyệt mệnh của em H. như sau: "Hôm nay vì một chút buồn phiền ở lớp mà xíu nữa là mình đã đi rồi, hôm nay thật là buồn, N (bạn của H. -PV) hơi quá đáng nên mình mới định chia tay cuộc đời. Nhưng sao càng gần ngày đó, mình càng thấy sợ hãi và càng lo lắng, chỉ có khi nào gặp chuyện buồn, mình mới có cơ hội ra đi mà thôi. Mình sẽ cố gắng viết nhật ký thêm ít ngày nữa". Ở một trang nhật ký khác, H. lại ghi: "Sắp đến ngày chia tay cuộc đời rồi, mình sẽ có một thế giới thiên đường mới...".
Bức thư cho thấy, tâm lý bi quan của H. đã xuất hiện trước đó từ rất lâu, H. liên tục nhắc đến cái chết, mà chỉ cần có cơ hội là sẽ ra đi. Cũng theo nội dung những dòng nhật ký, H. và hai người bạn còn lại đã cùng định cụ thể ngày chết. Theo cô Trần Thị Nhài và các bạn cùng lớp với ba nữ sinh thì trước khi sự việc đau lòng xảy ra, cả ba em không có biểu hiện gì khác lạ. Thậm chí trong buổi học cuối cùng vào trưa 17/3 các em còn vui vẻ chơi đùa với các bạn. Hơn nữa trước khi chết, H. và Nh. còn vui vẻ chào các bạn, nói rằng mang sổ đầu bài đi ký như thường ngày, nên không ai mảy may nghi ngờ.
Đại tang thôn nghèo
Trong căn nhà nghi ngút hương khói, ông Lê Sỹ T. (bố của Lê Thị Bích L.) khuôn mặt thẫn thờ. Ngày tiễn con về bên kia thế giới, ruột gan ông như đứt từng đoạn. Cái tin con mình tắt thở cũng bất ngờ như ngày vợ ông mất.
Sáng hôm đó đang ở nhà, thì đột nhiên nghe tin con mình đang hấp hối ở trường, ông lật đật chạy đến thì nhà trường đã đưa L. lên trung tâm y tế huyện cấp cứu. Nhìn con, ông nghĩ rằng L. bị trúng gió, hay cảm cúm như mọi lần, nhưng ông không nghĩ rằng đó là lần cuối cùng ông được nhìn đứa con thơ ngây của mình. Nhìn di ảnh đứa con gái còn quàng khăn, mang đồng phục học sinh đặt song song với tấm ảnh của mẹ, lòng ông lại thắt lại.
Ngôi trường nơi ba học sinh nữ được cho là cùng hẹn chết
Cách đây đúng 36 ngày ông vừa đưa tang vợ, bát hương trên bàn thờ ông thắp cho vợ còn nghi ngút khói, thì nay ông lại phải thắp hương tiễn con thơ. Ở quê ông, người chết kế nhau chưa tròn 50 ngày được gọi là trùng tang, và nếu nhà ai có tang chồng tang như thế được xem là rơi vào nỗi tột cùng của rủi ro, bất hạnh. Nhà ông vốn thuộc diện nghèo của xã, năm đi mùa lại ông phải đi làm thuê làm mướn kiếm tiền nuôi con ăn học. Lúc hấp hối, vợ ông có xiết chặt tay và dặn dò ông rằng: "Anh ở lại ráng nuôi nấng chăm sóc con ăn học tới nơi tơi chốn", ông gật đầu thầm hứa mà hai hàng lệ rơi. Ai ngờ lời hứa chưa thực hiện được thì con ông đã ra đi... Nhớ lại lời vợ dặn, lòng ông T. thêm quặn thắt. Nỗi đau khiến ông như không còn sức để trụ được ở trên đời.
Cùng cảnh mất con như ông T., là ông Nguyễn Duy L. ở cùng thôn. Qùy trước thi hài con, ông L. vẫn không tin rằng bây giờ con mình đã ra đi vĩnh viễn. Sát bên cạnh, người mẹ trẻ gào khóc thảm thiết: "Con ơi, sao con dại thế hả con", rồi lại ngất đi.
Gạt nước mắt, ông L. nhớ lại: Buổi sáng hôm đó, con ông là Nguyễn Nữ Mỹ H. dậy sớm như mọi ngày. Chuẩn bị cơm cho cả nhà xong xuôi đâu đó cháu mới đi học. Trước khi đi, H. còn vui vẻ chào mọi người, chào em mình rồi mới đạp xe tung tăng tới trường. Thấy con bé vô tư như thế, ông không ngờ sẽ có một kết cục bi thảm như bây giờ.
Đến viếng hương hồn người bạn gái đoản mệnh, có những người bạn của H. và cô giáo, tất cả đều chung một cảm xúc đau xót. Cô Trần Thị Nhài cho biết, trong lớp H., Nh. và L. đều học giỏi, vô tư, riêng H. luôn hòa đồng, vui vẻ, năng phát biểu xây dựng bài. Không ai ngờ được rằng, trước đó H. từng thủ trong cặp sách của mình cuốn nhật ký. Những bí mật không thể bật mí, ghi những tâm sự u buồn của cô bé trước khi quyết định lìa khỏi thế gian.
Đến viếng hương hồn em Nguyễn Thị Cẩm Nh., chị Trần Thị Trang là người bán bánh mì đầu ngõ bày tỏ niềm tiếc thương: "Sáng hôm đó, Nh. còn đến quán của mình mua bánh mì như mọi lần, Nh. rất lễ phép, cười chào sau đó mới tới trường". Sự ra đi của bé Nh. làm chị không khỏi bị sốc. Anh Nguyễn Sỹ D., cha của Nh. bảo: "Bé Nh. thường ngày ngoan. Ngoài việc học ra, lúc rảnh rỗi thường giúp cha mẹ dọn dẹp quán nhậu". Vợ chồng anh chưa bao giờ nói nặng với con một lời, để cháu đến nỗi phải giận hờn mà nảy sinh ý định dại dột.
Người Đưa Tin