Nếu làm từ thiện gia đình hoàn toàn ủng hộ
Ông P. cho biết: “Tôi thay mặt gia đình xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, phản ánh nhanh chóng, kịp thời của quý báo về vấn đề liên quan đến gia đình tôi trong thời gian qua”. Ông P. cũng trình bày, toàn thể mọi người trong gia tộc bà P. xin minh xác là nếu di sản của bà P. được sử dụng vào việc từ thiện, công ích thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, nếu sự thật cô T.H.H.L (còn gọi là Nhi, con nuôi bà P.) đã tuyên bố nếu thừa hưởng tài sản này sẽ cho làm từ thiện.
Theo ông P., chị ông là bà P. ngụ tại số 110/1 đường Tô Hiệu, P.Hiệp Tân, Q.Tân Phú là ngôi nhà đất đai thuộc của mẹ ông P., bà P. để lại, là bà Hà Kim Liên. Do bà P. sống độc thân, nên bà Liên để cho bà P. quản lý giúp anh em, nếu sau này anh em ở nước ngoài về Việt Nam thì có nơi sinh sống. Nhưng nghi ngờ mà ông P. cho biết là, ông nhận được điện thoại của một phụ nữ ở chung nhà với bà P. là bà P. chết lúc 3 giờ 30 phút rạng sáng 10/3/2011.
Ngay sau khi bà P. chết, cô Nhi đã đóng cửa nhà. Ảnh: P.B
Ông P. nhấn mạnh: “Thực tế thì chị tôi đã chết trước đó và được ai đó thay quần áo trước và kiểm tra các số điện thoại trong danh bạ, lịch sử cuộc gọi trong điện thoại của chị tôi của những ngày trước bị xóa hết và điện thoại không còn lưu trữ bất kỳ một thông tin nào”.
Ngoài ra, ông P. còn cho biết rất nhiều tình tiết “lạ” ngay sau khi bà P. mất, như nhiều người lạ xuất hiện ngay trong đám tang bà P., sau này được biết là cô con nuôi Nhi đã thuê “vệ sĩ” bảo vệ cô này ngay khi từ nước ngoài về Việt Nam mới 1 ngày.
Nhiều tình tiết cần nhờ đến công an điều tra
Ông P. bức xúc, theo gia đình và phong tục tập quán là bà P. chết phải được chôn cất, chứ không hỏa táng, nhưng cô Nhi, con nuôi bà P. không biết vì lý do gì, kiên quyết yêu cầu hỏa táng xác bà P. Bị phản ứng kịch liệt, sau này cô Nhi mới chịu để gia đình đưa xác bà P. đi an táng, chôn cất theo phong tục.
Thêm một tình tiết bất ngờ, đến nay ông P. mới cho biết, đó là ngay sau khi bà P. mất, đã có ai đó lấy máy tính xách tay của bà P. xóa toàn bộ dữ liệu, mà theo người phụ nữ làm việc ở chung với bà P., thì trước khi chết, vào tối 9/3/2011, thấy bà P. dùng máy tính xách tay chát với Nhi đang du học tại Đức. Nhưng trong khi làm đám tang bà P., bạn thân của Nhi đã sử dụng máy tính này, rồi xóa hết dữ liệu.
Ngày 17/3/2011, vừa làm lễ mở cửa mả xong, Nhi đã gọi nhiều người lạ về nhà, trong đó có cả Văn phòng Thừa Phát lại quận Bình Thạnh, yêu cầu lập vi bằng, mở két sắt của bà P. Bị gia đình phản ứng, nên hai bên hẹn đến ngày 21/3/2011 sẽ cùng chứng kiến mở két sắt để kiểm tra. Tuy nhiên ngày 20/3/2011, thì Nhi đã yêu cầu những anh em của bà P. (những người từ Đức về làm đám tang) ra khỏi nhà có sự chứng kiến của chính quyền địa phương.
Sáng 21/3/2011, Nhi lại mời mở két sắt, nhưng két bị khóa, thống nhất hai bên là mời thợ khóa đến mở, trong quá trình mở khóa không được, bất ngờ Nhi đọc mã số bí mật cho thợ khóa mở ra(!?). Mọi người thắc mắc: “Tại sao Nhi nói không biết mã số khóa, phải gọi thợ mở, do loay hoay mở không được, bất ngờ Nhi lại đọc chính xác mã số khóa?”.
Theo gia đình bà P. đặt nghi vấn, sống và làm việc chăm chỉ, cần mẫn và là một người rất nghiêm khắc, đều có sự tính toán chu đáo như bà P., thì liệu với 65 tuổi, sống độc thân, tính đến thời điểm bà mất, tại sao vẫn không làm di chúc, một khi bà sở hữu khối tài sản khổng lồ như vậy?
Cũng theo gia đình bà P., tuần tới 2 người em bà P. từ Đức về sẽ cùng gia đình bàn chuyện sẽ nhờ đến Cơ quan điều tra để làm sáng tỏ những nghi vấn?
Lao Động