Gầy dựng gia tài 1.000 tỷ đồng
Chúng tôi đến phường Hiệp Tân, quận Tân Phú, TP HCM để tìm hiểu về bà T.K.P. (SN 1946), được mọi người biết đến với danh hiệu “người phụ nữ nghìn tỉ”. Người dân sống ở khu vực này cho biết, người đàn bà nghìn tỷ đồng này mọi người thường gọi một cách thân mật là bà Năm, còn tên P. mọi người chỉ mới biết khi báo chí đưa tin.
Bà P. trong một bữa tiệc
Trước tiên, chúng tôi gặp bà H. một người từng làm công trong gia đình bà Năm. Bà H. cho biết, gia đình bà Năm có gốc là người Hoa, di cư sang Việt Nam đã khá lâu. Ngay từ khi bà H mới vào làm, gia đình bà Năm đã làm bún khô. Tuy nhiên, lúc này, xưởng của gia đình rất nhỏ và chủ yếu làm bằng thủ công rất khó khăn. Lúc mẹ mất, bà Năm tiếp nhận xưởng bún khô của gia đình và cũng chính nhờ bà mà xưởng ngày càng lớn mạnh.
Trước đây, khi bà Năm mới tiếp quản, số công nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xưởng chỉ khoảng vài chục mét vuông, được lợp bằng lá dừa, sân phơi không có nên phải đi xin phơi ở vùng đất trống gần đó. Mặc dù chỉ mới học lớp bốn, nhưng theo lời bà H, thì bà Năm có khả năng kinh doanh rất tốt. Mặc dù chỉ mới tiếp nhận xưởng với rất nhiều khó khăn, nhưng bà Năm đã nghỉ đến chuyện mở rộng làm ăn. Để thực hiện được điều này, bà Năm cố gắng bỏ công sức ra để sản xuất nhiều hơn và giảm giá thành.
Do bún khô của bà Năm ngon, rẻ nên bán rất chạy. Không lâu sau, bún của xưởng làm ra không đáp ứng đủ sức mua. Do đó, bà lại tiếp tục tuyển người và mở rộng nhà xưởng. Không chỉ thế, bà còn nghiên cứu và mở rộng mặt hàng mình sản xuất sang nui, mì vàng khô… Từ xưởng sản xuất nhỏ lẻ của mẹ ngày xưa, bà Năm đã gầy dựng trở nên một xưởng lớn và có tiếng tăm khắp Sài thành và các tỉnh lân cận. Các mặt hàng của bà bỏ mối khắp các chợ lớn ở Sài Gòn và được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Khi đã có một ít vốn, điều đầu tiên bà Năm làm đó là mua những mảnh đất xung quanh để phơi mì. Sau đó, do công việc làm ăn ngày càng phát đạt, bà chuyển sang mua đất để giành.
Theo bà H. thì bà Năm từng bảo, tiền có thể mất giá nhưng đất thì không. Và quả thực, lời của bà Năm quả không sai, giá trị những mảnh đất của bà mua ngày đó, giờ đây có giá trị gấp nhiều lần. Sau này, khi bà Năm đã già, không muốn phải bận tâm về việc sản xuất, bà chuyển quyền quản lí cho một người em của mình.
Thường xuyên làm từ thiện nhưng sống khắc khổ đối với mình
Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, gia đình bà Năm có tất cả 9 anh chị em, trong đó có một số đi nước ngoài và một số ở lại Việt Nam. Điều đặc biệt là tất cả anh em sống ở Việt Nam đều cùng hành nghề cũ của bà và đều giàu có. Bên cạnh đó, bà có một người anh bị tâm thần và đã qua đời.
Một mảnh đất bà P. cho thuê
Người dân xung quanh khu biệt thự bà Năm đã sống đều giành cho bà những lời tốt đẹp. Ông Đ., một người họ hàng và từng làm kế toán tại xưởng cho biết, bà Năm không bao giờ ỷ bà chủ mà la mắng đối với người làm công. Nếu ai đó làm không đúng, bà chỉ góp ý nhỏ nhẹ. Chính vì vậy, mà tất cả những người làm công đều cảm thấy yêu quý bà.
Ông Đ. còn khoe, mình từng được bà Năm cưới vợ và đến bây giờ hai vợ chồng ông vẫn sống hòa thuận. Bên cạnh đó, theo lời ông C., một người từng làm trong ngôi biệt thự cho biết, bà Năm là người rất tốt bụng, thường bỏ tiền làm từ thiện. Mỗi khi nơi nào có lụt bão, bà đều góp tiền bạc giúp đỡ. Đối với những người nghèo khó, bà không ngại ngần bỏ tiền túi ra để mong cho họ có cuộc sống sung túc hơn.
Không chỉ thế, bà Năm là người theo đạo Cao Đài, do đó, bà gửi rất nhiều tiền để giúp đỡ các đồng bào theo đạo này ở Tây Ninh. Khi còn sống, bà tự bỏ tiền xây dựng một viện dưỡng lão với hy vọng sau này mình cùng con gái sẽ tiếp quản và nuôi những người già bất hạnh. Tuy nhiên, khi viện dưỡng lão chỉ mới hoàn thành, chưa được tiếp quản thì bà đã trút hơi thở cuối cùng. Mặc dù thường xuyên làm từ thiện, nhưng bà Năm khá khắt khe đối với cuộc sống của mình.
Từng trải qua cuộc sống khó khăn nên bà Năm hiểu rất rõ giá trị của đồng tiền. Bà B. (em gái bà Năm) cho biết: “Chị tôi không bao giờ chưng diện. Chị chỉ mặc áo quần bà ba như bao nhiêu phụ nữ làm công khác. Trên người không có một mảnh vàng nào”. Theo lời bà B. thì mặc dù chị mình đã qua đời, nhưng những điều tốt đẹp về chị vẫn mãi hiện hữu trong lòng bà.
Không chỉ thế, bà B còn chia sẻ, bà Năm là người ăn chay trường. Đối với bà Năm, bữa ăn không cần phải quá cầu kì, chỉ cần có cơm và một ít thức ăn là được. Bà B. chưa bao giờ thấy chị mình chê bai bữa ăn với người khác. Bà B. còn chia sẻ, chưa bao giờ bà biết chị mình có nhiều tài sản như vậy, bởi chẳng bao giờ bà Năm nói ra. Tuy nhiên, bà B. khẳng định, một số không nhỏ trong khối tài sản kếch xù chị mình để lại là của mẹ đẻ bà và các anh em trong gia tộc gom góp lại mà có.
Vietnamnet