Thông tin Lê Văn Luyện lãnh án 18 năm tù vì khi gây án chưa đủ 18 tuổi đang là "điểm nóng" thu hút sự chú ý của đông đảo bạn đọc. Từ vụ án này, có hai luồng ý kiến khác nhau của bạn đọc.
Đó là: trừng trị kẻ ác theo tinh thần thượng tôn pháp luật hay có sự "linh hoạt" cho đồng vọng lòng người?
Đại diện luật sư bảo vệ quyền và lợi ích của gia đình bị hại cho rằng cáo trạng
của Viện kiểm sát còn nhiều thiếu sót.
Phải thượng tôn pháp luật
Khi gây án, Lê Văn Luyện đang ở tuổi vị thành niên (17 tuổi, 10 tháng 6 ngày). Và chính chi tiết này rất có thể là "chiếc bùa hộ mệnh" để Luyện thoát án tử hình hay chung thân. Bạn đọc Huỳnh Sự bày tỏ sự tin tưởng vào sự công minh của pháp luật: "Tội của bị cáo quá nghiêm trọng. Tòa sẽ phán quyết đúng luật pháp hiện hành. Có thể bị cáo thoát tội tử hình hay chung thân, nhưng còn luật nhân quả mà bị cáo sẽ nhận lãnh, hãy chờ mà xem có vay thì phải trả thôi".
Phản biện trước các ý kiến nên "sửa luật" với trường hợp tội ác đặc biệt nghiêm trọng như của Luyện, bạn đọc tên Sơn viết: "Dù có sửa đổi luật ngay bây giờ thì hiệu lực thi hành cũng là sau khi bị cáo Luyện đã thực hiện hành vi phạm tội nên không thể áp dụng được. Theo tôi, nên chiếu theo đúng luật hiện hành để xử, đừng nên phán xét theo cảm tính".
Thượng tôn pháp luật cũng là tinh thần chính trong ý kiến của bạn đọc tên Xuyến: "Bộ luật hình sự đã quy định rõ, kể cả khi tổng hợp hình phạt thì cũng không thể xử người chưa thành niên mức án trên 18 năm tù. Mọi trường hợp đều phải xét xử theo đúng quy định của pháp luật. Trong vụ án này, quả thật không ai tránh khỏi bức xúc khi biết được rằng Luyện sẽ chỉ đối mặt với mức án tối đa là 18 năm. Tuy nhiên pháp luật có sự khoan hồng của pháp luật, chúng ta cần phải nghiêm chỉnh chấp hành và mong sao Luyện sẽ được giáo dục, cải tạo tốt".
Vượt lên những bức xúc và tức giận trước tội ác của Luyện, bạn đọc tên Long ủng hộ quan điểm theo luật mà làm: "Tôi nghĩ dù dư luận có bức xúc thế nào đi chăng nữa thì không thể làm trái luật được. Nếu xử trái luật thì ảnh hưởng đến hệ thống luật pháp còn lớn hơn nhiều. Quốc hội có thể bổ sung vài điều khoản cho phù hợp hơn sau này, còn trước mắt thì Luyện có thể xem như may mắn thôi, ai cũng sợ là nếu xử Luyện 18 năm thì tạo nên làn sóng cho xã hội, tôi nghĩ điều đó có thể xảy ra. Tuy nhiên, thử nghĩ xem nếu làm trái luật thì hóa ra luật pháp chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Tôi nghĩ thôi thì cứ theo luật mà làm!".
Có hay không khoảng cách giữa pháp luật và lòng người?
Không ít ý kiến bạn đọc cho rằng với tội ác tày trời này, Lê Văn Luyện xứng đáng nhận bản án tử hình, không chỉ buộc kẻ thủ ác phải đền tội mà còn để răn đe và ngăn chặn tội phạm vị thành niên.
Bạn đọc Hoàng Thị Hường viết: "Lê Văn Luyện xứng đáng lĩnh án tử hình vì hành động dã man chưa từng có. Ra tòa mặt vẫn lạnh tanh, thái độ bình thản. Hành động thành khẩn nhận tội (vì không thể chối cãi được) thì không được coi đó tình tiết giảm nhẹ. Nếu tiếp tục để bị cáo tự do sau 18 năm nữa, ai khẳng định được việc này không lặp lại lần nữa? Rồi xã hội sẽ như thế nào nếu tội phạm là trẻ chưa thành niên gia tăng".
Cùng quan điểm này, bạn đọc Lâm Vĩnh Đông viết: "Chúng ta đang nói ở đây là vấn đề "mạng người", nó rất quan trọng nên cần suy nghĩ thật nghiêm túc. Nếu Luyện không bị tử hình để răn đe lớp trẻ hư hỏng thì tôi nghĩ các thanh nên biết mình chưa đủ 18 tuổi thì cứ "vô tư" mà giết người, vì giết người đâu có đền mạng đâu mà sợ!".
Từ bức xúc với mức án đề nghị dành cho Luyện, một số bạn đọc đề xuất nên thay đổi luật để phù hợp với thực tế, cụ thể là với những tội ác đặc biệt nghiêm trọng như của Luyện thì có thể linh hoạt khung hình phạt. Bạn đọc Nguyễn Giang nhấn mạnh: "Luật chẳng qua là những quy định từ cuộc sống sao cho phù hợp đạo lý, nhân cách con người. Cứ dựa vào luật mà tranh cãi thì không đúng theo thời gian và không gian".
Bạn đọc Tú đề xuất: "Tôi thấy cần bổ sung hoặc sửa đổi luật pháp đối với người dưới 18 tuổi cho phù hợp với hiện trạng như bây giờ. Vì một người có hành động dã man như Lê Văn Luyện mà chỉ có 18 năm tù thì sẽ tạo điều kiện cho những người khác xúi giục trẻ em dưới 18 tuổi ra tay thì sao?".
Xung quanh việc xét xử Luyện, có hay không khoảng cách nhất định giữa pháp luật và lòng người?
Và chắc chắn vấn đề này sẽ còn tiếp tục gây tranh cãi.
Lê Văn Luyện có đồng phạm?
Có dấu hiệu xuất hiện hung thủ thứ hai
Sự bình thản đến đáng sợ của Luyện
Trong ngày xét xử thứ hai, luật sư bào chữa cho gia đình người bị hại đưa ra nhiều chi tiết và đặt câu hỏi có hay không đồng phạm cùng Luyện thực hiện vụ án? Luật sư Trần Chí Thanh cho rằng một mình Luyện khó đủ sức để chống cự và giết hại cả nhà anh Ngọc. Theo luật sư Thanh, trong lời khai của Lê Văn Luyện tại cơ quan điều tra có dấu hiệu xuất hiện hung thủ thứ hai. “Luyện khai sau khi đột nhập vào nhà thấy chuông báo động và camera, Luyện đã sập cầu dao để ngắt điện. Một lúc sau Luyện bật cầu dao thấy chuông báo động kêu nên lại tắt đi. Lời khai này còn nhiều mâu thuẫn, rất có thể có ai đó đã bật cầu dao điện” - luật sư Thanh trình bày quan điểm.
Trong phần xét hỏi các nhân chứng, đa số nhân chứng cho rằng lời khai của bé Bích trong hồ sơ của cơ quan điều tra còn chưa đầy đủ. Chị Trịnh Thị Hoa (chị gái của nạn nhân Trịnh Thành Ngọc) khai trước hội đồng xét xử: “Khi đưa bé Bích đến bệnh viện, chúng tôi hỏi, bé Bích nói là có hai thanh niên bắt bố mẹ cháu úp mặt vào tường”. Do yêu cầu của gia đình, trong phiên xét xử tòa không triệu tập bé Trịnh Ngọc Bích - nạn nhân duy nhất sống sót trong vụ án.
Tại phiên tòa, thẩm phán Thân Quốc Hùng - chủ tọa phiên tòa - công bố tóm tắt lời khai của bé Bích với cơ quan điều tra. Ngày 25-8-2011 tại Bệnh viện Việt Đức, bé Bích khai: “Ngoài chú cao to còn có một chú người nhỏ đầu trọc đằng sau tóc có đuôi, mặc áo sáng cộc tay và đi chân đất. Lúc đó trời tối, cháu cũng không nhìn rõ mặt”. Lời khai lần thứ hai ngày 31-8-2011 của bé Bích cũng tại Bệnh viện Việt Đức: “Cháu thấy chính xác một chú cao to đi vào giật điện thoại và chém cháu. Trong phòng không có điện, sáng mờ mờ nên cháu không nhìn rõ mặt”.
Gia đình nạn nhân bức xúc
Trong suốt hai ngày xét xử, Lê Văn Luyện đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, khẳng định chỉ có một mình gây án. Trước tòa, Luyện bình thản trả lời các câu hỏi của hội đồng xét xử. Thái độ của Luyện càng làm gia đình nạn nhân thêm căm phẫn. Khi luật sư hỏi: Bây giờ đã đủ 18 tuổi, Luyện có đủ bản lĩnh xin phép tòa cho nói lời sâu thẳm với gia đình nạn nhân không, Luyện lạnh lùng trả lời: “Không!”. Đáng lưu ý, trong suốt hai ngày xét xử, Luyện không một lần rơi nước mắt.
Trước giờ nghị án, phần được nói lời sau cùng, Luyện chỉ nói ngắn gọn: “Bị cáo xin lỗi gia đình người bị hại, xin lỗi người nhà vì bị cáo mà liên lụy. Bị cáo xin được hưởng mức án cao nhất dành cho mình”.
Phiên tòa nhiều lần phải ngưng lại vì phản ứng của gia đình nạn nhân. Lực lượng an ninh phải đưa Luyện vào tạm lánh tại phòng của Viện kiểm sát trước khi tới giờ xét xử. Người nhà nạn nhân biết trước mức án dành cho Luyện cao nhất là 18 năm tù nên rất bức xúc.
Ngay sau khi hội đồng xét xử tuyên án đối với bị cáo Lê Văn Luyện, trao đổi với Tuổi Trẻ, luật sư Phạm Văn Huỳnh - văn phòng luật sư Tâm Đức, đại diện đoàn luật sư bảo vệ cho quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bị hại và đại diện gia đình bị hại - cho biết sẽ kháng cáo gửi TAND tối cao đề nghị điều tra và xét xử lại. Theo luật sư Huỳnh, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bắc Giang có nhiều dấu hiệu lọt người và lọt tội. “Chúng tôi sẽ kháng cáo để cơ quan điều tra phải điều tra lại, tìm ra đồng phạm của Lê Văn Luyện” - luật sư Huỳnh nói.
Tuổi Trẻ