Tranh cãi về bản án
Trên những diễn đàn hay mạng xã hội, một chủ đề được nhiều bạn trẻ quan tâm thảo luận ít ngày qua là bản án dành cho Lê Văn Luyện sẽ như thế nào, bởi Luyện gây án khi chưa đủ tuổi vị thành niên.
Dạo một vòng quanh các mạng xã hội, những trang, hội nhóm và cả những topic về vụ xét xử Lê Văn Luyện xuất hiện nhanh chóng và ngày càng được nhiều người tham gia.
Ngoài việc đăng tải những thông tin được báo chí tường thuật thì những hội nhóm, trang như thế này cũng là nơi các bạn trẻ thảo luận hay trình bày ý kiến cá nhân xung quanh phiên xét xử, bởi việc đăng tải trên trang cá nhân dường như “không đủ” với rất nhiều bạn.
Phần nhiều bạn trẻ nêu ý kiến rằng “mặc dù chưa đủ tuổi vị thành niên nhưng vì gây án quá dã man nên cần tử hình để răn đe kẻ khác”, “không nhốt tù thì thả nó ra cho dân tự xử” (?!), hay những thắc mắc như “tại sao Lê Văn Luyện ở tù lại béo trắng ra”.
Tuy nhiên, có một số bạn lại có ý kiến khác so với số đông. Một bạn có nick name “A Green” chia sẻ quan điểm rằng “mặc dù Lê Văn Luyện gây ra tội ác dã man, nhưng phản ứng của nhiều bạn có chiều hướng quá khích.
Nhiều bạn sử dụng trong phát biểu của mình bằng từ “giết” một cách vô tư, điều này khiến mình nghĩ rằng tại sao các bạn ấy lại có thể nói đến việc tước đoạt mạng sống một cách nhẹ nhàng như thế? Như vậy có máu lạnh khác nào tên sát thủ không?”.
Những phản ứng có chiều hướng khác như vậy thường không được hưởng ứng mà trái lại còn bị “trút giận” một cách vạ lây, bởi cộng đồng đang thực sự lên cơn thịnh nộ trước tội ác mà Luyện gây ra.
Và hiếm hoi lắm mới có người bình tĩnh suy nghĩ và phát biểu rằng “Bài học nào đặt ra sau vụ án? Làm thể nào để bớt đi những vụ án như vậy? Nếu như mỗi người thủ sẵn trong mình cái mầm ác, cái thái độ coi thường sinh mạng và lúc nào cũng đòi hỏi chém giết như vậy, thì ai dám chắc trong tương lai sẽ không có Lê Văn Luyện thứ 2?”
Và những phản ứng tiêu cực
Bên cạnh phản ứng bày tỏ cơn thịnh nộ về tội ác, có những điều cần nhìn lại về thái độ của cộng đồng mạng trong những tháng vừa qua xung quanh vụ án.
Nhưng cũng có không ít hội/nhóm lại coi đây là "thú vui" để... ăn theo
Người ta có thể dễ dàng tìm được những “đoạn truyện mua vui” trên nỗi đau của người khác được lan truyền diện rộng trên nhiều diễn đàn, thậm chí còn được nhiều người hưởng ứng.
Cũng có thể kể đến phong trào sử dụng cái tên Luyện để bày tỏ thái độ của bản thân gây nhiều tranh cãi lại là phong trào cũng xuất phát từ những cộng đồng mạng.
Thậm chí trong những trò chơi điện tử, người ta còn bắt gặp hội/nhóm lấy cái tên như “Luyen.Idol” và tự coi Luyện là Thần tượng cho mình. Đó là một trong những minh chứng rõ ràng về kiểu suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận cư dân mạng xoay quanh vụ án dã man này.
Người ta cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh thương tâm của bé Ngọc Bích, nạn nhân duy nhất sống sót, trên những diễn đàn hay trang thảo luận của các mạng xã hội.
Những bạn trẻ đưa hình ảnh lên có lẽ chỉ nhằm mục đích chứng minh rằng “bản án tử hình là hoàn toàn phù hợp” với kẻ sát nhân máu lạnh này, thế những họ vô tình quên mất rằng những hình ảnh ấy lại một lần nữa chạm vào nỗi đau, nỗi mất mát của thân nhân nạn nhân trong vụ án đau lòng nói trên.
Dân Trí