Như tin tức đã đưa, chiều 19/8, các cơ quan chức năng của Hà Nội đã chính thức công bố kết luận thanh tra chùa Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) - nơi liên quan đến nghi án mua bán trẻ em gây rúng động dư luận thời gian vừa qua.
Sư Đàm Lan- trụ trì chùa Bồ Đề.
Tâm trạng của ni sư như thế nào sau khi cơ quan chức năng công bố kết quả thanh tra chùa Bồ Đề và những vấn đề liên quan?
Từ trước đến giờ nhà chùa (Ni sư Thích Đàm Lan- PV) không làm gì nên tội nên nhà chùa vẫn bình tĩnh, trước sau như một. Nhà chùa đã làm hết mình cho các trẻ em, người già, đối tượng lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa trong một thời gian dài được nhiều cá nhân, tổ chức ghi nhận.
Nhà chùa tu tập, nên nhẫn quen rồi, 1 tháng trời nhà chùa lăn lộn với việc này nên nhẫn lắm rồi. Nhà chùa nghĩ là tu tập theo đức phật, có tâm, mà một cơn lốc xoáy đã làm đổ sập tất cả.
Việc này nhà chùa thấy buồn vì làm ảnh hưởng đối với giáo hội, toàn thể tăng, ni khác. Đây là mất mát lớn đối với nhà chùa, nhưng không phải vì thế mà thầy không thể không đứng dậy được. Đây còn là bài học lớn, quan trọng để làm sao khắc phục thiếu sót làm tốt hơn mọi công việc và sống đúng tâm mình.
Khi nhà chùa không còn được chăm sóc các các cháu nữa, khi các cháu được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội để ổn định chỗ ở, đăng ký tiếp tục đi học, Ni sư có suy nghĩ gì?
Từ trước đến giờ nhà chùa làm theo tâm của Phật, từ bi nên mong muốn duy trì các cháu ở chùa. Giờ gắn theo quy định khi nuôi 10 em trở lên phải lập trung tâm thì rất khó, thầy không làm được.
Nếu ở chùa Bồ Đề có 100 người thì phải đến 70 người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn hay mâu thuẫn, gia đình không giải quyết được nên gửi vào chùa, rồi sau họ hàn gắn gia đình hay làm ăn tốt hơn còn có cơ hội gặp gỡ, đón về nhà.
Có rất nhiều người chia sẻ với thầy không thích vào trung tâm vì họ cho rằng vào đó họ thấy xa rời với khu cộng đồng bên ngoài. Thực tế hiện nay có những cụ già đang phân vân là có nên lên trung tâm hay tìm nơi ở khác, họ nói dù sướng mấy họ cũng không muốn vào, vì ở chùa còn được niệm phật, nghe giảng kinh…
Thầy lo lắng nhất hiện nay có 30 cháu đến tuổi đi học, chùa Bồ Đề đóng tiền. Nếu học ở đó thì các em sẽ ở chùa Bồ Đề. Bây giờ không cho ở chùa Bồ Đề nữa thì các em về với gia đình điều kiện họ khó khăn vậy sẽ thất học. Cái đó là cái thầy lo lắng nhất cho các em.
Hiện nhiều bé có gia đình, người thân chấp nhận đón các em về với gia đình, nhưng cũng chia sẻ hoàn cảnh rất khó khăn không biết có cho các em tiếp tục được đi học nữa hay không. Hiện có khoảng 30 em trong hoàn cảnh như vậy. Nếu nhà chùa đóng tiền cũng ngót nghét 100 triệu đồng.
Sau khi có những thông tin không tốt về nhà chùa, nhiều em không có cái ăn. Không tổ chức nào hỗ trợ, các em hết bỉm, hết sữa. Trước nhà chùa đã chỉ biết làm mà không biết quản lý sao để đúng pháp luật. Giờ biết rồi mà làm sai thì ai chịu?
Việc báo chí đưa tin thì không ai cấm nhưng chỉ có điều là khi đưa thông tin cần phải khách quan và cân nhắc. Nếu ai làm sai thì pháp luật sẽ quy trách nhiệm, kết tội chứ đâu bỏ qua một ai. Thông tin của một số báo thời gian qua đã phản ánh không tốt về chùa Bồ Đề đã làm ảnh hưởng rất lớn đến Giáo hội, chùa Bồ Đề, việc tu tập, phật tử…
Nhưng một thực tế không gì đau xót hơn là làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần 200 con người đang nương nhờ ổn định nơi cửa phật. Không biết rồi đây ngoài những số phận được trung tâm bảo trợ xã hội tiếp nhận thì những người về với gia đình đang có hoàn cảnh rất khó khăn kia có được chăm sóc, học hành như những ngày ở chùa hay không?
Cuộc đời đi tu không mang theo gì, chỉ mang theo tình người, thanh thản. Cả cuộc đời tu tập, có tâm làm việc thiện, lo lắng cho 200 con người, với sức lực của người phụ nữ phải nói khó khăn vô cùng. Nhưng trước cơn bão táp này, không thể không vượt qua.
Giả sử bây giờ lại có một cháu bé bị bỏ rơi thì Ni sư có đón nhận cháu bé nữa không?
Có người đưa em bé đến nhà chùa bỏ lại thì nhà chùa vẫn tiếp tục nhận, cho cháu bé ăn rồi sẽ báo cho công an, chính quyền. Tâm niệm của thầy là khi mình ra đi thì thầy muốn mang theo mình cái thiện. Đây cũng là một sự chuẩn bị cho sự ra đi thanh thản của thầy.
Chừng này tuổi, thầy cũng không còn nhiều thời gian để làm việc thiện nữa, khi còn sức lực và trí tuệ thì thầy muốn làm nhiều việc có ý nghĩa hơn, không muốn ngừng nghỉ. Cuộc đời sinh ra được làm con người, thì mình phải tu, tự tu, tự chứng, tự giải thoát, không nghe bất kỳ người nào.
Mặc dù biết có bão tố nhưng thầy vẫn tự tại trên con đường thầy đi. Thầy thấy qua trận bão cuộc đời vừa rồi, cơ quan chức năng giúp thầy thấy được cái sai trong thủ tục và quản lý để thầy vượt qua.
Triết lý “hết mưa là nắng” nếu mình biết vượt qua được. Nếu không sẽ rất chán. Nhưng thầy nghĩ là cuộc đời không thể buồn chán được. Nhà chùa không làm việc này thì làm việc khác, chỉ lo cho số phận éo le của mọi người đang nương nhờ cửa Phật.
Đời sống và pháp luật