Cơn ác mộng 10 năm
Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) bị ngồi tù oan 10 năm được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi trong những ngày qua.
Chặng đường tìm lại tự do của ông Chấn là một hành trình kéo dài đến 10 năm. Nhiều người rất phẫn nộ, xót xa và bức xúc khi vụ việc dần sáng tỏ khi ngày 25/10/2013, thủ phạm thật sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú, thừa nhận hành vi giết người của mình.
Ông Nguyễn Thanh Chấn
10 năm thụ án trong tù đã giáng xuống ông và gia đình những mất mát, những nỗi đau quá lớn mà không ngôn từ nào có thể tả nổi. Bị bạn bè xa lánh, cả bốn người con của ông đã phải bỏ học giữa chừng, một người con đi xuất khẩu lao động nước ngoài vì kiếm tiền lo kêu oan cho cha mà quyết không về nước, vợ ông sau nhiều năm kêu oan cho ông cũng phải vào viện tâm thần điều trị.
Ngày trở về đoàn tụ cùng vợ con, ông Chấn mừng đến độ phải thốt lên: “Tôi như vừa được sinh ra thêm lần nữa”.
16 năm 3 tháng ở tù oan
Ông Trần Văn Chiến bị bắt tạm giam ngày 21/5/1979 với tội danh giết người xảy ra tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Ngày 20/3/1980, TAND tỉnh Tiền Giang xét xử sơ thẩm. Tại phiên tòa này, ông Trần Văn Chiến không nhận tội và khẳng định hung thủ thật sự là Trần Văn U. Tòa vẫn tuyên ông Chiến án chung thân. Do thời gian chấp hành hình phạt tù ông Chiến cải tạo tốt nên được thả tự do ngày 21/8/1995. Năm 1997, Trần Văn U bị bắt.
Ông Trần Văn Chiến và vợ con.
Ngày 5/7/2001, TAND tỉnh Tiền Giang tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án giết người với bị cáo Trần Văn U. Tại tòa, Trần Văn U khai chỉ một mình thực hiện vụ án mà không liên quan gì đến ông Trần Văn Chiến nên tòa tuyên ông Chiến không phạm tội giết người.
Tại bản án phúc thẩm số 424 ngày 12/4/2002, TAND tối cao tại Tp. HCM giữ nguyên bản án sơ thẩm: ông Chiến vô tội. Ngày 23/12/2004 ông Chiến được TAND tỉnh Tiền Giang đền bù oan sai 252 triệu đồng, đồng thời xin lỗi trên ba tờ báo trung ương và địa phương.
Án oan tù chung thân vì chiếc đồng hồ đánh rơi
Ông Bùi Minh Hải, ngụ ở huyện Nhơn Trạch. Chỉ vì vô tình đánh rơi chiếc đồng hồ ở gần nơi xảy ra vụ giết người mà ông Hải bị tình nghi là thủ phạm, bị tống giam.
Suốt quá trình điều tra, mặc dù luôn kêu oan nhưng các cơ quan tư pháp khẳng định ông Hải là thủ phạm và tuyên phạt mức án tù chung thân. May mắn cho ông Hải, một thời gian sau cơ quan chức năng bắt được một đối tượng giết người trong một vụ án khác.
Ông Bùi Minh Hải và cháu nhỏ.
Chính từ nhận tội của tên này nên ông Bùi Minh Hải đã được minh oan. Cuối cùng thì Bùi Minh Hải đã được giải oan sau 16 tháng bị giam trong tù. Ông sụt mất 8kg, được các cơ quan pháp luật tỉnh Đồng Nai bồi thường 59,9 triệu đồng cho việc khởi tố, truy tố và kết án oan.
Có 11 cán bộ pháp luật "dính" vụ này đã bị đình chỉ công tác và cách chức. Tuy nhiên hậu quả của việc thực thi pháp luật tuỳ tiện và oan sai đó là gia đình ông Bùi Minh Hải tan nát, bốn đứa con ông Hải phải bỏ học dở dang, trong suốt một thời gian dài gia đình ông phải hứng chịu bao điều tiếng và những bản án "bia miệng" của người dân địa phương.
Án oan hai lần bị tuyên tử hình
Ngày 17/9/1989, khi vừa chở vợ đi thăm em gái về đến cây xăng gần nhà thìNguyễn Minh Hùng sinh 1978, ấp Tân Tiến, Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh bị bắt với tội danh buôn bán ma túy.
Sau hơn 5 năm ở tù với hai lần bị tuyên án tử hình, Nguyễn Minh Hùng được trả tự do.
Anh Nguyễn Minh Hùng
Đến năm 2006, án sơ thẩm lần hai của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh vẫn giữ nguyên án tử hình. Phải đến phiên phúc thẩm lần 2 vào tháng 4/2007, tòa mới phát hiện các chứng cứ buộc tội anh Nguyễn Minh Hùng có nhiều mâu thuẫn.
Đặc biệt, khi đó kẻ đứng đầu đường dây, người từng kéo anh vào vòng lao lí mới phản cung. Bị cáo Nguyễn Thị Anh Thư đã một mực xin tòa minh oan cho anh Hùng với lí do trước đó khai không đúng sự thật và "không muốn phạm thêm tội ác nữa".
Thêm vào đó, vợ anh Hùng đã cung cấp thêm bằng chứng là giấy xác nhận của một nhà nghỉ nơi vợ chồng anh trọ vào đúng ngày bị cáo buộc là đi giao heroin. Ngày 13/6/2008, anh Nguyễn Minh Hùng được Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh phê chuẩn quyết định "tha bổng" sau hơn 4 năm bị tù oan và phải đối diện với 2 bản án tử hình.
Nguyễn Minh Hùng được Công an Tây Ninh xin lỗi công khai vào ngày 19/11/2008 và bồi thường số tiền 130 triệu đồng.
Nỗi oan cha giết con
Ông Phạm Văn Thành bị bắt ngày 17/9/1989 sau đúng một tháng UBND xã Hòa Tịnh (Chợ Gạo, Tiền Giang) vào lập biên bản kê biên tài sản của đương sự Phạm Văn Thành với lí do tình nghi đương sự giết con trai là Phạm Thanh Tuyền. Với cam kết khi nào ông Thành tìm thấy con thì sẽ trả lại số tài sản đã kê biên. Không tìm được con, ông Thành bị bắt bởi tội vu khống cán bộ, chống người thi hành công vụ và hủy hoại tài sản công dân.
Trong suốt quá trình bị tạm giam và điều tra, ông lại bị hỏi về việc con trai mình bỗng nhiên mất tích, cơ quan điều tra đã đào hàng trăm hố trong vườn nhà ông để tìm thi thể đứa con trai nhưng không thấy.
Ông Phạm Văn Thành kể lại nỗi oan "thấu trời xanh".
Ngày 25/8/1990 vụ án được đình chỉ nhưng đến năm 1995 ông Thành lại bị bắt tạm giam thêm 5 tháng, cải tạo lao động cho ba tội danh trên.
Ngày 7/6/2004 ông Thành được công nhận oan sai theo quyết định số 622/QD-GQKN (7/6/2004) của giám đốc Công an Tiền Giang.
Cuộc giải oan kì lạ nhất lịch sử tư pháp
Như bao người con xa quê, ngày 28 tết năm 1983, chàng giảng viên trường Đại học Tây Nguyên - Nguyễn Sỹ Lý (xã Tam Hợp, huyện Quỳ Hợp, tỉnhNghệ Tĩnh - nay là tỉnh Nghệ An) trở về quê ăn tết với gia đình.
Thế nhưng, niềm vui "ngắn chẳng đầy gang" khi tai họa ập đến ông và gia đình ngay buổi tối gia đình đoàn tụ, sau khi nấu xong nồi bánh chưng đón Tết. Đêm hôm đó, trên đường đi trả nồi nấu bánh cho hàng xóm trở về, ông Nguyễn Sỹ Huỳnh (bố anh Lý) cầm đèn phin soi trúng mặt hai anh em Bùi Văn Vinh và Bùi Văn Lai (ở cùng huyện) khi họ đi chơi về. Cho rằng ông Huỳnh cố ý, anh em Lai lao tới đánh tới tấp.
Nghe tiếng bố kêu la thất thanh ngoài ngõ, 4 anh em anh Lý chạy ra. Thấy vậy, Lai bỏ chạy thục mạng. Không chạy theo được anh mình, Vinh trốn vào bụi cây ven đường. Thấy người nhà ông Huỳnh trở vào nhà, Vinh mới dám lao ra chạy đuổi theo Lai. Trong đêm tối, nghe tiếng người chạy huỳnh huỵch phía sau, cứ ngỡ là bố con anh Lý đuổi theo để trả thù, Lai rút dao thủ sẵn đâm thấu ngực bóng đen lao đến.
Nghe tiếng Vinh thét lên, Lai hoảng hồn khi nhận ra chính y đã hạ sát em trai mình. Trong lúc nóng giận, Lai quay trở lại nhà ông Huỳnh ném vào đó một quả lựa đạn.
Khi công an vào cuộc, biết không có nhân chứng, Bùi Văn Lai đổ hết tội cho cha con ông Huỳnh. Cơ quan CSĐT vào cuộc và rất nhanh chóng, ngày 7/1/1983, cả 4 cha con ông Huỳnh bị bắt tạm giam vì là nghi can của vụ án.
Những ngày trong trại tạm giam, mấy cha con ông phải chịu rất nhiều áp lực. Thương cha và các em, người anh cả Nguyễn Sỹ Lý đã nhắm mắt thừa nhận chính mình là người đã ra tay giết Vinh để người thân thoát được cảnh tù đày.
Theo Đời sống Pháp Luật