Cộng đồng mạng dậy sóng
Bài viết về chị Mỹ Nhân, người mẹ nghèo tự tử cho con được sống, được học hành được đăng tải từ hơn 1 năm trước bỗng nhiên trở thành câu chuyện thời sự của hôm nay. Cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ chóng mặt lá thư của chị: "Mẹ chết để giảm gánh nặng cho cha con, để phù hộ cho cha con các con được trúng số độc đắc, để chính quyền thấy nhà mình thực sự khổ rồi cấp sổ hộ nghèo, vay tiền đóng học phí cho các con. Các con hãy gắng vươn lên, học tập đổi đời, đừng để cha con phải khổ thêm”.
"Tình mẹ, nghĩa cha là những bậc thang cảm xúc, và cũng là bậc thang để những đứa con vững bước trên đường đời. Vì vậy, các con của chị hãy số gắng học hành chăm chỉ để mẹ các em được siêu sinh. Hạnh phúc của đời người là tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái, anh em đối với nhau….". Độc giả Arc Nguyen (mail:arcnguyen@gmail.com) chia sẻ. Chung cảm xúc này, độc có nick name Rose (mickey100….3@gmail.com) viết: “Tình yêu của người mẹ thật vĩ đại...Thay mặt những người con cảm ơn tình yêu vô bờ của các mẹ... Cầu chúc cho linh hồn chị được siêu thoát!)
Thấu hiểu sự hy sinh của cha mẹ với các con, chị Trần Hà Minh ở Hà Nội tâm sự: “Tôi đọc mà trào nước mắt, không ăn nổi bữa cơm! Tôi nhớ thương cha mẹ tôi quá! Cha mẹ tôi cũng đã hy sinh cả cuộc đời tần tảo, chịu thương chịu khổ để cho chị em tôi ăn học thành người”.
Bức thư của chị Mỹ Nhân.
Độc giả Lê Thanh Chiêu (trang30t….@gmail.com) viết “Lỗi lớn nhất là của chính sách nhà nước không hợp lý. Chính sach chạy thụt lùi so với thực tế xã hội. Thử hỏi: Với 400.000 đồng/tháng/người, sống bằng niềm tin à? Không tính đóng tiền điện hàng tháng hả? Điện muốn tăng bao nhiêu thì tăng. Một tháng phải trả biết bao nhiêu chi phí.Vật giá thì tăng với tốc độ chóng mặt, ăn còn không đủ, lấy đâu ra đóng tiền học phí. Càng nói càng thấy ức!”
“Một câu chuyện đau buồn, quá thương tâm. Khó có sự hoàn hảo, nhưng dường như: cuộc sống này, con người ta phải lo toan, phải chạy vạy quá nhiều cho cuộc sống mưu sinh hàng ngày của chính họ, và đối với nhiều người thì đó còn là sự ích kỷ, để rồi sự quan tâm, chia sẻ với nhau trong cuộc sống đời thực giữa con người với con người còn quá mờ nhạt, và chỉ đến lúc những sự việc đáng tiếc như thế này xảy ra, người ta mới cảm nhận được giá trị đích thực của cuộc sống làm người.
Thôi thì ta cứ sống làm sao cho có tình, có lý, biết lo toan cho chính mình, không ghen ghét, không đố kỵ, không ích kỷ cá nhân, biết chia sẻ, cảm thông cho nỗi khổ, trường hợp, hoàn cảnh của người khác, mình là người và người ta thì cũng có khác gì mình đâu, tại sao lại cứ áp đặt, cứng nhắc mà đó lại không phải là chia sẻ!” một bạn đọc gửi tâm sự chia sẻ.
Thoát nghèo bằng con đường học vấn hay là chết, câu hỏi nhức nhối
Một chuyên gia xã hội học nhận xét, câu chuyện của hơn một năm trước bỗng nóng trở lại là bởi đây đang là thời điểm các sĩ tử sau mùa thi sẽ tới lúc tựu trường. Hàng ngàn bạn trẻ con nhà nghèo đang đứng trước cánh cửa lựa chọn sinh tử cho cuộc đời mình: có nên đi học đại học bằng bất cứ giá nào, kể cả để cha mẹ phải ăn cám, phải chết.
"Có thể, có ai đó cho rằng những sự hy sinh đó là mù quáng, rằng những đứa con không nên tận hưởng ân phúc cha mẹ một cách đớn đau như thế, bởi việc học này học nọ không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công. Nhưng, sự hy sinh nào của cha mẹ dành cho con cũng luôn là tự nguyện, từ cái lý của trái tim. Đặc biệt, khi phải sống trong gia cảnh tận cùng của nghèo đói, khổ đau, mới có thể lý giải nổi những vọng ước, những hy sinh vô điều kiện của những bà mẹ như thế", bạn đọc An Nhiên chia sẻ.
Con trai chị Nhân ôm di ảnh mẹ.
Được biết, chồng con của chị Mỹ Nhân hiện đã sinh sống trong một ngôi nhà khang trang hơn. Nhưng nỗi đau vẫn không thôi rỉ máu trong lòng họ.
Người mẹ chấn động cộng đồng mạng hôm nay có cái tên thật đẹp - Nguyễn Thị Mỹ Nhân, 38 tuổi, ngụ ấp 5, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Không như cái tên đẹp gửi gắm những mơ ước của bậc sinh thành, cuộc đời chị đầy tăm tối.
Sau những năm tháng chìm đắm trong cuộc sống bệnh thật, đói nghèo đến cùng cực, chị đã chọn quyên sinh với hy vọng đỡ gánh nặng cho chồng con, kiếm được ít tiền phúng điếu và gia đình được cấp sổ hộ nghèo.
Trong lá di thư để lại trước khi nhắm mắt xuôi tay, người đàn bà khốn khổ ấy giãi bày với chồng: “Anh! Trong hoàn cảnh gia đình mình quá khổ, em không sống nổi với anh và các con. Từ một tháng qua, em bệnh, nằm xuống nhưng không ngủ được. Em nhớ đến nợ nần, đến tiền học phí của các con, đến sự khổ cực cả đời của anh. Em đã cố gắng lắm rồi, em chạy tiền bằng mọi cách để trị bệnh, để lo đóng học phí cho các con, nhưng có ai cho mình mượn, mình vay đâu.”
Chị cũng tâm sự để các con mình hiểu nỗi lòng của mẹ: “Các con, Bằng, Tâm, Ngân. Các con đừng trách mẹ, mẹ khổ nhiều lắm. Mẹ chạy tiền cho các con ăn học, bây giờ nợ nhiều lắm… Mẹ đã đi van xin được cấp sổ hộ nghèo để mẹ vay tiền đóng học phí cho các con. Nhưng không ai cho gia đình mình nghèo hết. Mẹ chết để giảm gánh nặng cho cha con, để phù hộ cho cha con các con được trúng số độc đắc, để chính quyền thấy nhà mình thực sự khổ rồi cấp sổ hộ nghèo, vay tiền đóng học phí cho các con. Các con hãy gắng vươn lên, học tập đổi đời, đừng để cha con phải khổ thêm”.
Ám ảnh nhất trong di thư chị để lại là những dòng chữ cầu xin nhắn nhủ “Xin các cấp chính quyền ấp 5 soi xét cho hoàn cảnh quá khổ, không lối thoát của chúng tôi mà xét cấp sổ hộ nghèo cho chồng con tôi được sống những ngày tháng còn lại trên đời. Anh Bảo! Anh ra Hội chữ thập đỏ xin hòm liệm em, đừng mua tốn kém lắm, dành tiền lo cho các con mình ăn học nghe anh”.
Theo Baophapluat.vn