Trước đó, ngày 5/11, em Nguyễn Quốc Anh (17 tuổi, học sinh lớp 12, trường THPT Phước Bình, phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) đã treo cổ tự tử tại nhà.
Mẹ đau đớn tột cùng
Sau những ngày liên tục ngất xỉu, tỉnh dậy thì mơ hồ và hay nói sảng, mãi đến ngày 9/11, sức khỏe, đầu óc bà Nguyễn Thị Bích (mẹ Quốc Anh) mới tạm ổn sau khi chôn cất con.
Người mẹ đáng thương nói, mặc dù căn bệnh tim hành hạ bà quanh năm nhưng bà đã cố gắng hết sức mình để làm lụng vất vả nuôi con ăn học chỉ với mong ước giản dị sau con mình này có cuộc sống ổn định. Nào ngờ, đứa con bồng bột, suy nghĩ nông cạn đã dại dột kết thúc cuộc đời bằng cách treo cổ tự tử khiến bà suy sụp, muốn chết đứng.
Bà kể, từ khi cha Quốc Anh mất cách đây 7 năm, các anh chị lập gia đình ra riêng sống và do điều kiện các con cũng khó khăn nên ít về thăm mẹ con bà. Nhiều năm qua chỉ còn hai mẹ con sống trong căn nhà xây đơn sơ. Thời gian đầu, sau khi cha mất, thấy nhà nghèo nên Quốc Anh hứa với mẹ sẽ học tập chăm ngoan sau này thành tài nuôi mẹ tuổi già.
Bà Nguyễn Thị Bích bên quan tài con trai út
Bà Bích kể tiếp, sáng ngày 5/11, hai mẹ con ăn cơm sáng với nước tương, sau đó Quốc Anh đến trường đi học bình thường. Hơn 11h, khi về nhà, Quốc Anh không ăn cơm và vào phòng khóa cửa trong lại. Ăn cơm xong bà đi làm ngay (cách nhà khoảng 500m) để kịp nguồn hàng cho chủ.
Sợ con ngủ quên nên khoảng 13h, bà về gọi con dậy đi học. Về nhà thấy cửa chính khép kín, bà đẩy cửa vào nhà, đến phòng riêng Quốc Anh gọi cửa nhưng không thấy con ra mở. Bà đi ra cửa sổ nhìn vào phòng thì thấy con thắt cổ trong phòng. Quá hoảng sợ, bà hô hoán nhờ hàng xóm cứu giúp. Ngay sau đó rất đông hàng xóm vào phòng cắt sợi dây dù thả em xuống và sơ cứu. Sờ thấy người còn nóng nên mọi người vội gọi taxi chuyển đến bệnh viện nhưng các y bác sĩ xác định em Quốc Anh đã chết trước đó.
“Nó (Quốc Anh - PV) là niềm an ủi duy nhất để tôi chống chọi lại căn bệnh tim. Nhiều lúc cơn đau hành hạ, chỉ mình nó lo liệu, nó đi rồi không biết sau này ai lo cho tôi đây” – bà Bích nức nở nói.
Chết để mẹ bớt khổ?
Theo bà Bích, công việc phân loại hạt điều nhân cho một cơ sở chế biến ở gần nhà trung bình mỗi ngày cho thu nhập từ 60-70 nghìn đồng. Khỏe thì đi làm, đau lại phải nghỉ. Ngần ấy thu nhập san sẻ cho cuộc sống của hai mẹ con những năm qua. Còn bệnh tình trở nặng thì vay mượn bà con lối xóm hoặc các con. Số nợ bao nhiêu bà giấu không dám cho con biết vì sợ con buồn nghỉ học.
“Vì nó rất thương mẹ nên hai mẹ con có no ăn no, có đói ăn đói. Thường chỉ cá khô, tàu hũ, nước tương cộng thêm với tô canh nhưng chẳng bao giờ nó chê dở cả mà cứ hay khen mẹ nấu ngon. Mới đây tiết trời trở lạnh, nó có mượn được ở đâu đó cái áo gió (áo lạnh) về mặc. Tôi hỏi áo ở đâu thì nó nói mượn của thằng Nhân (bạn thân của Quốc Anh). Tôi nói chờ lãnh lương mẹ mua cho con áo mới nhá, nó gật đầu. Ai ngờ chưa mua được áo mới thì nó bỏ tôi mà đi. Chắc nó nghĩ tôi ốm yếu mà cứ phải làm việc khó nhọc để nuôi nấng nó nên nó tìm đến cái chết để tôi bớt khổ” – bà Bích nghẹn ngào.
Em Huỳnh Trọng Nhân, người bạn cùng lớp và thân nhất trong số bạn bè của Quốc Anh, cho biết hai người sống với nhau như anh em ruột. Có bất cứ chuyện gì Quốc Anh cũng kể cho em biết. Cách đây không lâu khi mẹ Quốc Anh lên cơn đau tim, Quốc Anh đưa mẹ đi khám bệnh và được các bác sĩ cho biết, chi phí điều trị tốn hơn 100 triệu đồng và khả năng thành công của ca mổ là 50-50. Thấy vậy nên mẹ Quốc Anh nói để uống thuốc sống cầm cự. Sau lần đó, Quốc Anh rất buồn nhưng vẫn đi học đều đặn.
Một lần khác, Quốc Anh tâm sự muốn nghỉ học đi phụ bán ở một cây xăng để có tiền chữa bệnh cho mẹ nhưng mẹ và các bạn khuyên nên vẫn tiếp tục đi học. Ở lớp Quốc Anh sống vui vẻ, hòa đồng với các bạn, gặp bạn bè Quốc Anh thường nói nhiều, toàn chuyện vui nên trong lớp ai cũng mến. Tuy nhiên, ở nhà Quốc Anh lại sống rất khép kín, thường đóng chặt cửa phòng riêng và không quan hệ với bạn bè xóm giềng. Có lẽ quá buồn vì nhà nghèo, mẹ lại bị bệnh nên trong lúc quá quẫn trí Quốc Anh đã treo cổ tự tử.
“Khoảng 12h ngày 5/11, Quốc Anh có gửi cho em và 2 bạn khác bản tin nhắn ngắn gọn: “Tạm biệt mọi người, mình mãi mãi không gặp các bạn nữa”. Em cứ tưởng Quốc Anh đùa. Đến 1h30 em xuống nhà chở Quốc Anh đi học như thường lệ thì thấy rất đông người đang cấp cứu Quốc Anh. Em đến trường đi học và nhận được tin báo Quốc Anh đã chết sau đó không lâu. Đến giờ em cũng không nghĩ Quốc Anh lại treo cổ tự tử như thế này”.
Các anh chị của Quốc Anh cũng cho biết, ở nhà em rất ít nói, ăn xong là lẳng lặng vào phòng đóng cửa một mình. Thời gian gần đây anh chị cũng thấy em mình có biểu hiện của bệnh trầm cảm nhưng chưa kịp đưa đi điều trị thì em đã làm chuyện dại dột. Chị Nguyễn Thị Oanh, chị cả trong nhà nói: “Ở nhà em nó là người mà mẹ thương nhất. Cuộc sống khó khăn nên chúng tôi đều phải nghỉ học sớm. Cả nhà ai cũng mong nó học hành đỗ đạt sau này thành tài. Ai ngờ nó lại nỡ lòng nào bỏ mẹ, anh chị em ra đi”.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Văn Vẫn, hiệu trưởng trường THPT Phước Bình, cho biết Quốc Anh là học trò ngoan, học lực khá, hạnh kiểm tốt. Em rất hòa đồng, gần gũi thầy cô, bạn bè. Trước khi chết vài ngày Quốc Anh có xin phép cô chủ nhiệm nghỉ học đi khám bệnh và thăm thầy giáo chủ nhiệm hồi lớp 10 ở thị xã Đồng Xoài, sau đó đi học trở lại.
Do là hộ cận nghèo nên mọi khoản phí đều được nhà trường miễn, ngay cả tiền quỹ lớp. Thấy nhà nghèo nên em rất cố gắng vươn lên trong học tập, có học lực khá nên liên tiếp những năm qua, học kỳ nào em cũng được nhận học bổng, do đó luôn được thầy cô bạn bè quý mến. “Các anh chị của Quốc Anh cũng tâm sự gần đây em bị bệnh trầm cảm và ngày càng trầm trọng. Có lẽ cái chết của em chính do căn bệnh trầm cảm gây ra”.
Cô Nguyễn Thị Kim Huyên, giáo viên chủ nhiệm của Quốc Anh, cũng cho biết nhiều lúc em nhịn đói đến lớp học thấy rất thương, ngoài căn nhà xây đơn sơ thì trong nhà chẳng có vật dụng gì quý giá cả. Biết chuyện nhà nghèo nên đôi khi thầy cô cũng dành dụm tặng em ít tiền trang trải cuộc sống.
“Thật tội nghiệp cho người mẹ (bà Bích - PV) gầy gò ốm yếu, đau bệnh khi Quốc Anh chết đi. Trước đây khi cha còn sống thì kinh tế gia đình em ổn định lắm. Bà rất hy vọng vào con mình, vì với lực học của em thì không khó để chọn cho mình một trường đại học” – cô Huyên chia sẻ.
Theo Khampha.vn