Theo dự kiến, sẽ có 3 thẩm phán Nhận, Lý, Vịnh thuộc TAND Tối cao ở Hà Nội về xét xử tại địa điểm TAND tỉnh Bắc Giang vào ngày 30/3.
Thẩm phán Thân Quốc Hùng, Phó Chánh tòa hình sự, TAND tỉnh Bắc Giang cho VietNamNet biết, mọi công việc chuẩn bị cho phiên phúc thẩm Lê Văn Luyện đã hoàn tất.
“Dù dự kiến phiên phúc thẩm không quá căng như phiên sơ thẩm nhưng vì tính chất đặc biệt của vụ án nên chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục triển khai công tác phòng ngừa như phiên sơ thẩm để phiên tòa diễn ra suôn sẻ”, lời ông Hùng.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm
Trao đổi với phóng viên trước ngày diễn ra phiên phúc thẩm, luật sư của gia đình nạn nhân, ông Phạm Văn Huỳnh cho biết, tại phiên phúc thẩm sẽ xuất hiện tình tiết mới, đó là sự xuất hiện của bé Bích, người đang phải gánh chịu nỗi đau đớn, mất mát lớn nhất trong vụ thảm án này.
Ngay sau đó trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện những luồng dư luận cho rằng, việc bé Bích xuất hiện trong phiên phúc thẩm là không cần thiết vì bé đã có lời khai trước đó tại cơ quan điều tra. Việc cô bé xuất hiện chỉ làm khoét sâu thêm nỗi mất mát đau đớn khi phải đối diện với kẻ đã gây ra thảm kịch cho gia đình mình.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Huỳnh cũng khẳng định, ngay cả khi bé Bích có xuất hiện tại tòa cũng không làm thay đổi mức án của Luyện vì khi gây án hắn ta chưa đủ 18 tuổi.
Cũng theo luật sư Huỳnh, trong phiên phúc thẩm, ông sẽ yêu cầu HĐXX làm rõ các vấn đề mà theo ông phiên tòa sơ thẩm chưa làm rõ được như:
Việc gia đình nạn nhân bị mất chiếc túi đựng một số tiền, vàng lớn hàng ngày thu gom lại trước khi đóng cửa hàng để tại phòng ngủ của bị hại.
Ông Huỳnh cho rằng, hồ sơ vụ án còn có dấu hiệu bỏ lọt tội danh đối với một số bị cáo trong vụ án.
Việc bồi thường thiệt hại, tổn thất tinh thần cho gia đình không đủ với thực tế chi phí của gia đình đã thanh toán, chi phí chữa bệnh và tổn thất vĩnh viễn về tinh thần cho cháu Bích khi giải quyết chưa được xem xét.
Về phía bị cáo, luật sư Nguyễn Bá Ngọc bào chữa cho Lê Văn Luyện cho rằng, từ các chứng cứ cơ quan điều tra, cho thấy hung thủ chỉ duy nhất có một người.
Luật sư Nguyễn Anh Sơn, Đoàn luật sư Hà Nội, bào chữa cho Trương Thanh Hồng (anh họ Luyện), Trương Văn Hợp (bố của Hồng) và Dương Thị Lược (mẹ Hồng) vẫn tham gia phiên phúc thẩm tới sẽ đề nghị HĐXX xem xét để giảm án cho các bị cáo.
Nỗi đau của gia đình nạn nhân
Theo ông Sơn thì thân chủ của ông đều là những người nông dân kém hiểu biết mà phạm tội không tố giác tội phạm.
Trước đó, vào ngày 11/1, TAND tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt Lê Văn Luyện mức án 18 năm về tội giết người, 18 năm cho tội Cướp tài sản, 9 tháng tù vì tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo quy định của pháp luật, bị cáo gây án khi chưa đến tuổi thành niên (17 tuổi, 10 tháng 6 ngày) nên tổng hợp các hình phạt không quá 18 năm tù.
TAND Bắc Giang nhận định, hồ sơ vụ án, kết quả khám nghiệm cho thấy không có cơ sở xác định Luyện có đồng phạm. Lời khai của Luyện về việc đột nhập tiệm vàng trùng với kết quả thực nghiệm hiện trường. Các vết chém trên người 4 nạn nhân khi khám nghiệm cũng khớp với lời khai hung thủ.
6 bị cáo còn lại của vụ án gồm: Lê Văn Miên (bố của Luyện) lĩnh án 48 tháng tù tội Che giấu tội phạm; đồng phạm Trương Thanh Hồng và Lê Thị Định bị phạt lần lượt 30 tháng, 15 tháng tù giam. Do không tố giác tội phạm, bị cáo Lê Thành Nghi bị phạt 15 tháng tù giam; Trương Văn Hợp 12 tháng và Dương Thị Lược nhận 9 tháng tù giam.
Gia đình bị hại yêu cầu được bồi thường 1,6 tỷ đồng, song HĐXX chỉ chấp nhận những chi phí được pháp luật quy định như tiền mai táng, chữa trị... Tổng tiền bồi thường được tòa xem xét là 316 triệu đồng.
Khoản này, Luyện và cha mẹ có nghĩa vụ thanh toán. Họ còn phải có trách nhiệm nuôi cháu Bích (nạn nhân sống sót) đến khi 18 tuổi, mỗi tháng chu cấp 1,5 triệu đồng.
Sau phiên sơ thẩm, cả gia đình nạn nhân và phía bị cáo đều có đơn kháng án. Các bị cáo Miên, Hồng, Định, Nghi, Hợp, Được đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ tội và xin được hưởng án treo.
Vietnamnet