Dù theo quy định, thời gian để thi hành án với một tử tù chỉ trên dưới 2 năm. Nhiều người gọi Thế là một trường hợp kỳ lạ, là một “tử tù bị lãng quên”.
Từ “ông chủ” của “vườn chim” đến “trại tiểu hổ”
Quả thật từ ngày có mấy con chim, tôi cũng thấy đỡ cô quạnh hơn, thời gian có vẻ như trôi nhanh hơn, tiếng hót của nó cũng làm cho tôi đỡ buồn hơn. Từ ngày có mấy con chim, căn phòng biệt giam rộn ràng hơn hẳn.
Chú cà cưỡng dù phải cho nó ăn nhiều nhưng bù lại nó cũng hót nhiều và hay hơn, nó hót nhái cả tiếng chuông điện thoại của cán bộ, đặc biệt hơn nó biết nói cả tiếng người. Biết được điều đó nên tôi thường dạy nó nói.
Cụm từ mà tôi dạy cho nó là: “Chào Ban, chào Ban” rồi: “Xuống xiềng, xuống xiềng”. Làm bạn với chim chưa được bao lâu thì xảy ra dịch cúm gia cầm H5N1 trên toàn quốc. Để không bị lây bệnh từ chim nên Ban giám thị đã cho cán bộ đưa những chú chim của tôi ra ngoài trại.
Và một lần nữa tôi lại cô đơn trong căn phòng biệt giam. Tuy nhiên trong thời gian này, tinh thần của tôi đã được cải thiện rất nhiều.
Điều khiến Đặng Văn Thế trở thành một tử tù đặc biệt và nổi tiếng là bởi
suốt hơn 10 năm, Thế không bị đưa ra pháp trường xử bắn
cũng không nhận được quyết định ân xá
của Chủ tịch nước.
Niềm hy vọng và lạc quan cũng bắt đầu trở lại với tôi sau khi có một đoàn Ủy ban kiểm tra pháp luật của Quốc hội về Trại tạm giam Nghi Kim thăm tôi và đoàn đại biểu hội đồng (Đoàn pháp chế) tỉnh Nghệ An với sự dẫn đầu của bà Bùi Thị Hương cũng đã vào buồng giam thăm tôi.
Sau khi chia tay với những chú chim của mình, tôi lại được ông Lê Văn Tài cho một con mèo tam thể để nuôi cho vui. Tôi đặt tên nó là Mương, ám chỉ cho sự cơ cực trong những năm tháng nằm trong trại giam.
Thời gian này, ngoài việc làm bạn với mèo, tôi còn dành thời gian làm thơ, cho dù thơ của tôi câu từ còn lủng củng nhưng đó cũng là niềm vui của tôi. Thơ của tôi chủ yếu mang tính tự sự và nói lên nỗi lòng và tâm trạng của chính bản thân mình.
Từ hồi về ở với tôi, bạn mèo Mương của tôi lớn nhanh như thổi vì có miếng gì ngon, tôi đều phần hết cho nó. Nhờ sự dạy dỗ của tôi nên nó rất khôn và rất ngoan. Nó biết đi vệ sinh vào đúng chỗ dành cho tôi và tuyệt nhiên không bao giờ biết ăn vụng.
Cùng với thời gian bạn mèo khôn lớn, những đứa con tinh thần của tôi cũng lần lượt ra đời (gần như Tết năm nào tôi cũng làm thơ gửi chúc Tết Ban Giám thị và hội đồng cán bộ).
Thời gian cứ thế trôi đi, vào đúng ngày 20/10/2006, sau hơn 2 tháng mang thai, bạn mèo thân yêu của tôi đã cho ra đời lần lượt 3 chú mèo con. 3 “công dân” mới của phòng biệt giam tử tù lần lượt được tôi đặt tên là Xe, Pháo, Mã.
Kể từ ngày có thêm Xe, Pháo, Mã, căn phòng biệt giam của tôi nhộn nhịp thêm rất nhiều. Vì chăm sóc chúng, tôi cũng trở nên bận rộn hơn. Sự có mặt của 4 mẹ con nhà mèo đã làm cho tôi có cảm giác như mình đang sống ở gia đình.
Một lần, Ban Tú vào thăm và đùa với tôi: “Năm ngoái Thế là “ông chủ” của vườn chim, năm nay lại là “ông chủ” của “trại tiểu hổ””. Ban bảo bây giờ có thêm 4 thành viên nữa, một suất cơm chắc sẽ không đủ ăn, từ nay nhà bếp của trại sẽ cho thêm một gô cơm nữa để cho 4 “cha, con, ông, cháu” ăn.
Được ăn uống đầy đủ nên chúng lớn lên rất nhanh và chẳng biết từ bao giờ, chuyện tôi - một người tử tù nuôi 4 con mèo đã được kể cho các phóng viên.
Sáng 30 Tết năm 2007, Ban Tú vào cho quà và chúc tết rồi bảo: Mấy “cha con, ông cháu” tắm rửa cho sạch rồi lát nữa có phóng viên vào chúc tết và viết bài về mấy “cha con, ông cháu”. Quả đúng như Ban Tú nói, khoảng 9h sáng, có một phóng viên đã vào chúc Tết và viết phóng sự về “cha con, ông cháu” chúng tôi.
Đúng 10 ngày sau, phóng sự “Đón tết cùng “cha con” nhà tử tù” đã được đăng trên mặt báo. Sau bài báo đó cho đến ngày tôi được tha tội chết, còn có 5 tờ báo nữa về trại viết về chuyện lạ có thật của cha con chúng tôi.
Tuy nhiên thật đáng tiếc cho cả tôi, Xe, Pháo, Mã là vào đúng ngày bài báo đầu tiên được đăng tải, mèo Mương – mẹ của Xe, Pháo, Mã đã vĩnh viễn không trở về. Nó rơi xuống bể nước của trại giam mà chết. Ngay đêm đó, tôi đã làm bài thơ “Khóc mẹ Mương” thay cho Xe, Pháo, Mã:
Mương bỏ ra đi khi còn trẻ
Bỏ Xe, Pháo, Mã cho “Thế xiềng”
Nhìn chúng mà lòng cha đau nhói
Bởi không còn nữa bóng hình Mương.
Việc Mương ra đi để lại cho ông cháu tôi một sự trống trải vô cùng lớn. Ngày ngày tôi phải làm thay việc của Mương là nuôi dạy Xe, Pháo, Mã khôn lớn.
Cũng may là nhờ sự dạy dỗ của tôi, nên chúng đã chiếm được hầu hết tình cảm của Ban Giám thị và hội đồng cán bộ ở trại giam. Đặc biệt là màn cà râu của Mã và màn vồ bắt bóng của Xe, các Ban, ai cũng thích.
Sau này Pháo còn sinh hạ cho tôi 3 lứa nữa, lứa đầu được 3 con, đôi đặt tên theo các ngôi sao bóng đá: Beckham, Rooney, Totti. Lứa thứ hai cũng được 3 con, tôi tặng cho một người bạn tử tù cũng “đồng hành” với tôi ở khu “hộp diêm”.
Lứa thứ 3 là lứa trước ngày tôi được xuống xiềng gần 1 tháng, lứa này được 4 con, tôi đặt tên là Mùa – Xuân – Đã – Đến va đem tặng cho cán bộ.
4 con mèo với 4 cái tên ý nghĩa này dường như đã mang lại điềm lành cho tôi, vì sau đó 1 tháng, tôi nhận được quyết định ân xá từ tử hình xuống chung thân của Chủ tịch nước. Thú thật đối với tôi, mấy mẹ con nhà Xe, Pháo, Mã không chỉ là những người bạn thông thường, mà chúng chính là những tri âm tri kỷ của tôi.
Trong những năm tháng ở trại giam, sau khi bài báo đầu tiên được đăng tải, tinh thần tôi phấn chấn lên rất nhiều, tôi cảm thấy thanh thản hơn vì bài báo đã giúp tôi nói lên sự sám hối của mình với xã hội và những người sống xung quanh tôi.
Từ đó về sau, những bài thơ của tôi tỏ rõ sự lạc quan hơn, yêu đời hơn, yêu cuộc sống và yêu con người hơn. Thế nhưng vào thời điểm đó (tức là vào đầu năm 2007), ở trại giam Công an Nghệ An đã xảy ra một sự kiện lớn, tất cả các cán bộ trong Ban Giám thị, người nghỉ hưu, người chuyển đi công tác khác.
Tôi còn nhớ buổi sáng hôm đó, tôi đang nghe tiếng chim khuyên hót líu lo trên cây phượng đầu hành lang trại giam và ngắm nhìn ánh ban mai đang rạo rực vẫy chào một ngày mới, thì bỗng từ đâu một đám mây đen kéo đến và bầu trời trại giam có phần tối lại.
Tôi thấy lòng bỗng dưng buồn bã, nghĩ tại sao mùa xuân mà lại có những đám mây đen thế này. Đúng lúc đó cán bộ quản giáo đã bắt đầu một ngày mới. Tôi được cán bộ trại gọi lên làm việc, mời uống trà và nói chuyện. Ban bảo tôi tối qua Ban Tú đi thăm quan Trung Quốc về có gửi cho Thế mấy cái kẹo, lát nữa cầm vào phòng mà ăn. Đợt này Ban Tú sẽ về hưu đấy!
Tôi không biết cấp trên của Ban Tú có tâm trạng thế nào và suy nghĩ ra sao, còn tôi tuy chỉ là một tử tù nhưng cảm thấy rất hụt hẫng và bâng khuâng. Vì gần 10 năm ở trại giam, tôi đã có rất nhiều kỉ niệm với Ban Tú, bởi ngoài trách nhiệm và tình người ra, Ban Tú còn mang đến cho tôi niềm hy vọng rất lớn vào những ngày mai sắp tới mà tôi chưa biết kết cục sẽ ra sao.
Để biểu lộ sự hàm ơn với Ban Tú và tình cảm của tôi dành cho ông, ngay đêm đó tôi đã làm một bài thơ:
Sáng mùa xuân bầu trời mây ảm đạm
Từng đàn cò mỏi cánh xa xăm
Phải chăng chúng bay tìm nơi trú ngụ
Hay bay về “cửa phủ” nghỉ ngơi?
Sáng mùa xuân lòng con nghe trĩu nặng
Khi hay rằng Ban sắp nghỉ hưu.
Vẫn biết rằng mốt Ban về hưu
Sẽ có người lên thay làm giám thị
Nhưng thật lòng con mong Ban chưa nghỉ
Để mai này “mang xuân đến” cho con.
Biết rằng Ban hưu là được nghỉ
Nhưng thật lòng con chưa muốn Ban hưu
Con chúc Ban luôn dồi dào sức khỏe
Cùng con cháu sống vui vẻ, thanh bình.
Cùng gia đình vui thú cảnh điền viên
Và rồi ngày tôi phải chia tay với Ban Tú đã đến, đó là vào mùa thu năm 2007. Trước khi nghỉ hưu mấy ngày, Ban Tú đã dành thời gian vào thăm và chia tay tôi. Món quà hôm đó không phải thức ăn hay bánh kẹo mà là một cây xương rồng.
Ban bảo tôi: “Vài hôm nữa Ban về hưu, có ông Tỵ ở Con Cuông về thay Ban và ông Viện sẽ thay Ban Thìn. Dù Ban hay ai làm giám thị thì Thế cũng phải chấp hành tốt cải tạo. Thời gian thụ hình của Thế đã gần 10 năm, chắc chẳng bao lâu nữa Thế sẽ có tin vui, dù Thế có gặp khó khăn thì cũng phải giữ vững niềm tin.
Ban mong Thế nghĩ thật kỹ và cố gắng hiểu hết ý nghĩa vì sao Ban lại tặng Thế cây xương rồng. Dù ở môi trường khắc nghiệt đến mấy, cây xương rồng vẫn sống và nở hoa...”.
Là một tử tù, tôi không dám ví mình như cây xương rồng, nhưng tôi tin và tôi hạnh phúc khi hiểu rằng, Ban Tú đánh giá cao sự chịu đựng và khát vọng sống trong tôi. Tặng cây xương rồng, cũng là một cách Ban khích lệ tôi phải không ngừng sống, không ngừng khát vọng.
Ngày 2/9 năm đó, vào thăm tôi không phải là Ban Tú nữa mà là ông Nguyễn Duy Tỵ và Nguyễn Ngọc Viện. Dù tôi chỉ làm phạm nhân của các ông ấy gần 3 năm, nhưng tôi cũng có không ít những kỉ niệm với họ.
Ấn tượng tốt đẹp đầu tiên mà ông ấy dành cho tôi là đêm 30 tết năm đó. Hôm đó vào khoảng 11h30 phú đêm 30 tết, chỉ còn 30 phút nữa là đến giao thừa, Phó Giám thị Nguyễn Ngọc Viện đã vào buồng giam chúc Tết và phát kẹo cho tôi.
Ông bảo: “Hôm 27 Tết, tôi đã nhận được thư chúc Tết của anh và hội đồng cán bộ trại. Tôi xin cảm hơn những tình cảm tốt đẹp của anh dành cho các cán bộ trại và chúc anh sang năm mới dồi dào sức khỏe, tiếp tục “cuộc trường chinh” chờ đợi quyết định ấn xá của Chủ tịch nước.
Hy vọng đây là cái Tết đầu tiên và cũng là cái Tết cuối cùng tôi và Ban Viện được chúc Tết anh. Chúng tôi biết vào thời khắc thiêng liêng này, anh rất buồn và rất nhớ gia đình, nhưng chúng tôi mong anh hãy kìm nén lại, để hướng tới một “mùa xuân” tươi đẹp đang đợi mình phía trước.
Ban Tú có gởi lời chúc Tết anh và dặn anh là bao giờ “xương rồng nở hoa” thì hãy báo cho ông ấy”. Khi ban Tỵ ra khỏi phòng, trong lòng tôi trào dâng một cảm xúc khó tả. Tôi vừa cảm động vì tình cảm rất người của ông ấy, nhưng cũng rất buồn vì nỗi nhớ gia đình, người thân. Dù rất kìm nén, nhưng những giọt nước mắt vẫn lăn trên má tôi.
Chờ đợi “xương rồng” nở hoa
Bước sang năm 2008, khát vọng sống trong tôi càng trở nên mãnh liệt. Ngọn lửa hy vọng không ngừng cháy, chỉ có điều sức khỏe của tôi không được tốt, phần vì bệnh đại tràng của tôi ngày một nặng hơn.
Ngày 1/4 năm đó, tôi đang ngồi bó gối trong xiềng nghe ca sĩ Hồng Nhung hát bài “Trở về cát bụi” nhân kỉ niệm 8 năm ngày mất của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì Ban Tỵ vào thăm. Ông tươi cười hỏi tôi: “Dạo này anh có ăn ngủ được không, sao mà gầy thế này? Thần sắc anh không được tốt”.
Khi nghe tôi bảo bị bệnh đại tràng, ông đã yêu cầu bác sĩ xuống điều trị cho tôi rồi tặng cho tôi một gói kẹo ông mua làm quà cho tôi nhân chuyến đi công tác xa. Nhờ sự quan tâm của Ban Tỵ mà cán bộ trạm xá đã điều trị đại tràng cho tôi. Sau gần 2 tháng điều trị, bệnh của tôi đỡ rất nhiều, sức khỏe và tinh thần cũng hồi phục trở lại.
Cũng ngày hôm đó, có một nhóm phóng viên truyền hình xuống trại làm phóng sự về các tử tù và tôi được Ban Tỵ cử là đại diện họ trả lời các câu hỏi phỏng vấn. Hôm đó tôi trả lời rất nhiều câu hỏi của phóng viên, nhưng có một câu mà tôi nhớ mãi, họ hỏi tôi nghĩ gì về các cán bộ trại giam, tôi trả lời:
“Các cán bộ trại giam không phải là những người canh tù như người đời bên ngoài vẫn nghĩ, mà họ là những người mang tấm lòng nhân ái đi thắp sáng niềm tin cho chúng tôi. Hay nói cách khác, họ là ánh ban mai sưởi ấm cho tâm hồn tội lỗi của chúng tôi”.
Cho đến hạ tuần tháng 7, Ban Viện vào thăm tôi và thông báo: “Lát nữa sẽ có phóng viên báo Công an Nhân dân vào phỏng vấn Thế. Hy vọng sau bài báo này, Chủ tịch nước và các cấp có liên quan sẽ lưu tâm đến anh, vì anh đã bị thụ hình quá lâu rồi”.
Trước khi Ban Viện rời khỏi buồng giam, ông còn dặn tôi nhớ nhờ phóng viên chụp cho tấm hình kỉ niệm chung với Xe, Pháo, Mã. Gần 10 ngày sau, bài phóng sự “tử tù đặc biệt” của nhà báo Xuân Luận được đăng trên báo Công an Nhân dân.
Sáng hôm đó, tôi đang ăn dở bát mì tôm thì ban Viện vào đưa cho tôi tờ báo. Đón nhận tờ báo từ tay ban Viện, tôi đọc rất chăm chú, và đọc đi đọc lại tới 3 lần. Tôi đã không cầm nổi nước mắt khi đọc những gì bài báo viết. Đó là những điều rất tốt đẹp về tôi, dù rằng tôi là một tử tù đã vì đồng tiền mà mang bất hạnh đến cho bao người.
Gấp tờ báo lại, tôi ngửa mặt lên ô văng buồng giam nghĩ về cuộc đời mình và những điều tội lỗi mình đã làm ra; nghĩ đến bố mẹ già đang lủi thủi nơi căn nhà xiêu vẹo ở quê. Được sự cho phép của các cán bộ trại giam, chiều hôm đó, tôi đã gọi điện về cho bố mẹ.
Cầm máy lên, tôi chưa kịp nói gì mẹ tôi đã bảo: “Cha mẹ vừa đọc bài báo viết về con, con cố gắng lên nhé. Có lẽ đợt này Chủ tịch nước sẽ tha tội chết cho con”.
2 hôm sau, mẹ tôi đã xuống thăm tôi. Theo quy định thì tử tù chỉ được gặp gia đình qua phòng kính, nhưng là tử tù đặc biệt, lại chấp hành nghiêm các quy định của trại giam nên tôi được cán bộ cho gặp mẹ tại phòng gặp luật sư.
Vừa đặt chiếc làn lên chiếc bàn đá, chưa kịp lau mồ hôi, mẹ tôi đã ôm lấy tôi mà khóc. Tôi choàng tay lên đôi vai gầy của mẹ, thắt lòng khi thấy vai mẹ run run. Mẹ ôm tôi rất lâu, như thể sợ tôi sẽ rời khỏi vòng tay âu yếm của mẹ. Hôm đó tôi khóc như một đứa trẻ lên ba.
Mẹ bảo cha tôi cũng muốn xuống thăm tôi, nhưng xe máy không được đi ba, mà đường thì xa, cha tôi sức khỏe lại yếu nên đành để dịp khác. Cha dặn dù thế nào đi nữa tôi cũng không được bi quan tuyệt vọng. Tôi phải chấp hành thật tốt, không phụ lòng tin và tình thương của các cán bộ ở trại giam. Mẹ bảo mẹ bán 3 yến lúa, được 200 nghìn để gửi vào lưu ký cho tôi.
Buổi chiều sau khi mẹ tôi đến thăm, tôi đang ngồi chơi với Xe – Pháo – Mã thì Ban Tỵ vào thăm. Ban hỏi thăm về mẹ tôi rồi bảo: “Sáng nay mẹ anh có lên gặp tôi, biếu tôi một ít quà. Tôi không nhận nhưng mẹ anh bảo nếu không nhận thì bà không an tâm ra về.
Sợ mẹ anh buồn nên tôi nhận túi khoai, trưa nay tôi mời mọi người ăn rồi. Còn ít trứng tôi mang vào cho anh để anh bồi dưỡng, anh không phải suy nghĩ gì đâu, coi như tôi đã nhận quà của mẹ anh biếu rồi, còn đây là cái tôi cho anh”.
Trước lúc ra về, ban Tỵ đã bảo cán bộ quản giáo: bao giờ anh Thế ăn thì nhờ đồng chí mang xuống bếp rán cho anh Thế mấy quả. Tối hôm đó, tôi nghĩ rất nhiều về ban Tỵ. Tôi là một tử tù đã gây ra bao tội ác, thế mà ông ấy vẫn xem tôi như một đứa con lạc lối. Tôi coi đó là may mắn, là ân phước của cuộc đời mình.
Phunutoday