Cánh phóng viên chuyên mảng pháp luật gọi vui họ là những "hotboy" trong xà lim.
1. Khi cảnh sát dẫn giải bị cáo Vũ Tuấn Linh (30 tuổi), trú tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vào phòng xử án, một phóng viên nữ một tờ báo mạng kéo tay rồi nói nhỏ vào tai tôi: Cậu này mà ở ngoài đời thì… không thoát khỏi em đâu! Giữa phòng xử án nghiêm trang, tôi bỗng bật cười vì sự hồn nhiên và thật thà của cô.
Dù đã xem hồ sơ về vụ án mà Linh là kẻ chủ mưu vụ giết người, cướp tài sản cách đây không lâu, trong đó có tàng thư căn cước với ảnh Vũ Tuấn Linh chụp ở ba góc độ, nhưng phải đến lúc đó, tôi mới để ý kỹ khuôn mặt bị cáo. Linh có dáng người cao, khỏe, khuôn mặt đậm chất đàn ông với bộ râu quai nón chưa cạo nhẵn.
Bị giam lâu, không được tiếp xúc với ánh nắng nên nước da bị cớm, trở nên trắng xanh càng làm nổi rõ bộ râu mờ mờ hai bên má. Khi mới bị bắt, Linh có vẻ phong trần hơn, bởi bị cáo là dân xây dựng, hàng ngày phải bám các công trình thi công. Chính vẻ đẹp phong trần cộng với tài ăn nói khéo léo đã khiến nhiều cô gái trẻ chết mê chết mệt Linh.
Quả đúng như thế. Trong thời gian nhận thi công một công trình ở Quảng Ninh, Linh đã có quan hệ mặn nồng với chị Nguyễn Thị Vân Chi nhà ở Yên Hưng, Quảng Ninh, là nhân viên massage của khách sạn Hạ Long Bay. Đang thi công thì hết tiền, Linh vay của Chi 65 triệu đồng nhưng mới trả được một nửa, còn một nửa hẹn khi nào có trả nốt. Cùng thời gian, Chi cần tiền để gửi về cho mẹ xây nhà ở quê, Chi đòi liên tục nhưng Linh cứ khất lần. Tình yêu giữa hai người bắt đầu rạn nứt từ những lần cãi nhau đòi nợ đó.
Điều đáng nói là trước khi quan hệ với Chi, Linh đã gặp và yêu Phạm Thị Thủy nhà cũng ở Quảng Ninh. Nếu cộng cả người vợ tần tảo ở nhà chăm sóc đứa con đầu lòng thì Linh cùng một lúc đã quan hệ với… 3 người phụ nữ.
Vũ Tuấn Linh từng tốt nghiệp một trường cao đẳng ở Vĩnh Phúc, ra trường làm giáo viên THCS. Chán nghề gõ đầu trẻ, Linh về Hà Nội học tại chức khoa xây dựng trường Đại học Kiến trúc rồi đi làm cai thầu xây dựng. Kể sơ qua như vậy để biết, cuộc đời nay đây mai đó của Linh cộng với vẻ tốt mã và tài ăn nói đã đưa đẩy y vào vòng xoáy của những cuộc tình dọc những lộ trình y đã qua.
Ngay cả bi kịch mà Linh gây ra cũng khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên đến sững sờ. Trong một lần về Hà Nội vay tiền trả nợ Chi, Linh đã "điều" cả Chi và Thủy cùng đến nhà nghỉ Sao Mai nằm trên đường Yên Phụ. Chi và Linh ở phòng 406, còn Thủy ở phòng 206. Mâu thuẫn bị đẩy tới đỉnh điểm khi Linh không vay được tiền. Còn Chi thất vọng và tức giận khi nghĩ mình bị lừa dối. Trong cơn bế tắc, Linh đã dùng dao nhọn đâm Chi tới chết với ý nghĩ điên rồ, rằng sẽ không phải trả nợ Chi nữa.
Trước giờ xét xử, bị cáo Linh cũng đã tâm sự với tôi: Khi giết Chi trong nhà nghỉ, cháu không nghĩ gì cả. Lúc đó cháu như một cái máy, không còn biết mình làm gì nữa. Sau khi bị Công an bắt giữ, lúc đầu là cảm giác lo sợ. Sau buồn phiền và trống rỗng. Một người gây ra tội ác như cháu thì còn mong gì sự thương hại của người khác nữa. Cháu biết tội mình rất nặng, nhưng cháu vẫn cầu xin Tòa cho cháu một cơ hội được sống, để cháu có điều kiện sửa chữa những lỗi lầm của mình.
Linh có một chất giọng khá truyền cảm, ấm và chậm rãi. Với một người đàn ông, những yếu tố đó tạo nên sức hút với người phụ nữ. Có lẽ, đến lúc đó tôi mới hiểu, nếu Linh còn ở ngoài đời, chắc y còn "lướt" thêm vài cuộc tình nóng bỏng nữa và những cô gái trẻ đẹp nếu có sa vào lưới tình của Linh thì cũng là điều dễ hiểu.
Trong phiên tòa sơ thẩm hôm đó, cùng với Linh còn có cả Phạm Thị Thủy bị truy tố về tội che giấu tội phạm. Chính Thủy là người ở bên Linh vào những thời điểm khó khăn nhất khi Linh vừa ra tay giết người. Thủy đã mua quần áo mới cho Linh, phi tang các giấy tờ của Chi giúp Linh và chứng kiến tường tận những giây phút cay đắng nhất của Linh. Thế nhưng, trong phiên tòa hôm đó, giữa hai người là một khoảng cách. Thỉnh thoảng họ chỉ trao đổi nhỏ một điều gì đó và tất cả trở thành những bí mật cuối cùng của kẻ tử tù có số đào hoa này.
2. Khi lĩnh án tử hình, Ngô Quang Phong vừa tròn 20 tuổi. Đôi mắt to, hai môi đỏ giữa ngày lạnh giá, nước da trắng, nhìn Phong quá ư thư sinh khiến người ta liên tưởng tới một cậu sinh viên vừa nhập trường.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình không may mắn, mẹ qua đời khi Phong còn nhỏ, bố lấy vợ khác, vậy là mấy chị em tan đàn xẻ nghé. Cuộc hôn nhân thứ hai của người cha cũng không mang lại hạnh phúc bởi sau khi hai người có với nhau một con chung, người đàn bà đó ôm con bỏ đi. Phong được gửi cho một người cậu ở Thanh Hóa, thỉnh thoảng vẫn về Hà Nội chơi với các chị. Nhìn khuôn mặt ấy, không ai có thể nghĩ rằng Phong lại là thủ phạm một vụ án mạng đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào một đêm tháng 6/2005.
Cái đêm định mệnh ấy, Phong thuê anh Nguyễn Văn Tường nhà ở quận Long Biên đi lòng vòng qua nhiều nơi rồi đưa anh về nhà với lý do chưa có tiền trả. Ngay tại căn phòng của mình, Phong bất ngờ rút dao đâm khắp người anh, thậm chí khi anh Tường còn chút sức tàn vùng chạy ra khoảng sân hẹp trước nhà cũng bị Phong nhào theo đâm tới khi anh gục trên vũng máu. Tài sản mà Phong cướp của Tường chỉ là chiếc xe máy cũ nát, 72.000 đồng và 2 USD.
Ngay sáng hôm sau, Phong bị bắt. Các chiến sĩ Công an quận Long Biên kể với tôi, khi thấy Phong ngồi bất động trên đường ray tàu hỏa phía sau nhà, họ đã dừng lại ít phút bởi họ biết, đó sẽ là những hình ảnh đẹp đẽ còn bám riết lấy Phong suốt những ngày sau đó trong Trại tạm giam.
Tại phiên tòa sơ thẩm, khi hỏi Phong về tội ác của mình, Phong cúi gằm mặt lí nhí: Em cũng không biết sao nữa. Lúc đó trong người em như có một con quỷ, sai khiến em làm theo nó. Chỉ đến khi nạn nhân gục xuống, em mới choàng tỉnh, nhưng tất cả đều đã muộn.
Sau ngày Phong bị giải ra trường bắn, một lần, tôi đã trở lại ngôi nhà từng xảy ra vụ án mạng và hỏi chuyện những người thân của Phong. Những câu chuyện không đầu không cuối của họ về một con người đã yên nghỉ dưới ba tấc đất khiến tôi càng thấy xót xa hơn. Dù sống ở nhà người cậu còn nhiều thiếu thốn, khó khăn nhưng Phong luôn cố gắng vượt qua và là học sinh tiên tiến trong nhiều năm.
Với những người chị, Phong luôn dành những tình cảm yêu thương rất đặc biệt. Có thể những ngày về Hà Nội, Phong nợ ai đó ít tiền, vì phải trả nợ gấp nên làm liều. Suốt từ nhỏ đến lớn, Phong chưa một lần hút thuốc lá, a dua bạn bè. Chính vì thế khi nghe tin Phong bị bắt về tội giết người, cướp tài sản, ai cũng choáng váng và thấy xót thương cho một người phải chịu nhiều thua thiệt, khổ đau từ tấm bé.
Ngày còn sống ở nhà cậu, một lần, người cậu bảo với Phong: Trông tướng mày trắng trẻo, thư sinh, làm thầy giáo là hợp nhất. Phong cười: Vâng, cháu cũng muốn làm thầy giáo, nhưng chắc khó lắm, vì cháu học có ra gì đâu. Nhưng nếu thi cử không đỗ để trở thành thầy giáo thì cậu cho cháu đi bộ đội nhé. Cháu cũng thích là bộ đội mà. Ước mơ giản dị và đẹp đẽ ấy đã vĩnh viễn khép lại khi Phong vừa bước sang tuổi 20, lứa tuổi đẹp nhất của đời người để trả giá cho tội ác kinh hoàng đã gây ra.
3. Những khuôn mặt bảnh bao, đẹp đẽ bao giờ cũng gây được thiện cảm cho người đối diện ở những lần đầu gặp gỡ. Cùng với khuôn mặt đó sẽ là những câu chuyện không bao giờ có hồi kết về những cuộc tình ngắn ngủi, những si mê dại khờ, những vấp váp tình trường…
Ngoài Vũ Tuấn Linh, Ngô Quang Phong, một số tử tù khác cũng có khuôn mặt khá điển trai như Lê Xuân Học, Nguyễn Minh Hiệp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Đức Nghĩa… Họ hầu hết là những người trẻ, thậm chí từng theo học những trường đại học danh tiếng. Sự nông nổi của tuổi trẻ với những cú vấp đầu đời đã khiến họ không còn kiểm soát được mình nữa để rồi chính họ trở thành những tên tội phạm nguy hiểm mà để đền tội, họ phải đánh đổi cả mạng sống của mình.
Thỉnh thoảng, tôi lại qua trường bắn Cầu Ngà. Trên những ngôi mộ của tử tù, tôi chợt thấy có những bông hồng trắng muốt rũ xuống. Các chiến sĩ bảo vệ trường bắn kể với tôi rằng, vào những ngày cuối tuần, có nhiều cô gái trẻ đến đây từ sớm thắp hương và đặt những bông hồng đó trên mộ tử tù. Những cô gái trẻ ấy là ai, điều đó đâu quan trọng, chỉ cần biết họ đến tâm sự và cầu mong sự thanh thản cho người dưới mộ. Âu đó cũng là cách để họ nhẹ lòng hơn khi bước ra khỏi trường bắn và trở về với cuộc sống đời thường.
Cảnh Sát Toàn Cầu