Theo Đại tá Tô Xuân Thiều, ngay khi nhận được tin báo cháy khẩn cấp, Sở đã điều 8 đội phòng cháy của các quận, huyện khẩn trương đến ngay hiện trường.
Lực lượng cứu hộ gặp khó khăn khi tiếp cận các nạn nhân trên những tầng cao.
Do tòa nhà vẫn đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện, nên hệ thống PCCC tại chỗ hiện không hoạt động, toàn bộ là trông cậy vào sự cứu hộ từ bên ngoài. Ngay sau khi tới nơi, Cảnh sát PCCC đã phối hợp với nhà thầu xác định tính chất, địa điểm cháy. Đồng thời song song với công tác chữa cháy là tập trung trọng điểm công tác cứu người.
“Điểm cháy được xác định ở tầng hầm, sau đó lan sang các hộp, đường kỹ thuật lên mãi đến tầng 30. Công tác kiểm tra cả 33 tầng của tòa nhà đang hoàn thiện này để cứu người là rất vất vả. Cầu thang bộ bị khóa từng tầng, nên phải phá cửa rất khó khăn. Trong khi đó đám cháy lớn thiêu đốt mút, xốp, dây điện phát ra khí độc… khiến lực lượng cảnh sát phòng cháy nhiều người bị ngạt” - Đại tá Tô Xuân Thiều nói.
Về xe thang cứu hộ, cứu nạn, Đại tá Thiều cho biết, hiện lực lượng Cảnh sát PCCC TP.HCM có hai xe vươn tới độ cao 72m; Cảnh sát PCCC Hà Nội có một xe vươn tới độ cao 52m, song rất nặng nề và dài, không phù hợp với điều kiện đường sá Việt Nam.
“Vì thế công tác PCCC không phải chỉ có ở các tòa nhà đã đưa vào sử dụng mà ngay cả các tòa nhà đang thi công cũng phải hết sức chú ý. Quá trình thi công, chủ nhà thầu phải lên công tác PCCC và khi xảy ra sự cố phải chủ động phối hợp lực lượng từ ngoài đưa vào để biết lối thoát hiểm, vị trí người mắc kẹt để chi viện, cứu hộ cứu nạn” - Đại tá nhấn mạnh.
Dân trí