16h30, khói đen bao trùm công trình tháp đôi 29 và 33 tầng, phải
đến hơn 21h ngọn lửa mới cơ bản được khống chế (Ảnh: CTV)
Vụ cháy xảy ra lúc 16 giờ 20 phút ngày 15 - 12 tại tòa tháp đôi đang trong thời gian hoàn thiện cao 29 và 33 tầng ở phố Cửa Bắc.
Hoàng Xuân Tùng, nhân viên Cty Cổ phần Đá tự nhiên HB, đơn vị thi công tòa nhà, cho biết, khi anh đang đứng dưới tầng một thì phát hiện khói đen bốc lên từ tầng hầm. Chưa đầy 10 phút sau, khói theo thang máy, thang bộ bốc lên đến tận nóc nhà.
Anh Tùng cho biết, tòa nhà có ba tầng hầm, nên không biết đám cháy xuất phát ở vị trí nào. Đám cháy quá lớn nên đứng ở các vị trí khá xa như cầu Long Biên, Chương Dương… vẫn thấy được cột khói.
“Lúc xảy ra vụ cháy, có hàng trăm công nhân đang làm việc trong tòa nhà. Ngay sau đó, tôi dùng điện thoại báo tin cho những người trong đội nhanh chóng rời khỏi tòa nhà”, anh Tùng nói.
Khi vừa đi thị sát công trình ở tầng 19 xuống, anh Trần Việt Anh phát hiện đám cháy. Anh gọi điện thông báo và phải mất 30 phút sau, công nhân mới chạy thoát ra ngoài. Nhiều công nhân thoát thân bằng cách trèo qua cửa sổ, đu thang dây của đội lắp kính, leo giàn giáo xuống đất.
Công nhân Nguyễn Quang Lợi cho biết, khoảng hơn 16 giờ, dù đang làm việc ở tầng 19 nhưng vẫn nghe thấy tiếng nổ lớn dưới đất. “Bình thường 17 giờ chúng tôi được nghỉ, nhưng đến gần 17 giờ kém 15, tôi nhìn ra cửa sổ thấy có khói đen nên gọi mọi người chạy xuống. Hàng trăm người chen lấn, xô đẩy nhau chạy xuống, có người khóc ngất đi vì sợ. Thật may là thoát được ra ngoài”.
Có mặt tại hiện trường, nhiều công nhân lo ngại rất có thể nhiều đồng nghiệp vẫn mắc kẹt trong tòa nhà. Cầu thang bộ của tòa nhà tương đối nhỏ và tối, nên nhiều người có thể không tìm thấy đường thoát thân và bị ngất vì thiếu không khí.
Ngay sau khi đám cháy xảy ra, hàng chục xe chữa cháy, ba xe thang, bảy xe cứu thương và hơn 150 lính cứu hỏa được huy động tới hiện trường. Các ngả đường dẫn vào tòa nhà được lực lượng chức năng phong tỏa để phục vụ công tác cứu hộ. Sau đó, 50 đặc công thuộc Bộ Tư lệnh Thủ đô được huy động đến hiện trường. Hàng ngàn người dân đổ về theo dõi công tác cứu hộ.
Trên tòa nhà, nhiều người mắc kẹt trên các tầng cao sử dụng đèn pin, điện thoại ra hiệu cầu cứu. Nhưng do xe thang của lực lượng PCCC không tiếp cận được các nạn nhân tầng 7 trở lên, lính cứu hỏa phải trang bị mặt nạ phòng độc, bình ôxy tiếp cận sâu trong tòa nhà. Lực lượng chức năng cũng nhanh chóng khai thông mạng điện, sử dụng chính thang máy của đội lắp kính để lên giải cứu công nhân.
Công nhân trèo giàn giáo thoát khỏi đám cháy
Đến 21 giờ tối, đám cháy cơ bản được dập tắt, công tác cứu hộ hoàn thành. Theo ông Phạm Giang Nam, Trung tâm Vận chuyển Cấp cứu, có 19 người được đưa ra khỏi tòa nhà và đưa đi cấp cứu. Theo nguồn tin của chúng tôi, trước đó, 3 công nhân tự thoát khỏi đám cháy bằng cách tụt xuống theo thang dây của đội lắp kính. Theo thông tin từ Bệnh viện Saint Paul, nơi các công nhân được cấp cứu, hầu hết nạn nhân bị suy hô hấp do hít phải nhiều khói.
Ngay trong tối 15 - 12, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẳng định, đám cháy xuất phát từ tầng hầm của tòa nhà. Nguyên nhân đám cháy đang được cơ quan chức năng xác minh.
Trao đổi với chúng tôi tại hiện trường vụ cháy, đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở PCCC Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được tin báo và đánh giá mức độ của vụ hỏa hoạn, Sở PCCC lập tức điều động hầu hết lực lượng (8/10 đội cứu hỏa) đến hiện trường tham gia chữa cháy và tập trung cứu người thoát nạn.
Đám cháy khiến nhiều người hốt hoảng
Chủ thầu xây dựng cũng được triệu tập để hỏi về kết cấu, kiến trúc bên trong tòa nhà, nhận định về mức độ an toàn trước khi lính cứu hỏa vào bên trong. Điểm cháy được xác định ở tầm hầm, sau đó lan sang các hộp kỹ thuật lên các tầng trên.
Để đảm bảo không bỏ sót người bị nạn, lính cứu hỏa phải rà soát tất cả 34 tầng, trong khi tòa nhà đang hoàn thiện chưa đưa vào hoạt động, cầu thang bộ thì khóa từng tầng nên khó khăn phải phá cửa. Cộng thêm với khói độc từ mút xốp, dây diện… bị cháy, khiến các chiến sỹ bị ngạt, phải gọi chi viện mặt nạ chống độc từ Cục PCCC. Xe thang chỉ lên được độ cao nhất định nên việc triển khai ban đầu gặp đôi chút khó khăn.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực hết sức của lực lượng PCCC và các lực lượng chức năng, đám cháy đã được dập tắt, khoảng hơn 30 người mắc kẹt đã được giải cứu an toàn, ông Thiều nói.
Sau khi hoàn thành, Tòa tháp Điện lực Việt Nam (Electricity of Vietnam Tower) sẽ trở thành trụ sở văn phòng làm việc cao cấp của Tập đoàn. Tòa nhà gồm hai khối nhà tách biệt nhau từ tầng 5, bảo đảm được nhu cầu chiếu sáng cho cả 4 mặt. Tòa tháp gồm 3 tầng hầm, khối đế 4 tầng, 2 tòa tháp 33 tầng và 29. Công trình này được Ban Quản lý Dự án Xây dựng Dân dụng của EVN trao hợp đồng thi công xây dựng phần thô và hoàn thiện cho Vinaconex JSC và Cty Bachy Soletanche Việt Nam với tổng trị giá hơn 570 tỷ đồng vào tháng 6-2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. |
Tiền phong