Rúng động trại chăn nuôi heo thực nghiệm Cargill bán heo chết ra ngoài
Mới đây vụ việc những người quản lý trại chăn nuôi heo thực nghiệm Cargill (thuộc Tập đoàn Cargill, Mỹ) hiện đóng tại xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai bán heo chết ra ngoài cho đầu nậu khiến dư luận không khỏi rúng động.
Phải mất khá nhiều thời gian, phóng viên một tờ báo mới phát hiện và ghi lại được hành vi nguy hại này. Theo tìm hiểu, heo chết trong trại thực nghiệm được lén lút bán ra ngoài cho một đầu mối là bà Trần Thị Oanh, có nhà tại xã Vĩnh Tân, H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Trong vòng từ ngày 6/8 - 16/8 trại chăn nuôi heo thực nghiệm Cargill đã 3 lần tuồn heo chết ra ngoài vào những ngày 6/8; 12/8; 16/8. Mỗi con heo nặng từ 40 - 50kg và đều trong tình trạng dính đầy phân, bụng trương phình, bốc mùi hôi thối và ruồi nhặng bu kín.
Những con heo này được thương lái cho xe máy đến chở mang đi. Giá mỗi con heo chết bán ra dao động từ 300.000-500.000 đồng, việc mua bán này được thực hiện từ năm 2010 đến nay. Nhiều chứng cứ cho thấy heo chết mà trại chăn nuôi thực nghiệm Cargill tuồn bán ra ngoài đều có cùng triệu chứng là sốt, bỏ ăn và chết đột ngột. Tại nhiều thời điểm, việc tuồn heo chết ra ngoài đều diễn ra ngay trước mặt ông Võ Thanh Hải - trại trưởng trại chăn nuôi heo thực nghiệm Cargill.
Trước sự việc kể trên, bà Lê Thị Phương Hoa - giám đốc quan hệ chính phủ và công chúng Tập đoàn Cargill đã nói: “Đây là sai phạm mà nội bộ công ty thấy rất trầm trọng và rất sốc, bởi từ trước đến nay Cargill vốn rất nghiêm túc trong việc thực hiện các quy định riêng cũng như luật pháp chung của Nhà nước”
Ngày 5-9, Cargill đã quyết định cho thôi việc đối với ông Võ Thanh Hải, người có trách nhiệm giám sát trại, ngoài ra công ty này cũng đang cân nhắc việc đóng cửa khu thực nghiệm này.
Hình ảnh ghi lại quá trình tuồn heo chết ra bên ngoài.
Giết mổ mất vệ sinh, làm sạch nội tạng bằng ủng
Chứng kiến quy trình giết mổ và làm lòng tại một lò mổ trên địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Nội), chắc chắn nhiều người không khỏi rùng mình về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Dù lò mổ được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, song toàn bộ khâu giết mổ đều thực hiện thủ công, sử dụng các dụng cụ thô sơ, không đảm bảo vệ sinh. Lò mổ được chia thành 2 khu riêng biệt: Khu giết mổ tập trung và khu làm nội tạng.
Đám lòng non trong túi ni-lon này từng được vứt trên nền đất bẩn và làm sạch bằng... ủng.
Ở khu giết mổ, hàng trăm con lợn được mổ phanh ngay dưới sàn xi măng, cạnh đó là chuồng nhốt lợn chờ “hóa kiếp”. Trên sàn nhà ngoài máu, nước tiểu, lông thì phân lợn vương vãi khắp nơi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Khi mổ lợn xong, nhân viên dùng ủng giẫm đạp lên thịt và dùng vòi nước để rửa, tạo nên một bãi nước đen kịt, hôi hám ứ đọng khắp sàn mổ.
Nội tạng sau khi được tách khỏi thân lợn, chất thành đống trên nền gạch và cũng dùng ủng chà và rửa thịt rồi vứt ra một góc chờ các tiểu thương đến thu gom để bán ra thị trường. Một tiểu thương cho biết, tuy chuyên bán các loại nội tạng tươi sống nhưng chưa bao giờ chị đem về chế biến làm thức ăn cho gia đình. "Trong lòng lợn chứa rất nhiều giun sán. Có lần rửa lòng lợn trước khi đem bán mà tôi buồn nôn vì những con sán dài, những con giun ngoe nguẩy ở trong”.
Kết quả điều tra mới đây của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy có tới 70-90% thức ăn đường phố Hà Nội có tỷ lệ nhiễm khuẩn E.coli, trong đó có nguy cơ cao nhất là những món: nộm thập cẩm, nem chua, giò, lòng, dạ dày… Cũng theo điều tra này, bàn tay người làm dịch vụ này rất bẩn. Tại địa bàn TP Hà Nội, tỷ lệ bàn tay người làm thực phẩm thức ăn đường phố nhiễm E.coli tới hơn 40%.
Bim bim "thịt hổ"làm từ hoá chất Trung Quốc không rõ nguồn gốc
Ngày 4-9, tổ công tác Đội 6 Phòng Cảnh sát PCTP về môi trường - CATP Hà Nội, phối hợp các đơn vị liên quan đã kiểm tra cơ sở sản xuất bim bim Tasty tại điểm công nghiệp Cầu Gáo, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở này đang cho “ra lò” loại Bim Bim nhãn hiệu “Thịt hổ”, sử dụng nhiều loại phụ gia nhãn mác Trung Quốc như: bột dẻo, hương liệu, chất tạo màu, dung dịch... không rõ nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm định chất lượng.
Ngoài ra, bên trong kho chứa hàng, trinh sát phát hiện, tạm giữ 75kg chất tạo ngọt nhân tạo Sodium Cyclamate; 250 kg chất tạo ngọt Lotus; 600 kg muối Refined Salt; 100kg ớt bột… Toàn bộ số phụ gia trên không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, trên bao bì in chữ Trung Quốc. Đại diện Phòng nghiệp vụ khẳng định: Cơ sở đang cho ra lò sản phẩm bim bim “thịt hổ”, “sườn hổ” không đủ điều kiện về vệ sinh ATTP.
Ông Nguyễn Minh Phóng (SN 1981) - chủ cơ sở này cũng thừa nhận nơi đây hoạt động mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, sử dụng phụ gia không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Một số hình ảnh về quy trình sản xuất bim bim "thịt hổ"vi phạm về VSATTP:
Nguyên liệu không rõ nguồn gốc...
...nhà xưởng thiết bị không đủ tiêu chuẩn VSATTP...
...qua máy thành bim bim.
Máy dập túi có sẵn mác "thịt hổ"...
(Bài tổng hợp từ các nguồn: Người đưa tin, An ninh thủ đô, Tuổi trẻ)
Theo Trí Thức Trẻ