Reuter dẫn nguồn từ Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, dịch bệnh Ebola đang diễn biến nguy hiểm và nhanh hơn nhiều so với khả năng mà con người có thể đối phó.
Thống kê chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới công bố ngày hôm qua (9/9), có tổng số 2.296 người đã chết do nhiễm Ebola. Đặc biêt, trong một tuần trở lại đây, mỗi ngày có khoảng hơn 200 người tử vong vì virus chết người này.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng xác nhận 4.293 nhiễm Ebola tại 5 quốc gia Tây Phi gồm Liberia, Guinea, Nigeria Sierra Leone và Senegal. Dịch bệnh đang ngày càng hoành hành trong khi các loại vắc xin vẫn đang trong quá trình nghiêm cứu và chưa được sản xuất đại trà.
Một người đàn ông áo đỏ nhiễm Ebola bỏ trốn khỏi khu vực cách ly, đến xin ăn
tại một khu chợ khiến khu chợ này náo loạn
Liberia là nước chịu tác động mạnh nhất của Ebola, với hơn 1.200 trường hợp tử vong và có khả năng sẽ xảy ra hàng ngàn trường hợp nhiễm mới trong vài tuần tới. Tỷ lệ tử vong ở nước này là 58% và cũng là một trong những tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola.
Chỉ riêng trong ngày hôm qua, ít nhất 160 nhân viên y tế Liberia đã bị nhiễm bệnh và một nửa trong số này đã tử vong.
Bộ trưởng Quốc phòng Liberia Brownie Samukai phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 9/9 cảnh báo, đại dịch Ebola đang đe dọa sự tồn vong của quốc gia Tây Phi này.
Tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf, lo ngại rằng đại dịch sẽ trở nên tồi tệ hơn trong vài tuần tới trong bối cảnh nhân viên y tế dang phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị y tế hỗ trợ và người dân nước này đang sống trong sợ hãi.
Bé gái bỏ chạy sau khi đội mai táng chuẩn bị thu gom thi thể một người phụ nữ
chết do nhiễm Ebola
Các cơ quan y tế Liên Hợp Quốc cho biết họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc giúp đỡ các quốc gia Tây Phi đối phó với Ebola bởi họ vẫn chưa nắm được số liệu chính xác về số ca nhiễm bệnh.
Đại dịch Ebola hiện nay được xem là nghiêm trọng nhất kể từ khi xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1976. Virus Ebola lần đầu tiên bùng phát tại một ngôi làng ven con sông Ebola ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo. Cũng chính từ đó, người ta đặt tên dịch bệnh là Ebola. Đến năm 1995 lại xuất hiện một đại dịch thứ hai bùng phát.
Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Cộng đồng thế giới cần đoàn kết và nỗ lực hành động để đối phó với dịch bệnh: “Dịch bệnh Ebola hiện nay là dịch bệnh lớn nhất, nguy hiểm nhất và phức tạp nhất trong lịch sử 40 năm qua của căn bệnh này".
Theo Khám Phá