Theo HĐXX, về căn bản các bị cáo không thừa nhận nội dung cáo trạng đã truy tố trước đó. Với những chứng cứ thu thập được cùng quá trình thẩm vấn, tranh luận công khai tại tòa, HĐXX cho rằng, đủ cơ sở kết luận bị cáo Kiên phạm tội Kinh doanh trái phép như cáo trạng đã truy tố. Ngoài ra, với các tội Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái là có căn cứ.
Bản án sơ thẩm điểm lại nội dung cáo buộc, cũng như các mức án đề nghị của cơ quan truy tố trước tòa. Đồng thời ghi nhận ý kiến của các luật sư, trong quá trình bào chữa cho bị cáo.
Căn cứ vào các tài liệu đã được thẩm tra, cùng xem xét toàn diện vụ án, HĐXX phiên sơ thẩm cho rằng, có đủ cơ sở khẳng định Nguyễn Đức Kiên đã kinh doanh trái phép số tiền hơn 21.000 tỷ đồng
"Hành vi của bị cáo đã thỏa mãn đầy đủ tội Kinh doanh trái phép" - bản án sơ thẩm khẳng định. HĐXX thay đổi quan điểm khi lượng hình so với cáo buộc của Viện KSND Tối cao. "Việc truy tố Điểm a là chưa đủ căn cứ, do đó, điều chỉnh xuống Điểm c của tội danh Kinh doanh trái phép, quy định tại điều 159 BLHS" - bản án sơ thẩm nêu rõ.
Như vậy, so với cáo trạng cũng như cáo buộc từ cơ quan truy tố, "bầu" Kiên được giảm bớt một chi tiết định tội ở khoản 2, Điều 159 BLHS (điểm a, khoản 2 của tội này quy định về tình tiết "Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức"
Với tội danh Trốn thuế của Nguyễn Đức Kiên, HĐXX cho rằng, việc truy tố của Viện KSND Tối cao là có căn cứ. Bên cạnh đó, các bị cáo khác đã giúp sức tích cực bị cáo Kiên phạm tội.
Về dân sự, HĐXX buộc Cty B&B truy nộp hơn 25 tỷ đồng. Hình phạt bổ sung, buộc bị cáo Kiên nộp hơn 75 tỷ đồng (gấp 3 lần số tiền thuế).
Liên quan đến việc Ngân hàng ACB ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi tiền, theo bản án sơ thẩm, đó là vi phạm pháp luật. Về khoản tiền hơn 718 tỷ đồng, HĐXX cho rằng, nội dung này đã được giải quyết trong một vụ án khác, do vậy không xem xét.
Đánh giá về vụ án, bản án sơ thẩm khẳng định, đây là một vụ án gây ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế nhằm 'phục vụ cho lợi ích nhóm'. Hành vi của các bị cáo đã gây lũng đoạn thị trường tài chính trong nước. Do vậy, cần phải có bản án hết sức nghiêm minh để giáo dục, răn đe. Bị cáo Nguyễn Đức Kiên phải chịu trách nhiệm hình sự với mức án cao nhất. Do không thành khẩn khai báo, nên không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo luật định.
TAND TP Hà Nội cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần rà soát lại hệ thống văn bản, hủy và bổ sung những văn bản liên quan đến hoạt động nghiệp vụ ngân hàng sao cho phù hợp. Cần nâng cao năng lực của cán bộ ngân hàng. Với Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cần rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật. Không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn để giảm bớt khó khăn phiền hà.
Sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ vụ án, HĐXX tuyên bố bị cáo Nguyễn Đức Kiên phạm 4 tội danh (Lừa đảo, Trốn thuế, Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái), tuyên phạt 30 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho cả 4 tội danh. Hình phạt bổ sung hơn 75 tỷ đồng để sung quỹ Nhà nước. Cấm bị cáo Kiên đảm nhiệm các chức vụ ngân hàng trong 5 năm./.
1. Nguyễn Đức Kiên (SN 1964): 30 năm tù cho 4 tội danh (Kinh doanh trái phép; Trốn thuế; Cố ý làm trái; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
2. Lê Vũ Kỳ (SN 1956): 5 năm (trước đó đề nghị từ 7 đến 8 năm tù)
3. Trịnh Kim Quang (SN 1954): 4 năm tù (trước đó đề nghị 6 đến 7 năm tù.
4. Phạm Trung Cang (SN 1954): 3 năm tù (trước đó đề nghị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm)
5. Lý Xuân Hải (SN 1965): 8 năm tù. Cấm đảm nhiệm các chức vụ ngân hàng trong 5 năm (trước đó đề nghị 12 đến 14 năm tù).
6. Huỳnh Quang Tuấn (SN 1958): 2 năm tù (trước đó đề nghị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 5 năm).
7. Trần Ngọc Thanh (SN 1952): 5 năm 6 tháng tù (trước đó đề nghị 9 đến 10 năm tù).
8. Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1969): 5 năm tù (trước đó đề nghị 7 đến 8 năm tù).
Theo Baophapluat.vn