Cách đây 21 năm, ngân hàng Á Châu (ACB) xuất hiện trên thị trường tiền tệ, gắn với tên tuổi Nguyễn Đức Kiên khi ấy mới 29 tuổi (vừa đi du học ở Hungari về nước). Là cổ đông có số vốn góp “khủng”, “bầu” Kiên nhanh chóng trở thành người chủ chốt của ACB (Phó Chủ tịch hội đồng sáng lập ACB) đã nhanh chóng đưa ACB trở thành ngân hàng có vị thế trong các tổ chức tín dụng tại Việt Nam trong lĩnh vực bán lẻ. Nhưng thời gian gần đây, cái tên “bầu” Kiên nổi tiếng một thời lại đang được dư luận đặc biệt quan tâm trong vai bị cáo đầu vụ trong “đại án kinh tế” với số tiền lên tới hơn 21 nghìn tỉ đồng.
Chơi dao sắc dễ... đứt tay
Theo nguồn tin riêng của PV, ACB những ngày đầu thành lập có bước tăng trưởng chóng mặt, chỉ tiêu lợi nhuận/vốn chủ sở hữu luôn đạt trên dưới 30%. Đây là ngưỡng mà tổ chức tín dụng nào cũng mong muốn. Tổng tài sản của ACB từ 2006 đến 2011 tăng gấp hơn 6 lần. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đóng góp của "bầu" Kiên trong sự tăng trưởng này là rất lớn. Tuy nhiên, "bầu" Kiên là người độc đoán. Thậm chí, có một cấp dưới bày tỏ quan điểm nghi ngại cách làm ăn hơi mạo hiểm của "bầu" Kiên, "gã đầu bạc" phủ đầu ngay người góp ý, đại loại nói rằng "nếu không làm được thì để người khác làm". Câu nói kinh điển này được lưu truyền từ lâu trong giới ngân hàng.
Chính sự quyết đoán này của "bầu" Kiên về sau này lại đưa "gã đầu bạc" được mệnh danh là người có hàng nghìn tỉ đồng rơi xuống vực sâu.
Tại phiên toà, "bầu” Kiên tỏ ra rất am hiểu pháp luật.
Còn nhớ, trong dịp xuân Kỷ Sửu 2009, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải đã từng phát biểu với giới truyền thông khẳng định, Nguyễn Đức Kiên, Phạm Trung Cang... là "xương sống" tạo nên sự thành công của ACB. Vào thời điểm này, "bầu" Kiên và Lý Xuân Hải, Phạm Trung Cang đang trong giai đoạn đỉnh cao của quyền lực và tiền bạc. Mà như theo lẽ tự nhiên, khi con người ta đã lên đến đỉnh cao, nếu không biết thời thế và giữ mình thì sẽ xuống dốc rất nhanh.
Một trong những thế mạnh của ACB chính là kinh doanh vàng. Sớm nắm bắt được nhu cầu thị trường vàng tại Việt Nam, "bầu" Kiên đã thành lập sáu công ty riêng và một trong sáu doanh nghiệp là "sân sau" của "bầu" Kiên. ít ai có thể ngờ rằng, chỉ thời gian ngắn sau đó, doanh nghiệp của "bầu" Kiên đã thu lãi cả trăm tỉ đồng. Có tiền, có quyền lực trong tay, "gã đầu bạc" tiếp tục "vươn" sang lĩnh vực kinh doanh tài chính. Đứng bên cạnh, hậu thuẫn với "bầu" Kiên là những người có kiến thức sâu rộng về kinh tế trong ngân hàng ACB như: Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Phạm Xuân Hải, Phạm Trung Cang. Các đại gia này bằng kinh nghiệm bản thân và bộ óc kinh tế nhanh nhạy của mình đã nghĩ ra nhiều chiêu trò kiếm tiền một cách chóng vánh. Chỉ một ví dụ sau đây chúng ta có thể thấy rõ cách kiếm tiền rất tinh vi của các cựu quan chức ACB: Phát hiện kẽ hở trong việc ủy thác tiền gửi, các cựu quan chức ACB đã họp HĐQT và quyết định ủy thác cho 19 nhân viên của mình, mỗi người "ôm" hàng chục tỉ đồng của ngân hàng mang đi gửi ở các tổ chức tín dụng khác, thu lời hàng trăm tỉ đồng từ tiền chênh lệch lãi suất và hoa hồng. Riêng "bầu" Kiên, một công ty con của gã có đợt kinh doanh thu lãi cả trăm tỉ đồng. Theo quy định của pháp luật, số tiền đóng thuế cho Nhà nước ước tính trên dưới 25 tỉ đồng. Thế nhưng, chỉ bằng một hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính số 010109/UTĐT ngày 25/12/2008 và phụ lục hợp đồng công ty B&B của "bầu" Kiên đã chuyển toàn bộ lợi nhuận kinh doanh vàng trạng thái của công ty cho bà Nguyễn Thúy Hương (em gái "bầu" Kiên) thụ hưởng. Bằng kịch bản này, công ty B&B không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền hơn 25 tỉ đồng.
Lời khai chấn động của siêu lừa Huyền Như
Tại phiên tòa ngày 23/5, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, quy định của pháp luật chỉ có nội dung về ủy thác cho vay (áp dụng với tổ chức tín dụng), chưa có nội dung hướng dẫn về ủy thác cho cá nhân gửi tiền. ủy thác tiền gửi là nghiệp vụ phải có hướng dẫn của NHNN. Trong khi đó, thời điểm các bị cáo phạm tội chưa có hướng dẫn, chưa có quy định việc ủy thác.
HĐXX thẩm vấn siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như với tư cách là người có nghĩa vụ liên quan. Tại công đường, Như khai về mối quan hệ với Huỳnh Bảo Ngọc, Phó phòng Quản lý quỹ của ngân hàng ACB cũng như trình bày về hành vi Như đã chiếm đoạt số tiền 718 tỉ đồng của ACB. Như khai: "Khoảng giữa năm 2011, chị Ngọc liên hệ đề nghị gửi tiền tại Vietinbank với lãi suất thỏa thuận. Ngọc đưa ra mức lãi suất trong hợp đồng quy định là 14%, phần chênh ngoài hợp đồng thì tùy theo từng kỳ hạn, từng số tiền. Tôi không nhớ chính xác từng hợp đồng, khoảng chênh lệch 3-5,5%, bao gồm phần phí nộp trực tiếp cho từng cá nhân gửi tiền, phần còn lại nộp theo yêu cầu của chị Ngọc".
Cũng theo lời của Như, vào thời điểm đó, Vietinbank không có chủ trương nào huy động vượt trần lãi suất, chỉ quy định 14% nên khi Như thực hiện các giao dịch tiền của Ngọc và sau này Như mới biết là của ACB, Như không báo với lãnh đạo về việc vượt lãi suất 14%. Tuy nhiên, Như vẫn đồng ý với Ngọc trả hoa hồng đó. "Tôi trích trực tiếp từ tiền cá nhân của tôi vào tài khoản của các cá nhân tại Vietinbank", Như bình thản nói.
Huyền Như tiết lộ ý đồ chiếm đoạt 718 tỉ của ngân hàng ACB trước toà
xét xử bầu Kiên và đồng phạm.
Khi chủ tọa vặn: "Huyền Như mượn danh nghĩa Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh để chiếm đoạt tài sản của ACB thì trách nhiệm của Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh cũng như của Vietinbank như thế nào?". Đại diện Vietinbank đáp: "Ở đây không có chuyện mượn danh nghĩa vì đã có sự phân cấp. Việc Như chiếm đoạt thì Như phải chịu trách nhiệm. Đúng là có 32 hợp đồng có dấu của Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh nhưng trong lời khai của Huyền Như, 32 hợp đồng này chỉ mang tính nguyên tắc chứ không phát sinh hiệu lực để các bên hoạt động".
HĐXX hỏi tiếp vị đại diện này về việc 32 hợp đồng tiền gửi có dấu hợp lệ của Vietinbank chi nhánh Hồ Chí Minh sẽ lý giải như thế nào, vị này cho rằng: "Tại thời điểm ký 32 hợp đồng này đều có đủ giấy tờ hợp lệ và chưa có dấu hiệu gian dối. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản chỉ phát sinh sau khi hợp đồng đã ký. Nguyên nhân là do nhân viên ACB buông lỏng trong quản lý tài khoản tiền gửi, dẫn đến sơ hở để Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt tài sản. Vietinbank không phải là đơn vị lừa đảo, chiếm đoạt số tiền 718 tỉ đồng của ACB nên không chịu trách nhiệm. Pháp luật quy định rõ, ai chiếm đoạt người đó phải chịu trách nhiệm.
Tại tòa, Như cho rằng ACB có nhiều sơ hở. Như nói: "Theo quy định về quy chế mở tài khoản 1284 của NHNN, khách hàng khi mở tài khoản thì phải đến trực tiếp ngân hàng để làm thủ tục, khi đó nhân viên ngân hàng sẽ đối chiếu các thủ tục pháp lý, năng lực hành vi. Nhưng bước này, khách hàng của chị Ngọc không thực hiện đúng quy định đó mà chỉ cung cấp số CMND rồi ký tên nên nhân viên Vietinbank không đối chiếu chứng thực người gửi tiền, không kiểm tra được ý muốn sử dụng tiền như thế nào. Đó là một sơ hở để tôi có thể trích chuyển tiền đi. Ngoài ra, khi ký hợp đồng tiền gửi, sau khi nhận hợp đồng tiền gửi, bên chị Ngọc cũng không có bất cứ phản hồi nào mà cứ thế tiến hành. Sau khi tiền về tài khoản, chủ tài khoản có quyền kiểm tra số dư và yêu cầu ngân hàng thực hiện các dịch vụ của mình. Nếu phát hiện tài khoản đã bị sử dụng sai mục đích thì báo ngay cho ngân hàng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh rủi ro, tuy nhiên khách hàng không có động thái đó. Khi tiền về, tôi tự động trích vào tiền gửi tiết kiệm. Đó cũng là một điều kiện để tôi có thể sử dụng chiếm đoạt tiền một cách trôi chảy".
Trong khi đó, phía đại diện ACB trả lời: "Theo tôi, không phải do ACB buông lỏng quản lý mà là do Huyền Như làm chữ ký giả, làm bộ hồ sơ thế chấp giả dẫn đến rút được tiền".
Vợ “bầu” Kiên: Từ người mẫu ảnh đến phu nhân quyền lực và... truân chuyên
Cũng giống như bà Mai Phương trong phiên xử Dương Chí Dũng, bà Đặng Ngọc Lan (SN 1972, vợ “bầu” Kiên) đến từ rất sớm để dự phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Mặc dù đã ngoại tứ tuần, nhưng gương mặt của hoa khôi một thời vẫn giữ trọn vẻ sang trọng, quý phái và trẻ trung so với tuổi.
Được biết, bà Lan từng là một trong những hoa khôi của trường đại học Tổng hợp Hà Nội, làõ người mẫu ảnh của những năm đầu thập niên 90. Tuy nhiên về sau này, người vợ của ông bầu nổi tiếng được cho là khá kín tiếng với báo chí. Bà Lan còn là Tổng Giám đốc của Công ty B&B.
Bà Đặng Ngọc Lan (SN 1972, vợ “bầu” Kiên).
Trong suốt mấy ngày xét xử đã qua, bà Lan luôn giữ được thái độ điềm tĩnh và bình thản. Bà dõng dạc trả lời mọi câu hỏi của HĐXX. Khi được hỏi về các hoạt động của công ty B&B, bà Lan cho biết: “Tất cả các hoạt động tại công ty B&B tôi không nắm được, đặc biệt khi có hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính thì tôi đang trong giai đoạn sinh nở.
Đối với việc ký hợp đồng ủy thác, bà Lan trình bày: "Tôi chỉ biết ký nhưng không nhớ ký những gì". Bà Lan cũng không nhớ ai soạn thảo hợp đồng và ai là người yêu cầu ký. Đa số việc ký hợp đồng bà Lan đều thực hiện ở nhà do đang trong thời gian sinh nở. “Tôi không quan tâm đến các hoạt động kinh doanh. Tôi tin tưởng vào chồng tôi nên tôi thấy không có gì là sai cả”, bà Lan nói.
Theo Đời Sống Pháp Luật