Lạnh lùng trước tòa
Ngày đầu tiên xuất hiện tại tòa với trang phục chiếc áo sơ mi trắng, quần âu tối màu khiến ông Kiên có vẻ nổi bật hơn so với các bị cáo khác. Điểm đáng chú ý so với phiên xét xử trước đó, bầu Kiên không còn bị cùm chân nhưng vẫn bị còng tay.
Trình bày tại tòa trong ngày xét xử đầu tiên, “ông bầu” Nguyễn Đức Kiên đề nghị HĐXX cho phép gặp gia đình và kiến nghị không cùm chân, tay, từ chối mặc đồng phục tại tòa, thay vào đó là bộ sơ mi “đóng thùng”. Biện hộ cho vấn đề này, luật sư của ông Kiên cho rằng, ông với nhân thân là doanh nhân, không phạm tội mang tính côn đồ, hung hãn thì việc xích chân là không cần thiết.
Trong suốt quá trình xét xử, bầu Kiên có đôi mắt sắc và lạnh lùng trả lời chất vấn. Ông Kiên và các bị cáo trong vụ án bầu Kiên đã đồng loại kêu oan, cho rằng cáo trạng truy tố không thỏa đáng, không đúng luật, bản thân không làm gì trái luật...
Bị cáo Kiên sơ mi trắng trước tòa
Trả lời tòa, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tỏ ra sắc sảo, am hiểm các quy định của pháp luật về kinh doanh. Trước các câu hỏi của tòa, bầu Kiên trả lời ngắn gọn “đúng” hoặc “chính xác”. Ngoài ra, bị cáo còn viện dẫn cụ thể các quy định của pháp luật để chứng minh bị cáo không kinh doanh trái phép. Thậm chí, ông còn đề nghị HĐXX không được ngắt lời khi bị cáo đang nói và phải viện dẫn cụ thể bị cáo kinh doanh trái phép dựa trên các điều luật nào?
Tòa đọc phần cáo trạng về hành vi vi phạm của B&B và các công ty khác. Ông Kiên xác nhận các số liệu nhưng cho rằng đây là các khoản đầu tư góp vốn được công ty thực hiện đúng pháp luật chứ không phải là hành vi kinh doanh tài chính. Trong 6 công ty này, không công ty nào đăng ký kinh doanh tài chính. Giấy phép của Thiên Nam cho phép kinh doanh các mặt hàng mà nền kinh tế cho phép, ngoài các mặt hàng nhà nước yêu cầu phải có giấy phép.
Tại tòa, bị cáo Kiên nói đồng ý với tất cả các số liệu ghi trong cáo trạng, nhưng không đồng ý về hành vi truy tố bị cáo vì đây đều là các khoản đầu tư đúng pháp luật.
Liên quan tới việc kinh doanh trái phép vàng, bầu Kiên cho rằng: “Tôi không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái mà đầu tư vào giá vàng - một sản phẩm tài chính phái sinh mà ACB đã ghi rõ trong hợp đồng”.
Vẫn ánh mắt sắc lạnh và phong thái ung dung
Tại tòa, bị cáo Kiên nói đồng ý với tất cả các số liệu ghi trong cáo trạng, nhưng không đồng ý về hành vi truy tố bị cáo vì đây đều là các khoản đầu tư đúng pháp luật.
Liên quan tới việc kinh doanh trái phép vàng, bầu Kiên cho rằng: “Tôi không kinh doanh vàng, không kinh doanh vàng trạng thái mà đầu tư vào giá vàng - một sản phẩm tài chính phái sinh mà ACB đã ghi rõ trong hợp đồng”.
Theo ông Kiên, trước 2012, vàng không phải loại hàng phải đăng ký kinh doanh mà là một loại hình đầu tư tài chính. Năm 2012, nhà nước mới có thông tư mới quy định việc kinh doanh vàng phải có giấy phép. Đầu tư trạng thái giá vàng không gọi là kinh doanh vàng.
Nhớ thời chém gió
Hơn 10 năm trước khi người hâm mộ bóng đá trong nước biết tới một ông bầu bóng đá bạo ngôn, giới tài chính ngân hàng đã nhắc đến cái tên “Kiên đầu bạc” với sự vị nể.
Sau vụ “cướp diễn đàn” để "tổng sỉ vả" Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) tại Hội nghị tổng kết V-League 2011, ông Kiên đã thể hiện cái uy của mình trong làng bóng đá Việt Nam.
Bầu Kiên là chủ tịch CLB đầu tiên công khai tuyên chiến với VFF. Trong buổi lễ tổng kết mùa giải 2011, bầu Kiên viết mẩu giấy đề nghị chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho báo chí vào tham dự rồi bất ngờ “cướp diễn đàn”, chỉ trích những điểm tiêu cực của bóng đá Việt, từ chuyện mua bán cầu thủ đến trọng tài ăn tiền...
Ông bầu này luôn mạnh miệng trong các buổi họp.
Ông không ngần ngại phê phán năng lực yếu kém của ban chấp hành liên đoàn, không đồng ý với bản tổng kết mùa giải “thành công, tốt đẹp” đặc biệt là công tác trọng tài, đồng thời phản bác cực lực bản hợp đồng vô lý mà VFF đã kí với AVG.
Đặc biệt, bầu Kiên là người đã vạch ra ý tưởng thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), thuyết phục các ông bầu khác cùng nỗ lực cho ra đời công ty này ngay trước thềm mùa giải mới.
Khi chưa dính vào vòng lao lý, bầu Kiên đã vẽ ra một viễn cảnh không thể tươi sáng hơn đối với bóng đá Việt Nam. Cụ thể là sau khi AVG nhượng lại bản quyền V.League, bầu Kiên đã thông báo về sự ra đời của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm 10 “đại gia” là các doanh nghiệp có lợi nhuận mỗi năm cả ngàn tỷ.
Cái uy của bầu Kiên quá lớn khi thẳng thừng tuyên bố “cầu thủ của tôi chỉ có thể đi nếu tôi cho phép, tôi không nhất trí thì đố ai đi đội khác được”. Có lần có cầu thủ nhờ luật sư gọi điện cho bầu Kiên “dọa” đòi ra đi, ông quát thẳng “anh có hàng ngàn luật sư như chú, thích thì anh chiều”. Các đội bóng cũng rất nể bầu Kiên, gần như không ai dám đi đêm, rút ruột lực lượng đội bóng của ông.
Có một điều dễ nhận thấy, đó là kể từ thời điểm Super League khởi tranh, bầu Kiên chưa làm được nhiều điều để thay đổi bóng đá Việt. Là người tiên phong trong phong trào doanh nghiệp làm bóng đá nhưng sau hơn chục năm, bầu Kiên vẫn chưa một lần được nếm mùi vô địch.
Sự kiện bầu Kiên bị bắt giữ thực sự là một cú sốc, giới bóng đá lẫn tài chính đã một phen lao đao nhưng hình ảnh một đại gia "chém gió" vào loại bậc thầy vẫn không thể nào quên được. Ông đang đứng trước vành móng ngựa trả giá cho những sai phạm của mình, những kỳ vọng của ông về một tương lai tốt đẹp của bóng đá cũng như tài chính đã vội bay.
Theo Vietnamnet.vn