Bị cáo Nguyễn Đức Kiên (tức “bầu” Kiên) bị truy tố 4 tội danh: "Kinh doanh trái phép"; "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế".
Hai bị cáo Trần Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội; Nguyễn Thị Hải Yến, kế toán trưởng Công ty Cổ phần Đầu tư ACB Hà Nội, bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các bị cáo Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB; Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, đều là nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Lý Xuân Hải, nguyên Tổng Giám đốc ACB; Phạm Trung Cang, nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực HĐQT ACB, bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là 1.695,6 tỉ đồng.
Ngày mai sẽ diễn ra phiên xét xử "bầu" Kiên và đồng phạm.
Có điểm đáng chú ý là ban đầu cơ quan điều tra đã khởi tố ông Phạm Trung Cang, song cáo trạng của VKSND Tối cao bất ngờ đình chỉ vụ án đối với ông này.
Đến ngày 3.1.2014, TAND TP.Hà Nội trả hồ sơ do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, đề nghị điều tra bổ sung ông Cang và ông Huỳnh Quang Tuấn. Đến cáo trạng lần 2, VKSND Tối cao xác định 2 bị can Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn phải chịu trách nhiệm hình sự về chủ trương ủy thác trái quy định, gây thất thoát cho ACB.
Theo cáo trạng, “bầu” Kiên cùng các đồng phạm là Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã đồng ý cho thực hiện chủ trương, ủy thác cho các nhân viên gửi tiền vào các tổ chức tín dụng sai quy định gây thiệt hại số tiền 718,9 tỉ đồng.
Đối với hành vi cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu ACB, ngày 2.1.2009, Thường trực HĐQT ACB đã họp và ra chủ trương cấp tín dụng cho Cty Chứng khoán ACB (ACBS) để mua cổ phiếu ACB. Chủ trương này trái với quy định của Bộ Tài chính, gây thiệt hại cho ACB hơn 687,7 tỉ đồng. Cáo trạng lần 2 truy tố 2 bị can Nguyễn Đức Kiên và Lê Vũ Kỳ về hành vi này.
Về tội trốn thuế, năm 2009, Công ty B&B kinh doanh vàng trên tài khoản ngoài lãnh thổ Việt Nam với ACB, thu được số tiền lãi hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, bầu Kiên đã trốn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 25 tỉ đồng.
Về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bầu Kiên chỉ đạo Trần Ngọc Thanh và Nguyễn Thị Hải Yến lập khống biên bản họp HĐQT và quyết định của HĐQT thể hiện chủ trương của HĐQT công ty để bán 20 triệu cổ phần cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát, lấy 264 tỉ đồng, bất chấp số cổ phần này đang bị thế chấp cho ACB.
Trước đó, các luật sư của "bầu Kiên" đã gửi kiến nghị không cùm chân bầu Kiên như phiên tòa ngày 16.4 và việc triệu tập thêm người ra tòa. Các luật sư cho rằng, tại phiên tòa ngày 16.4, hình ảnh bầu Kiên xuất hiện với sợi xích ràng cả chân và tay đã gây nhiều tranh cãi. Ông Kiên cho rằng ông bị cùm chân vì không chịu mặc đồng phục của trại.
Theo các luật sư, năm 2004 Ủy ban Thường vụ Quốc Hội ban hành Nghị quyết về trang phục của bị cáo tại phiên tòa hình sự, trong đó nêu rõ “Tại phiên toà xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải bảo đảm sự trang nghiêm”. Như vậy, việc ông Kiên yêu cầu được mặc thường phục là phù hợp và việc cùm chân là chưa thỏa đáng.
Pháp luật quy định biện pháp xích chân bị cáo trong quá trình dẫn giải được áp dụng khi cần thiết, đối với các bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ hung hãn, manh động. Luật sư Hoàng Đôn Hùng, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can Nguyễn Đức Kiên dẫn lại phiên xử bị cáo Hồ Duy Trúc (phạm tội cướp, chặt tay chân, bị kết án tử hình ở cả hai cấp xét xử) cũng chỉ bị còng tay, không xích chân và được mặc thường phục.
“Ông Kiên, với nhân thân là doanh nhân như vậy, không phạm tội mang tính côn đồ, hung hãn, thì việc xích chân liệu có cần thiết không, tại sao các bị cáo khác trong cùng vụ án lại không bị như vậy? Đề nghị cơ quan thi hành tố tụng lưu tâm”, ông Hoàng Đôn Hùng nói. Bên cạnh đó, các luật sư cũng đưa ra kiến nghị triệu tập nhiều đại diện cơ quan khác.
Theo Lao Động