Ở nước ta, vài năm gần đây, tại một số địa phương đã ghi nhận những vụ ngộ độc do sử dụng các loại côn trùng, ấu trùng làm thức ăn. Mới đây nhất, 6 gia đình tại bản Mùi 2, xã Khoen On, huyện Than Uyên bị ngộ độc do ăn côn trùng lạ, màu đen (giống bọ xít) khiến 38 người ngộ độc, trong đó 1 trường hợp tử vong tại chỗ, 28 người phải nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu. Được biết, đây là loại côn trùng xuất hiện trên địa bàn xã từ gần 1 năm nay. BS. Nguyễn Đức Cường - BVĐK tỉnh Lai Châu cho biết, trong số 4 bệnh nhân được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Than Uyên lên BVĐK tỉnh thì có 2 bệnh nhân men gan tăng cao, tế bào gan bị hủy hoại và 2 bệnh nhân men gan không tăng, tỉnh táo, tiếp xúc bình thường...
Các bệnh nhân bị ngộ độc côn trùng điều trị tại TTYT huyện Than Uyên (Lai Châu)
Trước đó một thời gian không lâu, tại huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận cũng đã xảy ra vụ ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm làm 15 người bị ngộ độc phải nhập viện...
Theo ông Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, thực tế từ các vụ ngộ độc côn trùng cho thấy, việc thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức trong lựa chọn, sơ chế, chế biến côn trùng làm thức ăn, tâm lý chủ quan khi lựa chọn côn trùng lạ để “thử nghiệm” theo kinh nghiệm “đồn thổi” để chế biến (ăn tái, ăn sống, ngâm rượu...) và sử dụng các món ăn chế biến từ côn trùng, ấu trùng... đã và đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây ngộ độc và thậm chí gây tử vong cho người ăn...
Tưởng đặc sản, bổ hóa ra... độc
Ông Lâm Quốc Hùng cho biết, côn trùng phân bố rộng rãi nhất trên trái đất với hơn 1 triệu loài đã được mô tả (chiếm hơn một nửa trong tổng số các loài sinh vật sống mà con người đã biết). Do đó, nhiều nước trên thế giới, cũng như ở Việt Nam, việc sử dụng côn trùng làm thức ăn có từ lâu, khá phổ biến như cào cào, châu chấu, nhộng tằm, dế, ong, mối, nhộng ve sầu, sâu cây chít, sâu cây dâu, sâu cây sắn dây... thậm chí còn được chế biến thành những món ăn đặc sản (bọ cạp chiên, châu chấu sốt sa tế, bọ xít rang lá chanh, trứng cà cuống phơi khô để làm bánh ngọt, dế chiên...). “Tuy nhiên, việc sử dụng côn trùng để chế biến thành thức ăn đã và đang xuất hiện nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của người ăn” - ông Hùng nhấn mạnh.
GS.TS. Bùi Công Hiển, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Côn trùng học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, côn trùng có kích thước nhỏ bé nhưng vì số lượng đông nên chúng là nguồn dược liệu và thực phẩm bổ dưỡng
quý giá. Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, côn trùng có hàm lượng đạm cao (ví dụ: 100g châu chấu có tới 24,3g protein; 100g nhộng cung cấp 13g protein); giàu canxi và vi khoáng (100g châu chấu cung cấp 210mg canxi, cao gấp gần 10 lần so với thịt gà, thịt lợn). Những món này được cho là ngon, bổ. Tuy nhiên, không ít trường hợp ăn xong bị ngứa, dị ứng, thậm chí là ngộ độc.
Theo ông Hiển, ngộ độc vì côn trùng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, do côn trùng có chứa một số chất gây dị ứng. Điều này dễ nhận thấy nhất là nhộng, một món ăn bổ dưỡng nhưng không ít người ăn xong bị dị ứng. Đây là do cơ địa của từng người, có những người cơ địa không hợp với một chất nào đó có trong nhộng nên bị dị ứng. Thứ hai, côn trùng bắt ngoài tự nhiên, không phải là côn trùng sạch như nhiều người tưởng. Trên thân của nhiều loại côn trùng có chứa các loại nấm độc, giun tròn, bọ chét, rận, ve... Vì thế, khi sử dụng làm thức ăn, nếu không xử lý sạch sẽ có thể dẫn đến ngộ độc, thậm chí là tử vong.
Không "thử nghiệm" các loài côn trùng lạ
Hiện nay, khi chưa có các nghiên cứu sâu, đầy đủ về côn trùng sử dụng trong chế biến thực phẩm (quy trình bảo đảm an toàn trong nhân nuôi, khai thác, sơ chế, chế biến...), Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân cần tuân thủ một số hướng dẫn của Cục trong việc sử dụng côn trùng làm thực phẩm để đảm bảo an toàn cho quá trình sử dụng:
- Tuyệt đối không sử dụng, không “thử nghiệm” các loại nhộng, ấu trùng, côn trùng lạ, đã bị chết hoặc có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên để chế biến thành thức ăn.
- Lựa chọn những loại nhộng, ấu trùng, côn trùng thông thường, phổ biến, còn tươi sống để chế biến thành thức ăn. Ðặc biệt những người có cơ địa dị ứng cần thận trọng khi ăn, nếu nghi ngờ thì không ăn.
Không "thử nghiệm" các loại côn trùng lạ.
- Phải sơ chế, chế biến bảo đảm an toàn: ngâm, thả côn trùng vào nước muối ấm, nước vôi... để côn trùng bị kích thích, thải hết chất độc trong ruột, tại các tuyến ngoại tiết; loại bỏ ruột, cánh, chân, đầu, vòi; rửa sạch bằng nước ấm, nước muối để loại bỏ vi sinh vật, chất bẩn bám trên thân côn trùng; để ráo nước, đun chín kỹ và ăn ngay sau khi chế biến. Tuyệt đối không ăn sống, ăn tái, nấu chín nguyên con không qua sơ chế, vệ sinh...
- Trường hợp sau khi ăn mà có các biểu hiện, triệu chứng khác thường như mệt mỏi, choáng váng, buồn nôn, mẩn ngứa... cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Suckhoedoisong