Nhóm này, bao gồm bốn người Mỹ và hai người Ý, đã từ chối khoản bồi thường 11.000 euro (14.500 USD) mà họ cho là “sỉ nhục” do công ty sở hữu chiếc tàu du lịch có trụ sở tại Genoa, Costa Cruises, đưa ra trước đó.
Sẽ phải mất một năm để trục vớt tàu Costa Concordia - Ảnh: Reuters
Đơn kiện dân sự đã được nộp cho một tòa án ở Miami, bang Florida, Mỹ, theo ý kiến các luật sư của nhóm này. Tuy Costa Cruises là một công đăng ký kinh doanh ở Ý, nhưng lại thuộc sở hữu Hãng Carnival ở Mỹ, hãng kinh doanh tàu du lịch lớn nhất thế giới.
Việc nộp đơn kiện được công bố trong một cuộc họp báo ở Genoa với một đại diện của nguyên đơn, luật sư người Mỹ Mitchell Proner. Luật sư này cho rằng thảm kịch ngày 13-1 vừa rồi là do lỗi của thuyền trưởng tàu Francesco Schettino, 52 tuổi, người đã để tàu đi quá gần đảo Giglio và gây ra tai nạn.
Hành vi đưa chiếc tàu 17 tầng này đến cách đất liền chỉ không tới 150m là “cố ý” và “không phải do vô tình”, theo lời ông Proner, thuộc Công ty luật Proner & Proner. Ông cũng thông báo đang hợp tác chặt chẽ với một công ty luật Mỹ khác Napoli Bern Ripka Shkolnik và hãng luật ở Ý Codacons.
Các hãng luật này đại diện cho hơn 500 trong số 3.000 hành khách có mặt trên tàu, bao gồm các du khách đến từ Đức, Pháp và Nga. Mười bảy thi thể đã được tìm thấy sau vụ tai nạn, 16 người khác vẫn còn mất tích, bao gồm một bé gái người Ý mới 5 tuổi.
Nhà chức trách Ý nói có thể phải mất hàng năm trời để trục vớt chiếc tàu, gây ra phẫn nộ cho những người dân trên đảo, vốn dựa nhiều vào ngành du lịch để kiếm sống. Các con số do nhà chức trách Giglio cung cấp cho thấy doanh thu từ du lịch năm ngoái của hòn đảo này là 50 triệu euro, chiếm 90% các hoạt động kinh doanh của đảo.
Mùa du lịch ở đây bắt đầu từ ngày lễ Phục sinh cho tới cuối tháng 10, với khoảng 10.000 du khách lên thăm đảo mỗi ngày trong các tháng 7 và 8.
Hiện một công ty Hà Lan đã bắt tay ngay vào việc chuyển gần 2 triệu lít dầu ra khỏi tàu để tránh nguy cơ dầu tràn ra biển gây ra một thảm họa sinh thái.
Tuổi Trẻ