Tôi biết mình là người đàn ông chu đáo bởi ai cũng nói vậy, nhất là chị em ở công ty và các đối tác nữ. Trong phòng, tôi không bao giờ quên sinh nhật các nhân viên trong đó có các cô gái. Đối với sếp nữ thì lại càng quan tâm nhiều hơn dù đôi khi chỉ là những sự quan tâm mang yếu tố tinh thần. Một lời thăm hỏi, một món quà nhỏ nhân ngày sinh nhật luôn khiến nét mặt chị em rạng rỡ hẳn lên, tinh thần phấn chấn, làm việc tốt hơn.
Với khách hàng cũng vậy. Tôi luôn ghi nhớ những dịp đặc biệt đối với họ để nhắn tin chúc mừng, gởi hoa và quà tặng hoặc đơn giản chỉ là một cuộc gọi để hỏi thăm… Tất cả những điều đó khiến tôi trở nên đặc biệt trong mắt chị em. Khi tôi xuất hiện thì mọi người đều có cảm giác như một luồng sinh khí mới vừa được thổi vào. Thậm chí, rất nhiều đồng nghiệp nam không giấu được sự ganh tỵ với tôi vì điều đó.
Và dù tôi biết mọi người chỉ nói đùa nhưng tôi vẫn lấy làm hãnh diện khi được trao tặng những danh hiệu đại loại như là “Người đàn ông của năm”, “Người đàn ông được yêu thích nhất”, “Người đàn ông lịch lãm nhất”, “Người đàn ông quyến rũ nhất”…
Cho đến ngày hôm qua. Tôi mừng ngày của một nửa thế giới sớm bằng một bữa tiệc hoành tráng sau khi đã tặng hoa và quà cho tất cả chị em trong phòng. Hoa thì tôi chọn theo tên và tính cách, còn quà thì theo sở thích của từng người. Tôi thật lòng cảm ơn chị em đã kề vai sát cánh cùng tôi làm nên những thành tích rực rỡ mà giám đốc luôn khen ngợi, đánh giá cao. Tôi xiết chặt tay từng người và nói những lời có cánh với họ. Bao giờ cũng vậy, tôi luôn biết cách để làm cho người khác xúc động đến nghẹn lời.
Tiệc tàn, tôi về đến nhà lúc sắp nửa đêm. Bà xã tôi vẫn thức chờ. Cô ấy hỏi tôi có đói không để đi hâm thức ăn. Đến lúc đó tôi mới sực nhớ mình chỉ uống và hát hò chứ chưa ăn gì. Vậy là bà xã lụi cụi đi dọn cơm. Tôi vừa ăn vừa huyên thuyên kể chuyện tổ chức tiệc mừng 8 tháng 3 cho chị em ở công ty; kể việc tôi chọn hoa và quà như thế nào? Bà xã tôi im lặng. Tôi cao hứng: “Làm lãnh đạo thì phải tâm lý như vậy nhân viên mới hăng hái làm việc em à, nhất là đối với nhân viên nữ. Nói gì thì nói chứ về chuyện này thì chồng em là nhất…”.
Bà xã tôi vẫn im lặng. Tôi nhận ra điều bất thường này và cụt hứng: “Em sao vậy? Không vui khi nghe anh nhắc mấy cô trong phòng à?”. Vợ tôi lắc đầu: “Không, anh quan tâm đến nhân viên như vậy là tốt…”. “Sao mặt em chù ụ vậy?”- tôi nhăn mặt. “Vì em cũng là phụ nữ mà...".
Vợ tôi nói xong đứng dậy bước tới tủ lạnh vờ rót nước uống. Tôi giật mình. Sống với nhau gần 10 năm, tôi chưa bao giờ tặng quà hay bất cứ thứ gì cho vợ nhân dịp lễ lạc. Tôi nhớ hồi hai đứa mới ra trường chưa có việc làm, có lần tôi tặng cô ấy một bó hồng nhân ngày sinh nhật thì bị cự nự: “Hoa mắc lắm, anh mua làm gì cho tốn tiền?”. Một vài lần, tôi tặng quà cũng bị rầy la là phung phí. Do vậy mà sau này, tên bà xã không bao giờ có trong danh sách những người thuộc phái yếu mà tôi phải đặc biệt quan tâm…
“Thì chính em ngày trước đã rầy la, không cho anh tặng hoa, tặng quà kia mà?”- tôi kéo tay bà xã. Mắt cô ấy đỏ hoe. Lạ thật, đúng là một nửa thế giới thật bí hiểm. Cứ tưởng đã hiểu tận tường, nào ngờ, sống với nhau ngần ấy năm, chợt phát hiện những hiểu biết và suy nghĩ của mình về người ấy sai bét…
Tối qua tôi không ngủ được, cứ lăn qua, trở lại. Ừ nhỉ, bà xã tôi cũng là phụ nữ. Một người phụ nữ đêm ngày kề cận bên tôi, nấu cho tôi từng bữa cơm, giặt cho tôi từng cái quần, tấm áo; rấp nước, lau mặt cho tôi những khi tôi say xỉn; đưa đón con cho tôi… Cả những khi có chuyện buồn phiền ở công ty không dám thổ lộ với ai thì bà xã cũng tự nguyện là “cái sọt rác” cho tôi trút bỏ mọi bực bội, ưu phiền… Nhưng mà sao cô ấy không nói ra? Phải nói, phải đòi hỏi, gợi ý như chị em ở công ty thì tôi mới biết mà đáp ứng; đằng này cô ấy chẳng nói gì…
À, tôi biết rồi. Sự khác biệt là đây. Người phụ nữ của tôi chỉ biết cho mà không yêu cầu, đòi hỏi được đáp đền. Nhưng tôi là cái thằng quá vô tư. Tại sao không lấy cách cô ấy đối đãi với mình mà đối đãi lại?
Nghĩ vậy, tôi vòng tay ôm lấy bà xã xiết chặt. Từ mai, có lẽ phải thay đổi một số nhận thức về phụ nữ. Từ mai, đây sẽ là người phụ nữ được đặt ở vị trí “ưu tiên số 1” của tôi...
Người Lao Động