Lúc nào anh P. (47 tuổi, ngụ ở quận Bình Thạnh) cũng thấy mình là người thừa trong nhà. Anh thường bị vợ chì chiết vì không biết cách làm chồng, làm cha. Khi nóng giận, chị lại đay nghiến thêm cái tội không chịu đi làm, chỉ biết dựa vào tài sản nhà vợ. P. ráng chịu vì nghĩ rằng ai chi phối kinh tế gia đình, người đó có quyền. Nhưng nhiều lúc không thể chịu đựng nổi, anh chỉ muốn bỏ nhà ra đi hoặc tìm cái chết để thoát nợ. Dần dần, anh bị rối loạn tâm thần.
Một trường hợp khác cũng phải điều trị ở Bệnh viện Tâm thần TP HCM là anh T., 40 tuổi, kỹ sư xây dựng. Tuy là trụ cột kinh tế của gia đình nhưng anh vẫn luôn bị vợ hành hạ. Những lúc ở nhà, anh chỉ biết cặm cụi với máy tính, gần như không nói chuyện với vợ nên bà xã tỏ ra ghen tuông, dùng lời nói công kích chồng. Thấy chồng vẫn im bặt, chị tức giận dùng móng tay cào nát mặt anh. Dần dần, T. rơi vào trạng thái trầm cảm, sợ về nhà vì thấy không khí luôn căng thẳng, ngột ngạt.
Bác sĩ Trần Duy Tâm, Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho rằng bạo hành là nguyên nhân tạo ra stress liên tục trong gia đình. Theo thống kê, người vợ có trình độ học vấn thấp dễ có hành vi bạo hành về thể chất, còn người học vấn cao thường tác động về tinh thần, dùng lời lẽ đay nghiến, hạ nhục, gây tổn thương tâm lý chồng. Về mặt y tế, bạo hành là căn nguyên của bệnh lý rối loạn nhân cách, rối loạn tâm thần...
Cần điều trị tâm lý cho cả gia đình
Người bị bạo hành dễ stress, với hai dạng là trầm cảm và lo âu. Thời gian đầu, người bệnh luôn cảm thấy bất an, sợ sệt vô cớ, dễ bị hồi hộp, tim đập nhanh, đổ mồ hôi trộm, căng cơ, nhức đầu như bị đe dọa, tấn công. Nếu tình trạng này kéo dài trong khoảng hai tuần, người bệnh dễ rơi vào nhóm bệnh trầm cảm., với biểu hiện rối loạn giấc ngủ, xuống tinh thần, đánh giá thấp bản thân, mất hứng thú với mọi thứ.
Đó là lý do làm nam giới cảm thấy bất lực, mệt mỏi và muốn tránh xa tổ ấm. Đặc biệt, đàn ông lớn tuổi dễ bị trầm cảm hơn khi vợ hành hung. Tuy nhiên, mỗi lần bị bạo hành, nam giới thường không đến bác sĩ hay các phòng tư vấn tâm lý cộng đồng. Vì sĩ diện, họ muốn che giấu. Mỗi khi bị bạo hành, nạn nhân chỉ biết nhẫn nhịn, tự an ủi “sợ vợ mình chứ phải sợ ai đâu”…
“Nạn nhân muốn giảm stress để tạm quên cuộc sống hiện tại bằng cách tụ tập bạn bè, lao vào chơi thể thao, vũ trường, tăng cường đi công tác xa nhà. Do đó, thời gian dành cho gia đình ít hơn, quan hệ vợ chồng càng lạnh nhạt, tình thương dành cho con cái bị hụt hẫng, phúc gia đình có nguy cơ tan vỡ” - bác sĩ Tâm giải thích.
Để điều trị, ngoài tư vấn tâm lý, bệnh nhân còn phải cho dùng thuốc chống lo âu. Riêng với những nam giới mất niềm tin vào cuộc sống, bác sĩ phải điều trị tâm lý cho cả gia đình người bệnh.
Theo bác sĩ Tâm, việc cha mẹ bạo hành với nhau rất có hại cho con cái. Do quen sống trong môi trường đó, trẻ chuyển dần từ trạng thái lo âu sang hung bạo với bạn bè, con cái về sau.
Bạn đang có những tâm sự, vui, buồn… muốn chia sẻ những bức ảnh đẹp, gửi lời nhắn (một bài hát, lời yêu, một tấm thiệp chúc mừng hay những dòng thơ nhỏ…) tới những người thân yêu của mình. |
Đất Việt